Uỷ ban Tư pháp thẩm tra 5 tờ trình quan trọng

10:07, 26/07/2012

(LĐ online) - Ngày 26/7, tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), Uỷ ban Tư pháp của quốc hội đã họp phiên toàn thể lần thứ 5 khoá 13 để thẩm tra 4 tờ trình của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và 1 tờ trình của Toà án nhân dân tối cao.

(LĐ online) - Ngày 26/7, tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), Uỷ ban Tư pháp của quốc hội đã họp phiên toàn thể lần thứ 5 khoá 13 để thẩm tra 4 tờ trình của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và 1 tờ trình của Toà án nhân dân tối cao. Phiên họp do Chủ nhiệm Uỷ ban tư pháp Nguyễn Văn Hiện chủ trì, có sự tham dự của Phó Chủ tịch quốc hội Uông Chu Lưu.

Đồng chí Uông Chu Lưu, UVTWĐ, Phó chủ tịch Quốc hội phát biểu tại phiên họp.
Đồng chí Uông Chu Lưu, UVTW Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội (giữa) phát biểu tại phiên họp.

5 tờ trình được xem xét tại phiên họp gồm: tờ trình của Toà án nhân dân tối cao về thành lập Vụ Thi đua – Khen thưởng và công tác chính trị thuộc bộ máy giúp việc của Toà án nhân dân tối cao, với số biên chế từ 20 đến 25 người; tờ trình về tăng số lượng Uỷ viên uỷ ban Kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao từ 15 lên 17, bổ sung 3 kiểm sát viên làm Uỷ viên uỷ ban Kiểm sát; trình điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ và đổi tên một số đơn vị thuộc bộ máy làm việc; trình phê duyệt trang phục của cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát và Giấy chứng minh Kiểm sát viên; và trình đề nghị bổ sung 2.200 biên chế cho viện kiểm sát nhân dân các cấp, trong đó cấp huyện là 1.601 người, cấp tỉnh 365 người và tối cao là 243 người.

Qua thảo luận, các tờ trình đều được các thành viên uỷ ban tư pháp của quốc hội đã thống nhất chủ trương nhưng đề nghị phải bổ sung thêm nhiều cơ sở pháp lý. Cụ thể, nhận định về tờ trình trang phục của cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, ông Nguyễn Xuân Hiện, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm uỷ ban tư pháp của quốc hội cho rằng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần làm rõ hơn tính cơ sở pháp lý của việc thay đổi trang phục này, phải có ý kiến của Bộ Tài chính thẩm định dự án và phải nêu rõ cụ thể những đối tượng được thay đổi trang phục.

Riêng đối với tờ trình đề nghị bổ sung 2.200 biên chế cho viện kiểm sát nhân dân các cấp, các thành viên uỷ ban tư pháp của quốc hội đã thống nhất trước mắt chỉ chấp thuận giải quyết biên chế cho viện kiểm sát nhân dân cấp huyện. Các biên chế còn lại cần phải tiếp tục xem xét.

Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Uông Chu Lưu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng, ngoài việc xem xét kỹ nhu cầu thực tế của việc giải quyết biên chế, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần phải tổ chức sắp xếp thế nào cho hợp lý, tránh tình trạng nơi thừa nơi thiếu.

Kết thúc phiên họp, cả 5 tờ trình đều mới chỉ được chấp nhận bước đầu. Đa số ý kiến trong phiên họp yêu cầu các tờ trình cần bổ sung thêm nhiều thông tin, cả về nhu cầu thực tế và cơ sở pháp lý.

Quang Sáng