Xuân Thọ kiên quyết giải tỏa lấn chiếm đất rừng trái phép

03:07, 10/07/2012

Qua nguồn tin của quần chúng, chúng tôi vào tiểu khu 152, 153 thuộc thôn Xuân Thành, xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt, thuộc địa bàn quản lý của Ban Quản lý rừng Lâm Viên và Công ty CP giống lâm nghiệp vùng Tây Nguyên, chứng kiến hàng loạt cây thông trên dưới 10 năm tuổi bị ken chờ chết, hoặc bị chặt hạ để lấy đất sản xuất, hoặc sang nhượng mua bán...

Qua nguồn tin của quần chúng, chúng tôi vào tiểu khu 152, 153 thuộc thôn Xuân Thành, xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt, thuộc địa bàn quản lý của Ban Quản lý rừng Lâm Viên và Công ty CP giống lâm nghiệp vùng Tây Nguyên, chứng kiến hàng loạt cây thông trên dưới 10 năm tuổi bị ken chờ chết, hoặc bị chặt hạ để lấy đất sản xuất, hoặc sang nhượng mua bán. Một người dân đang làm vườn dưới thung lũng tại đây cho biết: Ở thôn Xuân Thành, từ nhiều năm nay nhiều hộ dân làm vườn trồng rau, hoa dưới các thung lũng thì không sao, vì họ luôn có trách nhiệm bảo vệ những cánh rừng thông trên đồi, hoặc men sườn đồi rất tốt, không gây ảnh hưởng đến tài nguyên môi trường rừng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một số người ở địa phương, hoặc phường 11, TP Đà Lạt đã có hành vi chặt hạ, ken chết cây rừng để lấy đất sản xuất, hoặc sang nhượng mua bán trái phép. Đơn cử như hộ ông Huỳnh Bồng ở tổ 47, Đồi Dã Chiến, P.11, TP Đà Lạt năm 2008 lấn chiếm đất rừng trái phép tại một vạt đồi thuộc lô A1 khoảnh 3, TK 153 diện tích 1.500 m2 để trồng cà phê. Sau khi được trình báo, ngày 2/6/2009, Công ty CP giống lâm nghiệp vùng Tây Nguyên giải tỏa cà phê, nhưng không tổ chức trồng lại rừng. Thấy thế, năm 2011, ông Huỳnh Bồng tiến hành xịt thuốc cỏ, mở rộng diện tích lấn chiếm và chở những cây cà phê đã lớn vào trồng trên diện tích tái lấn chiếm. Thấy ông Huỳnh Bồng lấn chiếm được, vợ chồng ông Lê Thanh Điệp ở tổ 6, thôn Xuân Thành, xã Xuân Thọ cũng vào lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép tại lô 1, khoảnh 3, TK 153, san thành từng băng để trồng rau, hoa, thì xảy ra xô xát với ông Huỳnh Bồng.

Sau khi ghi hình thực trạng chặt hạ, ken cây, lấn chiếm đất rừng trồng rau, hoa, cà phê trái phép của một số trường hợp, chúng tôi làm việc với UBND xã Xuân Thọ và được ông Trần Phương - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm đất lâm nghiệp tại các tiểu khu 152, 153, 163 A trên địa bàn xã Xuân Thọ, thuộc diện tích rừng do Ban Quản lý rừng Lâm Viên và Công ty CP giống lâm nghiệp vùng Tây Nguyên quản lý những năm gần đây diễn ra khá phức tạp, gây bức xúc trong dư luận. UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu TP Đà Lạt, xã Xuân Thọ, cùng các đơn vị chủ rừng có biện pháp giải tỏa. Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Đà Lạt, xã Xuân Thọ đã phối hợp với các đơn vị chủ rừng nhiều lần tiến hành giải tỏa các trường hợp lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép. Riêng 6 tháng đầu năm 2012 đã hàng chục lần “ra quân” giải tỏa hàng chục vụ trong tổng số 54 trường hợp tái lấn chiếm, lấn chiếm mới. Tuy nhiên, tình hình lấn chiếm đất rừng vẫn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn. Chẳng hạn: các đối tượng ươm trồng cà phê trong những chậu trồng rau, hoa đợi đến lớn từ 0,5-0,7 m, thậm chí còn bới cả những cây cà phê sắp cho thu hoạch, chở vào diện tích đất rừng lấn chiếm trái phép, đào hố bỏ xuống trồng để đánh vào tâm lý không nỡ chặt hạ cà phê sắp cho thu hoạch của các đội công tác giải tỏa. Trước tình hình phức tạp như vừa nêu, ngày 12/6/2012, UBND xã Xuân Thọ ban hành kế hoạch kiểm tra, truy quét, giải tỏa các trường hợp lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép số 18/KH-UBND. Theo đó, từ ngày 15 đến 25 hàng tháng, UBND xã sẽ phối hợp với các ngành chức năng của TP Đà Lạt, các đơn vị chủ rừng tiến hành kiểm tra, truy quét, giải tỏa các trường hợp vi phạm lấn chiếm đất rừng trái phép. “Riêng trường hợp ông Huỳnh Bồng và ông Lê Thanh Điệp trước đây đã bị phạt hành chính về hành vi “lấn chiếm đất lâm nghiệp tráp phép 1.250.000 đồng và 500.000 đồng, nay tiếp tục tái lấn chiếm, UBND xã sẽ phối hợp với đội 12 TP Đà Lạt tiến hành giải tỏa cà phê, bắt trồng lại rừng trong hai ngày 6 và 7/7/2012. Nếu các đối tượng không chấp hành sẽ lập biên bản chuyển cơ quan pháp luật xử lý theo đúng quy định của pháp luật” -  ông Trần Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ cho biết.

Vấn đề mấu chốt, theo chúng tôi, ngoài việc kiên quyết xử lý, giải tỏa, cần phải bắt các đối tượng vi phạm lấn chiếm đất lâm nghiệp trồng lại rừng, hoặc giao các đơn vị chủ rừng khôi phục lại rừng trồng, có như vậy việc giải tỏa mới bền vững. Bởi kinh nghiệm ở nhiều địa phương khác cho thấy, sau khi giải tỏa, đất lâm nghiệp bỏ hoang hóa, các đối tượng sẽ tái lấn chiếm lại rừng. Nếu làm đúng quy trình từ kiên quyết giải tỏa, đến khôi phục lại rừng, thì rừng, đất rừng ở Xuân Thọ mới thực sự bình yên!

Hoàng Đại Huynh