Tuy đạt được những kết quả khả quan, nhưng trong việc tổ chức THADS, ngành THA vẫn mắc phải một số mặt hạn chế, yếu kém…
Nhiều năm qua, Cục Thi hành án dân sự (THADS) Lâm Đồng luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, với xu hướng năm sau luôn cao hơn năm trước. Cụ thể: Trong năm 2012 (số liệu tính từ đầu năm đến 30/9, theo cách tổng kết của ngành THA) toàn ngành đã tiếp nhận 10.903 vụ, với số tiền trên 878,346 tỷ đồng. Trong đó, có 10.801 vụ phải THA, với số tiền trên 874,685 tỷ đồng, gồm: 7.555 vụ có điều kiện THA, với số tiền trên 220,485 tỷ đồng; 3.246 vụ chưa có điều kiện THA, với số tiền gần 654,200 tỷ đồng.
Cục và Chi cục của 12 huyện, TP đã THA xong hoàn toàn được 6.810 vụ, đạt 90,1% so với số vụ có điều kiện THA, tăng 1,7% so với năm 2011 và tăng 2,1% so với chỉ tiêu giao, với số tiền đã THA được trên 179,650 tỷ đồng, đạt 81,14% so với số tiền có điều kiện THA, tăng 2,4% so với năm 2011 và tăng 8,5% so với chỉ tiêu giao.
Cùng với việc tổ chức THA các vụ án dân sự nói trên, năm 2012, Cục và Chi cục THA của 12 huyện, TP đã tổ chức cưỡng chế được 252 vụ THADS, trong đó có 46 vụ khi nhận quyết định cưỡng chế, các đương sự đã tự nguyện thi hành, chỉ có 3 vụ cưỡng chế không thành. Điều đáng nói là, trong quá trình tiếp nhận đơn yêu cầu THADS, ngành THA đã nghiên cứu kỹ tình hình thực tế của các đương sự phải THA, đối chiếu với Luật THA và đã đề nghị TAND các cấp xét miễn, giảm hợp lý 39 vụ, với số tiền trên 157,7 tỷ đồng, đồng thời có văn bản yêu cầu ngành tòa án giải thích, đính chính 8 vụ án có hiệu lực thi hành, với số tiền trên 194 triệu đồng.
Cũng trong quá trình tổ chức THA, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, ngành THADS đã tổ chức tiếp được 48 lượt công dân và tiếp nhận, giải quyết 222 đơn khiếu nại, 7 đơn tố cáo của các bên đương sự, trong đó đã ra quyết định giải quyết 111 đơn khiếu nại, 4 đơn tố cáo, chuyển đơn, hoặc ra văn bản hướng dẫn giải quyết 111 đơn khiếu nại, 3 đơn tố cáo.
Tuy đạt được những kết quả khả quan, nhưng trong việc tổ chức THADS, ngành THA vẫn mắc phải một số mặt hạn chế, yếu kém sau: Số vụ án phải thi hành trong toàn ngành chuyển sang năm 2013 còn quá lớn (3.743 vụ), tỷ lệ giải quyết các vụ án tồn đọng của các Chi cục THA còn thấp. Vẫn còn tình trạng quá tải công việc của các chấp hành viên (Đà Lạt, Đức Trọng, Bảo Lộc), một số địa phương (Di Linh, Cát Tiên, Đam Rông) địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, ít nhiều đã ảnh hưởng đến kết quả THA. Đặc biệt, có một số vụ THADS có những bất cập, sai sót gây dư luận không tốt và ảnh hưởng đến uy tín của ngành THADS, điển hình như vụ Hồng Hưng ở Đà Lạt...
Bên cạnh đó, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS vẫn còn những tồn tại, vướng mắc, nhiều vụ việc để kéo dài không giải quyết dứt điểm. Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại nói trên, theo ông Nguyễn Văn Hiển - Cục trưởng Cục THADS Lâm Đồng: Việc xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật THADS còn chậm, một số quy định về THADS còn có những bất cập. Nhiều vụ ADS không có điều kiện thi hành, nhiều tài sản đã kê biên, đưa ra bán đấu giá nhiều lần, nhưng không có người mua, cơ chế quản lý tài sản, thu nhập của tổ chức, cá nhân chưa chặt chẽ, gây khó khăn cho việc tổ chức THA. Ý thức tuân thủ pháp luật của các đương sự phải THA chưa cao, có nhiều trường hợp cố tình chây ỳ, tẩu tán tài sản...
Cùng với những nguyên nhân khách quan này, còn có những nguyên nhân chủ quan khác, đó là: Trong quản lý, điều hành của ngành THADS có lúc, có nơi chưa sâu sát, kịp thời và quyết liệt tổ chức thực hiện. Một số chi cục THADS chưa tranh thủ được sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự hỗ trợ của các ngành chức năng hữu quan, các tổ chức đoàn thể CT-XH. Đội ngũ cán bộ, chấp hành viên vừa thiếu, vừa không đồng đều về chuyên môn nghiệp vụ. Cá biệt, có trường hợp thiếu ý thức trách nhiệm dẫn đến những sai sót trong chuyên môn, nghiệp vụ, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động và uy tín của ngành.
HOÀNG VƯƠNG MỸ