Số liệu giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho biết: Khoảng 7 năm qua, trên địa bàn Lâm Đồng đã giải quyết gần 20 ngàn đơn thư khiếu nại, tố cáo về đất đai, trong đó có 266 vụ khiếu nại, tố cáo đông người...
Số liệu giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho biết: Khoảng 7 năm qua, trên địa bàn Lâm Đồng đã giải quyết gần 20 ngàn đơn thư khiếu nại, tố cáo về đất đai, trong đó có 266 vụ khiếu nại, tố cáo đông người. Những huyện, thành chiếm số nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo trong thời gian qua là Đà Lạt, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh và Bảo Lộc. Sau khi nhận văn bản giải quyết của cơ quan thẩm quyền cấp dưới, người dân vẫn tiếp tục khiếu nại lên cơ quan thẩm quyền cấp trên hoặc khởi kiện ra tòa án với số lượng gồm 1.809/66.451 quyết định về quản lý đất đai; 202/1.071 quyết định giải quyết tranh chấp đất đai; 11/547 quyết định xử phạt hành chính.
Cũng theo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, số vụ việc khiếu nại, tố cáo về đất đai đã và đang có chiều hướng tăng như trên là có nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó nguyên nhân khách quan là những năm qua, Lâm Đồng triển khai nhiều công trình xây dựng như sân bay, thủy điện, công viên… nên phải giải tỏa, đền bù với số lượng lớn diện tích đất của nhiều người, nhiều thành phần; trong khi việc tính toán bồi thường còn nhiều bất cập; việc quy hoạch tái định cư còn chưa chủ động, thiếu quỹ đất tương xứng, không đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng đất trước quá trình đô thị hóa diễn ra khá nhanh. Những nguyên nhân chủ quan được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng nêu rằng: Vẫn còn nhiều khu vực đất giải tỏa, đền bù trong tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa cân nhắc, tính toán toàn diện về quyền lợi của người bị thu hồi đất khi chuyển đổi nghề nghiệp, dẫn đến không ít trường hợp hộ gia đình gặp khó khăn vì thiếu đất sản xuất, phát sinh khiếu kiện. Về phía các cấp, các ngành, địa phương còn chưa bàn bạc thấu đáo, chưa thống nhất cách giải quyết hoặc giải quyết không dứt điểm, thiếu thỏa đáng trong nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo về đất đai…
Những phân tích của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho thấy: Để hạn chế đến mức thấp nhất những vụ việc khiếu kiện, tố cáo về đất đai, Lâm Đồng cần tập trung hai giải pháp chính yếu là vận dụng những quy định để giải quyết có lợi nhất cho những người có đất phải giải tỏa, đền bù và các cơ quan hành chính nhà nước luôn có sự phối hợp giải quyết từng vụ việc một cách đồng bộ, nhanh chóng, đúng luật, phù hợp với đặc điểm sử dụng đất của từng địa phương.
VĂN VIỆT