Việc xây dựng hệ thống kiểm lâm địa bàn, tuần tra bảo vệ rừng và xử lý nghiêm khắc các vụ vi phạm Lâm luật đã và đang được Đảng bộ, chính quyền và ngành lâm nghiệp huyện triển khai đồng bộ, quyết liệt...
Những năm gần đây huyện Lạc Dương nổi lên như là một trong những điểm nóng của cả tỉnh về tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng do nạn dân di cư tự do tới địa bàn tìm đất sản xuất nông nghiệp sau khi các tuyến đường 722, 723 thông tuyến và bùng phát nạn khai thác khoáng sản trái phép.
Khu định canh định cư đồng bào DTTS thôn Đa Dum, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương đã góp phần giảm thiểu diện tích rừng bị xâm hại. Ảnh: N.M |
Để hạn chế tối đa nạn phá rừng và khai thác lâm sản trái phép, ông Hoàng Tất Dương - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lạc Dương cho hay, cùng với tăng cường công tác tuyên truyền về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, về tầm quan trọng của rừng trong bảo vệ môi trường, tiến hành giao khoán quản lý bảo vệ rừng… cho nhân dân, việc xây dựng hệ thống kiểm lâm địa bàn, tuần tra bảo vệ rừng và xử lý nghiêm khắc đúng pháp luật các vụ vi phạm Lâm luật đã và đang được Đảng bộ, chính quyền và ngành lâm nghiệp huyện triển khai đồng bộ, quyết liệt từ huyện tới tận các thôn, bản.
Kết quả của những quyết tâm này là tới nay Lạc Dương đã có 9 kiểm lâm địa bàn cắm tại 5 xã và 1 thị trấn, 6 Ban Lâm nghiệp xã đã được thành lập với 93 thành viên, 24/33 thôn bản (khu phố) đã xây dựng và triển khai thực hiện Quy ước Bảo vệ rừng.
Năm 2011, qua công tác kiểm tra - tuần tra của UBND huyện, Hạt Kiểm lâm huyện và các ngành chức năng đã phát hiện có 14 doanh nghiệp được Nhà nước giao và cho thuê rừng - đất rừng để rừng bị phá trái phép (diện tích gần 13 ha, trữ lượng lâm sản thiệt hại 532 m3, buộc các doanh nghiệp này phải bồi thường thiệt hại gần 3,9 tỷ đồng). Đồng thời, phát hiện xử lý 200 vụ vi phạm Lâm luật khác (xử lý hành chính 182 vụ, xử lý hình sự 12 vụ, tịch thu 445 m3 gỗ và xử phạt 1,32 tỷ đồng…); tiến hành giải tỏa 49,4 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép để trồng lại rừng.
Hiện tại trên địa bàn Lạc Dương có 5 doanh nghiệp chế biến lâm sản, và UBND huyện theo đề nghị của Hạt Kiểm lâm Lạc Dương đã ban hành quyết định buộc Doanh nghiệp tư nhân Phương Thành (đóng tại xã Đưng K’Nớ) và Doanh nghiệp tư nhân Tiền Duy (đóng tại xã Đạ Chais) tháo dỡ nhà xưởng, ngừng hoạt động do vi phạm các quy định của Nhà nước trong quản lý lâm sản.
Từ đầu năm 2012 tới nay, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện Lạc Dương và các cơ quan có liên quan đã tập trung lực lượng tổ chức tuần tra, truy quyét các đối tượng phá rừng, khai thác, mua bán và vận chuyển lâm sản trái phép trên toàn địa bàn huyện. Lại thêm một số doanh nghiệp được thuê và giao rừng - đất rừng như Chìa khoá vàng, Thành Phong, Kim Phát, Thành Văn để rừng bị tàn phá, và cũng đã có thêm 33 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng được phát hiện và xử lý (trong đó có 22/33 vụ phá rừng trái phép, số tiền bị xử phạt 158,5 triệu đồng).
Theo ông Nguyễn Duy Hải - Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, thì hiện tại 32 hộ/60 khẩu dân di cư tự do từ các xã Mê Linh (Lâm Hà) và xã Liên Hiệp (Đức Trọng) tới lấn chiếm đất rừng, đốt rừng làm rẫy trái phép tại tiểu khu 62 thuộc xã Đưng K’Nớ đang là nhức nhối trong công tác bảo vệ rừng của huyện; biện pháp giải toả cương quyết sẽ được UBND huyện Lạc Dương triển khai, bởi việc vận động các hộ này quay về nơi ở cũ của Ban Dân tộc tỉnh và UBND các huyện Lâm Hà, Đức Trọng thực hiện thời gian qua đã không đem lại kết quả.
Ông Hoàng Tất Dương - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lạc Dương khẳng định rằng, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền huyện đã cùng với Hạt Kiểm lâm và các chủ rừng trên địa bàn nỗ lực, cố gắng làm ngày càng tốt hơn công tác bảo vệ rừng, diện tích rừng bị xâm hại trái phép đang giảm dần, diện tích rừng được trồng đã tăng đều hàng năm… song việc xử lý những người vi phạm là đồng bào DTTS còn gặp khó khăn và đã có một số diện tích đất lâm nghiệp đã bị tái lấn chiếm sau giải toả; tình trạng ken cây, phá rừng trái phép vẫn diễn ra rất phức tạp dọc tuyến tỉnh lộ 723 với hành vi ngày càng tinh vi và khó phát hiện.
Để hạn chế vi phạm Lâm luật, UBND huyện Lạc Dương đã chỉ đạo các Ban Quản lý rừng Tà Nung (có 1 phần diện tích rừng của Ban Quản lý rừng Tà Nung nằm trên địa bàn Lạc Dương), Ban Quản lý rừng phòng hộ Đa Nhim và nhất là Vườn Quốc gia Bi Doup - Núi Bà sớm tổ chức giải toả cả những vụ xâm chiếm đất rừng trái phép (kể cả để khai thác khoáng sản) xảy ra từ năm 2010 tới nay, phối hợp với chính quyền các cấp xử lý nghiêm những hành vi phá rừng, khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép tại các điểm nóng dọc các tuyến đường 723,722, khu vực Păng Tiêng và Đạ Nghịt thuộc địa bàn xã Lát…
Đức Hưng