Khoảng 22 giờ 30 phút ngày 21/5/2012, vợ chồng anh Nguyễn Viết Nga, chị Trần Thị Cẩm Đường chạy xe môtô đi trên đường cao tốc hướng Đức Trọng - Đà Lạt. Khi phát hiện thấy xe máy của vợ chồng anh Nga, chị Đường, Phạm Nhật Anh Tài cùng đồng bọn đưa bó tre ra ngang đường để chặn xe, ngay sau đó cầm cây nhặt ở ven đường lao vào đánh anh Nga, chị Đường, yêu cầu phải đưa tiền...
Khoảng 22 giờ 30 phút ngày 21/5/2012, vợ chồng anh Nguyễn Viết Nga, chị Trần Thị Cẩm Đường chạy xe môtô đi trên đường cao tốc hướng Đức Trọng - Đà Lạt. Khi phát hiện thấy xe máy của vợ chồng anh Nga, chị Đường, Phạm Nhật Anh Tài cùng đồng bọn đưa bó tre ra ngang đường để chặn xe, ngay sau đó cầm cây nhặt ở ven đường lao vào đánh anh Nga, chị Đường, yêu cầu phải đưa tiền. Do bị chặn đánh, anh Nga hoảng sợ bỏ chạy, còn chị Đường buộc phải giao hết tài sản. Sau khi lấy hết tài sản, Tài và đồng bọn đã lấy xe của vợ chồng anh Nga, chị Đường tẩu thoát. Đến sáng ngày 22/5/2012 thì tất cả bị phát hiện và bắt giữ cùng tang vật của vụ án. Vụ án trên được Toà án nhân dân huyện Đức Trọng đưa ra xét xử theo quy định của pháp luật.
Phiên Toà kết thúc. Bản án mà vị Chủ toạ phiên toà vừa tuyên xong với mức hình phạt 5 năm tù dành cho Phạm Nhật Anh Tài về tội “Cướp tài sản” đã làm mọi người tham dự phiên toà đồng tình. Khi các chiến sỹ công an còng tay đưa Tài ra khỏi phòng xử, Tài đã cố quay đầu lại nhìn mẹ như muốn nói rằng mẹ đừng bỏ con!
Mẹ đã không mang đến cho Tài một cuộc sống sung túc, Tài không được nuôi dưỡng và giáo dục của một người cha, nhưng đó không phải là lý do để Tài dấn thân vào con đường tội lỗi. Nếu Tài mở lòng ra với cuộc sống này, Tài sẽ thấy bao mảnh đời bất hạnh sống tốt như thế nào để vươn lên, không chỉ vì bản thân mình, mà còn những người thân yêu nhất của họ. Tuổi thanh xuân của mẹ là những ngày tháng khổ cực với cơm áo gạo tiền để nuôi 4 anh em Tài ăn học. Cuộc sống vất vả mưu sinh không làm mẹ đau bằng vết thương mẹ đã sinh ra một đứa con phạm tội. 5 năm tù mà pháp luật đã rất rạch ròi bằng những khung hình phạt cụ thể - đây chỉ là những hậu quả hữu hình, Tài gây ra tội lỗi thì Tài phải trả giá. Nhưng còn hậu quả vô hình mà Tài không thể nào cân, đo, đong, đếm được, cũng không có điều luật nào quy định bằng một con số cụ thể để Tài có thể trả. Đó là nỗi đau của mẹ xa con, anh xa em, chưa nói đến người bị hại bị tổn thất về mặt tinh thần, cũng như vật chất do Tài đã gây ra.
Mẹ không có gì biện hộ cho lỗi lầm của Tài. Thế giới mà Tài được làm “Thủ lĩnh”, “Đại ca” để được nhóm bạn Tài (cùng ra toà hôm nay) tung hô đã góp phần đưa Tài trượt sâu vào tội lỗi. Cuộc sống mà Tài muốn làm anh hùng chỉ là ảo tưởng mà thôi, đã là ảo tưởng thì có thật bao giờ. Để khi Tài nhận ra được điều này thì đã muộn màng. Lời nói sau cùng của Tài tại phiên toà xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt để sớm làm lại cuộc đời và có điều kiện chăm sóc mẹ già. Vị Chủ toạ đã nói: “Giá như lúc thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo biết nghĩ tới điều này thì đã không có ngày hôm nay”. Hai chữ “bị cáo” như xé ruột gan mẹ, nhưng như thế nào thì Tài vẫn là con của mẹ. Mẹ sẽ lại tiếp tục bên cạnh Tài, sẽ là nguồn động viên tinh thần để Tài phục thiện. Chỉ có như vậy những năm tháng trong trại giam Tài mới thấy lòng thanh thản để làm lại cuộc đời. Nếu Tài thật tâm hối lỗi, cải tạo tốt, mẹ tin rằng pháp luật nghiêm minh nhưng còn sự khoan hồng của Nhà nước. Mọi người xung quanh và xã hội sẽ không quay lưng với Tài. Hình phạt của pháp luật thật đáng sợ, nhưng đáng sợ hơn lại chính là hình phạt của lương tâm!
HỒNG LÂM