Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc thi hành án dân sự, nhưng thành phố Bảo Lộc vẫn chưa “thoát” khỏi được một thực trạng chung của nhiều địa phương, là án tồn đọng vẫn cứ tiếp tục... “chồng” lên án mới.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc thi hành án dân sự, nhưng thành phố Bảo Lộc vẫn chưa “thoát” khỏi được một thực trạng chung của nhiều địa phương, là án tồn đọng vẫn cứ tiếp tục... “chồng” lên án mới.
Theo Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Bảo Lộc, bước sang năm 2012, tổng số án cũ tồn đọng từ những năm trước chuyển sang gồm 624 việc. Và, nếu cộng thêm án mới thụ lý trong năm nay, thì Chi cục Thi hành án dân sự thành phố phải giải quyết trên 1.000 việc, với giá trị tài sản và tiền phải thu gần 150 tỷ đồng. Trong số án tồn đọng kéo dài, có những vụ việc đã hơn 10 năm vẫn chưa giải quyết được.
Qua rà soát, phân loại, trong số những việc phải thi hành, trên 600 việc có điều kiện thi hành (chiếm 60%) và trên 400 việc chưa có điều kiện thi hành (chiếm 40%). Với những cố gắng, tích cực, từ đầu năm 2012 đến nay, Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Bảo Lộc đã thi hành xong 250 việc, đạt 42%, với giá trị tài sản và tiền đã thi hành được hơn 10 tỷ đồng. Mặc dù tỷ lệ vụ việc và giá trị tài sản thi hành án dân sự đạt cao hơn so cùng kỳ này năm ngoái, nhưng so với yêu cầu và so với các địa phương khác trong tỉnh, thì tỷ lệ thi hành án tại Bảo Lộc đạt còn thấp.
Theo Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Bảo Lộc, khó khăn lớn nhất đối với công tác giải quyết án tồn đọng là người phải thi hành án chỉ có tài sản duy nhất là nhà ở có giá trị lớn hơn nhiều so với gía trị phải thi hành, là nơi sinh sống của gia đình; người phải thi hành án không có công việc làm và thu nhập ổn định. Mặc dù theo Nghị định 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ, chấp hành viên vẫn có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế, kê biên tài sản để thi hành án, nhưng đối với những trường hợp này, việc tiến hành cưỡng chế rất khó khăn. Để khắc phục, Chi cục đã yêu cầu chấp hành viên áp dụng đồng thời một số biện pháp, như phối hợp với cơ quan chức năng kịp thời thông báo cho cơ quan thi hành án về việc người phải thi hành án thực hiện các giao dịch đối với tài sản của bản thân, để buộc người phải thi hành án phải thực hiện nghĩa vụ theo án tuyên, trước khi giao dịch về tài sản. Hoặc, lập danh sách người phải thi hành án gởi về địa phương và phối hợp vận động, giải thích người thi hành án tự nguyện thi hành, nhằm hạn chế việc phải cưỡng chế thi hành án…
Trong số án tồn đọng, việc thi hành các khoản bồi thường, tiền phạt các loại án ma túy, đánh bạc có khoản thi hành khá cao, nhưng người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù, hoặc bỏ đi khỏi địa phương nhưng không có tài sản, hoặc có mặt tại địa phương nhưng cũng không có tài sản… thì việc thi hành án gặp phải khó khăn. Không ít vụ việc có khoản thi hành lớn, nhưng tài sản kê biên chưa bán được, dẫn đến số lượng vụ việc và giá trị tài sản chưa có điều kiện thi hành chiếm tỷ lệ cao; án tồn đọng phát sinh và kéo dài. Một số vụ việc phức tạp, kéo dài chưa giải quyết dứt điểm, gây nên bức xúc, phát sinh tình trạng khiếu kiện và đôi khi gây rối, làm mất trật tự ở địa phương.
Trong số án tồn đọng, cũng có những trường hợp là cá nhân huy động vốn của nhiều người, tuy đã mất khả năng chi trả, nhưng các chủ nợ không khởi kiện, mà họ chỉ khởi kiện sau khi người huy động vốn đó đã bị Chi cục ra quyết định thi hành án để thi hành một bản án hoặc quyết định khác của Tòa án. Lúc đó, Chi cục Thi hành án phải dừng việc kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án để chờ Tòa án giải quyết xong vụ khởi kiện của họ. Đối với tài sản kê biên, cũng có những tài sản do thẩm định giá quá cao, không thể bán được, khiến thời gian kéo dài. Một số tài sản sau nhiều lần giảm giá, nhưng vẫn chưa bán được. Một số vụ án, Tòa án tuyên không rõ, dẫn đến khó thi hành án…
Ngoài ra, còn có nhiều nguyên nhân khác nữa. Từ đó, án tồn đọng ngày càng chồng chất. Trong khi đó, số lượng chấp hành viên của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Bảo Lộc chỉ có giới hạn, nên “áp lực” công việc nhiều. Mỗi năm, một chấp hành viên phải giải quyết tới 200 - 300 vụ việc. Như thế, quả là… “quá tải”! Và, hiện nay còn thêm một cái khó nữa, là giá trị tài sản và tiền phải thi hành án đối với những việc có điều kiện thi hành chỉ gần 18 tỷ đồng (chiếm 12%), nhưng giá trị phải thi hành án đối với những việc chưa có điều kiện thi hành lên tới trên 130 tỷ đồng (chiếm 88%). Như thế, nó tiềm ẩn khả năng rất lớn, là án tồn đọng mới sẽ tiếp tục… “chồng” lên án tồn đọng cũ theo “cấp số cộng”!
BÙI TRƯỞNG