(LĐ online) - Bị án nại là lao động duy nhất, giả bệnh nan y để hoãn đi tù.
(LĐ online) - Theo quy định của pháp luật, người thi hành án là lao động duy nhất trong gia đình hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mới được hoãn thi hành án nhưng vẫn có bị án nại là lao động duy nhất, giả bệnh nan y để hoãn đi tù.
Bị cáo đánh bạc đổ bệnh nan y
Cách đây gần năm năm, Công an huyện Đơn Dương bắt quả tại nhà một người dân ở xã Ka Đô, 18 đối tượng người địa phương đang tham gia đánh bạc bằng hình thức sóc đĩa, sát phạt nhau bằng tiền. Tang vật thu giữ ở chiếu bạc trên 35 triệu đồng…
Tại phiên sơ thẩm, Tòa án nhân dân huyện Đơn Dương tuyên phạt bị cáo Phan Văn Thanh, 11 tháng 9 ngày tù về hai tội tổ chức đánh bạc và đánh bạc ( án tuyên đúng bằng thời hạn tạm giam nên sau phiên toà bị cáo được trả tự do); Phan Hữu Toàn, 3 tháng tù cho hưởng án treo; Trương Văn Lộc, Phùng Văn Tân mỗi bị cáo lãnh 6 tháng tù cho hưởng án treo và Trần Phương Linh, phạt tiền năm triệu đồng cùng về tội đánh bạc. Các bị cáo còn lại toà tuyên phạt án treo, hình phạt tiền hoặc bằng thời hạn tạm giam.
Cho rằng, án sơ thẩm chưa đánh giá đúng tính chất hành vi phạm tội nên Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng xét xử phúc thẩm lại bản án sơ thẩm tuyên phạt Thanh, Linh 30 tháng tù giam; Toàn, 12 tháng tù giam; Linh, Lộc, Tân mỗi bị cáo lãnh 24 tháng tù giam về các tội danh trên.
Ngày vào trại, các bị án xin hoãn thi hành án vì lý do bố mẹ già yếu, lại là lao động duy nhất nếu ở tù sẽ gặp khó khăn cho gia đình nên TAND huyện Đơn Dương ra quyết định hoãn thi hành hình phạt tù với thời gian 11 tháng cho cả 5 bị án.
Không hiểu, có phải do lao động quá sức mà hết thời gian hoãn thi hành án lần thứ nhất, cả năm bị án lại đồng loạt đổ bệnh mà toàn bệnh nan y, khó chữa. Các bị án nộp đơn, hồ sơ bệnh án rồi tiếp tục được hoãn thi hành án lần thứ hai với cùng lý do mắc bệnh hiểm nghèo cần phải điều trị, thời gian hoãn như lần thứ nhất.
Gian lận trong thi hành án.
VKSND tỉnh Lâm Đồng vào cuộc kiểm tra phát hiện, bị án Thanh, Toàn là hai anh em ruột sống chung trong một gia đình gồm 15 thành viên, trong đó có 13 người ở độ tuổi lao động, đều có nghề nghiệp ổn định; cùng đó Linh, Lộc cũng không phải là lao động chính duy nhất trong gia đình; riêng bị án Tân không có mặt ở địa phương, kết quả xác minh Tân có hộ khẩu thường trú, đang sinh sống với cha mẹ ở TP. Hồ Chí Minh nhưng vẫn được xác nhận thường trú ở địa phương.
Cả năm lá đơn xin hoãn thi hành án, UBND xã Quảng Lập và xã Ka Đô chỉ chứng thực đương sự có hộ khẩu thường trú tại địa phương. Chính quyền sở tại không xác nhận các bị án là lao động duy nhất trong gia đình nhưng vẫn được hoãn thi hành án lần thứ nhất.
Hết thời gian hoãn thi hành án lần thứ nhất, đồng loạt các bị án đổ bệnh nan y rồi được hoãn thi hành án lần thứ hai. Kiểm tra hồ sơ bệnh án vỏn vẹn chỉ có một đơn thuốc, giấy ra viện của Khoa nội và Khoa nhiệt đới - Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước với kết luận, Thanh bị bệnh ung thư đại tràng di căn phổi; Toàn bị xơ gan cổ chướng giai đoạn cuối; Lộc và Linh mắc lao phổi kháng thuốc bội nhiễm tiên lượng xấu. Riêng bị án Tân, Khoa lao- Trung tâm phòng chống bệnh xã hội Lâm Đồng kết luận: “ bị bệnh lao phổi AFB (+), nếu không điều trị hoặc điều trị không đúng cách sẽ nguy hiểm đến tính mạng, lây nhiễm cho cộng đồng và kháng thuốc”. Kèm theo kết luận là phiếu xét nghiệm, chụp X quang và giấy chuyển bệnh nhân về Tổ lao thuộc Trung tâm y tế huyện Đơn Dương điều trị nhưng khi kiểm tra, Trung tâm xác nhận thời gian trên bệnh nhân này không nhập viện.
Đáng lưu ý, hết thời gian hoãn thi hành án lần thứ hai cũng là ngày bước chân vào thụ án, Trại giam Công an tỉnh Lâm Đồng tiến hành kiểm tra, thăm khám sức khoẻ, kết luận năm bị án trên về tiền sử không hề có bệnh tật và hiện tại cũng không có bệnh gì.
Chưa hết, kiểm tra hồ sơ hoãn thi hành án còn phát hiện thời gian viết đơn xin hoãn thi hành án (vì lý do bệnh hiểm nghèo) có trước kết quả chuẩn đoán, điều trị bệnh nan y. Phải chăng các bị án tự nại ra bệnh nan y cho mình rồi sau đó bổ túc hồ sơ xin hoãn thi hành án ?.
Để làm rõ sự việc này, ngày 12/3/2012, VKS tiến hành lấy lời khai của các bị án họ thừa nhận, không có bệnh tật nên cũng chẳng điều trị ở đâu mà tự nại ra chứng bệnh nan y để được hoãn thi hành án.
Từ việc thiếu thận trọng trong quy trình thẩm tra, xác minh đơn xin hoãn thi hành án phạt tù, không tiến hành trưng cầu giám định đến cơ quan y tế địa phương để có cơ sở kết luận bị án có bị bệnh nặng hay không, Tòa án nhân dân huyện Đơn Dương đã vội vàng ban hành liên tiếp 10 quyết định hoãn thi hành án phạt tù (lần thứ nhất lý do lao động duy nhất, lần thứ hai bị bệnh hiểm nghèo) cho 5 bị án.
Mới đây, ngày 3/5/2012 trả lời kháng nghị của VKSND tỉnh Lâm Đồng, Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng thừa nhận cấp dưới chưa xác minh làm rõ lý do đã cho hoãn thi hành án là trái luật nên sẽ tiến hành nhắc nhở rút kinh nghiệm.
Hiện cả 5 bị án đã bị buộc vào trại thi hành án theo đúng tội danh, hình phạt mà bản án đã tuyên. Nhưng rõ ràng gần 2 năm giả bệnh, giả làm lao động duy nhất để hoãn đi tù đã “ qua mặt” cơ quan chức năng, làm giảm hiệu của bản án và tính nghiêm minh của pháp luật.
Đây cũng là kinh nghiệm cho các địa phương trong thẩm tra, xác minh hồ sơ hoãn thi hành án phạt tù.
TIẾN DÂN