Đó là nhận định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước tình trạng vi phạm lâm luật trên địa bàn tỉnh. Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy chỉ trong vòng một tháng đã phát hiện, lập biên bản gần 200 vụ vi phạm.
Đó là nhận định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước tình trạng vi phạm lâm luật trên địa bàn tỉnh. Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy chỉ trong vòng một tháng đã phát hiện, lập biên bản gần 200 vụ vi phạm.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ trong vòng một tháng (từ 10/4 - 10/5/2012) lực lượng Kiểm lâm, Ban Lâm nghiệp xã và các đơn vị chủ rừng… đã phát hiện lập biên bản 198 vụ vi phạm liên quan đến pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp. Các vụ vi phạm được ghi nhận bao gồm: phá rừng trái phép, khai thác gỗ và lâm sản, mua bán vận chuyển lâm sản trái phép hay vi phạm quy định về chế biến gỗ và lâm sản… Điều đáng nói là trong số các vụ vi phạm, chiếm tỷ lệ cao nhất liên quan đến việc mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép với 86/198 vụ diễn ra trong vòng một tháng, kế đến là nạn phá rừng trái phép 56 vụ với diện tích rừng bị thiệt hại 19,6 ha. Địa phương có số vụ phá rừng đứng đầu tỉnh đó là huyện Lạc Dương với 11 vụ vi phạm, tiếp tới là huyện Đạ Huoai với 9 vụ và huyện Bảo Lâm với số lượng 8 vụ. Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chức năng đã xử lý 190 vụ trong tổng số vụ vi phạm trong tháng. Theo đó xử phạt hành chính 185 vụ và chuyển cơ quan chức năng xử lý hình sự 5 vụ. Số lâm sản, phương tiện tịch thu qua xử lý vi phạm bao gồm: 1 xe ô tô, 40 xe máy, 29 phương tiện, dụng cụ khác và thu về trên 430 m3 gỗ các loại.
5 tháng xảy ra 211 vụ phá rừng Thống kê của ngành chức năng, trong 5 tháng đầu năm 2012 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 827 vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp. Trong đó có 190 vụ vi phạm quy định về khai thác gỗ và lâm sản, để xảy ra 211 vụ phá rừng trái phép… và 344 vụ mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Được biết, tổng diện tích rừng bị chặt phá, xâm hại lên đến gần 59 ha. KHẢI NHIÊN |
Báo cáo tại cuộc họp trực tuyến giữa UBND tỉnh và các huyện, thành phố mới đây, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, các vụ phá rừng lấn chiếm đất rừng tại một số điểm nóng thời gian qua diễn biến phức tạp, nhất là các huyện Đạ Tẻh, Đạ Huoai và Lạc Dương. Cụ thể trên địa bàn huyện Lạc Dương trong 4 tháng đầu năm 2012, diện tích rừng bị phá trên địa bàn 4,76 ha, riêng hơn tháng qua 2,3 ha rừng bị phá và đã được Hạt Kiểm lâm Lạc Dương phát hiện, xử lý kịp thời. Qua thống kê, diện tích rừng trên địa bàn huyện Lạc Dương bị phá từ năm 2005 đến nay là 191 ha, qua đó cơ quan chức năng của huyện giải tỏa, thu hồi trồng lại rừng trên diện tích này. Đặc biệt tình hình khai thác, vận chuyển lâm sản tại khu vực huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh trong thời gian qua diễn biến phức tạp. Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay: Các đối tượng vi phạm hoạt động rất tinh vi, nhằm vào thời gian ban đêm, các ngày nghỉ, thường xuyên cử người theo dõi, thông báo mọi hoạt động của lực lượng chức năng nhằm trốn tránh, sử dụng xe chế độ, xe hết niên hạn để vận chuyển lâm sản trái phép. Nghiêm trọng hơn khi bị phát hiện lợi dụng số đông chống lại người thi hành công vụ hay bỏ phương tiện, tang vật chạy trốn gây khó khăn trong việc bắt giữ, xử lý. Điểm đáng lưu ý nữa là khu vực huyện Đạ Tẻh, Đạ Huoai có nhiều dự án đầu tư cải tạo rừng, trồng cao su đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng để khai thác, vận chuyển gỗ, phá rừng và lấn chiếm rừng trái phép. Lực lượng chức năng khó bề kiểm soát được các đối tượng ra vào rừng do việc triển khai các dự án đã hình thành nhiều tuyến đường mòn.
Với hiện trạng vi phạm lâm luật nêu trên, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát cần nhanh chóng xử lý dứt điểm những điểm nóng phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn cần sớm được thực thi, nhất là việc theo dõi, truy tìm và phát hiện các đường dây khai thác, mua bán vận chuyển lâm sản trái phép.
XUÂN TRUNG