Thứ 6, 24/01/2025, 06:43

Giải tỏa đất theo kiểu “giang hồ”!

04:05, 23/05/2013

Một nhóm khoảng 40 người đã được Công ty TNHH kỹ thuật nhựa Khang Thịnh (gọi tắt Công ty Khang Thịnh, trụ sở TP HCM) thuê để giải tỏa đất do các hộ dân lấn chiếm tại tiểu khu 614 (thôn 13, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm)...

Một nhóm khoảng 40 người đã được Công ty TNHH kỹ thuật nhựa Khang Thịnh (gọi tắt Công ty Khang Thịnh, trụ sở TP HCM) thuê để giải tỏa đất do các hộ dân lấn chiếm tại tiểu khu 614 (thôn 13, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm). Xô xát giữa nhóm người này và người dân đã xảy ra khiến tình hình an ninh trật tự trở nên phức tạp. Đây không phải lần đầu tiên việc giải tỏa này được thực hiện và kế hoạch giải tỏa cũng đã bộc lộ nhiều sai sót.

Hiện trường vụ giải tỏa
Hiện trường vụ giải tỏa


Ngày 3 và 4/5/2013, Công ty Khang Thịnh đã thuê 2 xe đào cùng 40 thanh niên không phải người dân địa phương đến tiểu khu 614 để giải tỏa đất đã được giao cho Công ty nhưng bị các hộ dân đã lấn chiếm. Theo một số hộ dân sống trên trục tỉnh lộ 725 qua tiểu khu này, vào 2 ngày trên, có hàng chục thanh niên đã đến đây bằng xe máy để trấn áp những người dân phản đối việc giải tỏa đất rừng của Công ty Khang Thịnh, dẫn đến việc xô xát giữa lực lượng giải tỏa và người dân địa phương. Bà Phạm Thị Tươi, người có hơn 2 ha đất tại khu vực giải tỏa, cho biết: “Đất được tôi mua lại của người khác bằng giấy tay từ năm 2009 với giá 50 triệu đồng. Từ đó, tôi đã bắt đầu trồng cà phê, nhưng đến năm 2010 thì bị UBND huyện Bảo Lâm giải tỏa một lần với lý do lấn chiếm đất lâm nghiệp đã được giao cho Công ty Khang Thịnh. Sau đó, tôi tiếp tục trồng cà phê thì đến nay lại bị giải tỏa tiếp. Ngày 3/5, Công ty Khang Thịnh cùng với Công an huyện Bảo Lâm, Công an xã Lộc Ngãi, Hạt Kiểm lâm và khoảng 40 người do Công ty Khang Thịnh thuê đã đem máy đào đến giải tỏa đất của dân. Khi chúng tôi ra ngăn cản thì cả công an lẫn nhóm người này đã dùng dùi cui, dao phát và gậy gộc để đánh và trấn áp chúng tôi”. Tương tự, bà Trần Thị Thủy, có đất giải tỏa trong khu vực này, cho biết: “Những người do Công ty Khang Thịnh thuê rất hung dữ. Ai xông vào là họ lấy dao và gậy đẩy ra. Tôi còn bị một người trong nhóm người đó dí kim tiêm vào mặt và đe dọa muốn chết thì cứ nhào vô”. Theo những hình ảnh mà chúng tôi được người dân cung cấp, hầu hết những thanh niên do Công ty Khang Thịnh thuê đều cầm dao, gậy gộc và dùi cui. Riêng nam thanh niên dọa bà Thủy đội nón rằn ri, tay trái cầm dao và tay phải cầm kim tiêm liên tục quát chửi người dân. Khi bị phản ứng lại, nam thanh niên này đã nhảy vào đòi đâm kim tiêm vào những người trước mặt.

Ngay ngày đầu xảy ra xô xát, các hộ dân đã làm đơn kiện và đến trực tiếp UBND xã Lộc Ngãi để yêu cầu giải quyết vụ việc. Ông Nguyễn Quang Sanh, Chủ tịch UBND xã Lộc Ngãi, cho biết: Việc giải tỏa lấn chiếm đất rừng được Công ty Khang Thịnh thực hiện với đầy đủ các thủ tục cần thiết. Công ty đã lập kế hoạch và được UBND huyện đồng ý và đề nghị các đơn vị liên quan bố trí lực lượng hỗ trợ Công ty Khang Thịnh giải tỏa, gồm Công an huyện Bảo Lâm, Công an xã Lộc Ngãi, Hạt Kiểm lâm, Phòng Tài nguyên và Môi trường. Công ty Khang Thịnh cũng đã đăng ký với xã về số lượng người mà Công ty thuê để hỗ trợ việc giải tỏa là 60 người. Tuy nhiên, theo quy định về việc cưỡng chế và thu hồi đất thì lực lượng cưỡng chế phải là lực lượng của cơ quan chức năng Nhà nước, có quyết định thành lập của cấp có thẩm quyền. Thế nhưng, trong trường hợp này, lực lượng của cơ quan chức năng chỉ mang tính hỗ trợ, còn việc giải tỏa chính lại được giao cho lực lượng của Công ty Khang Thịnh.

Từ tháng 6/2010, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có quyết định giao 131 ha đất rừng cho Công ty Khang Thịnh tại tiểu khu 614. Do quá trình quản lý không chặt, nên Công ty Khang Thịnh đã để các hộ dân lấn chiếm. Đến nay, 26 hộ dân đã tái lấn chiếm hơn 26 ha đất rừng đã được giao cho Công ty. Theo quy định của pháp luật, người dân đã sai vì đã lấn chiếm đất rừng đã được giao cho người khác quản lý. Tuy nhiên, về phía Công ty Khang Thịnh cũng có lỗi trong việc chậm triển khai dự án, khiến đất rừng trước đây đã từng được UBND huyện giải tỏa bị tái lấn chiếm. Theo ông Sanh, riêng tại xã Lộc Ngãi đã có 9 dự án thuê đất trồng rừng. Các dự án đều gặp vướng mắc trong việc giải tỏa đất bị lấn chiếm.

Đây không phải lần đầu xảy ra xô xát giữa người dân và Công ty Khang Thịnh trong việc giải tỏa đất lấn chiếm. Năm 2010, sau khi bị giải tỏa, người dân nơi đây đã thuê xe chở cây trồng ra Thanh tra huyện Bảo Lâm và UBND tỉnh Lâm Đồng để khiếu nại. UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản yêu cầu UBND huyện kiểm tra, giải tỏa các trường hợp vi phạm và yêu cầu Công ty Khang Thịnh bảo vệ tốt diện tích được giao để tránh tình trạng tái lấn chiếm. Đến cuối năm 2012, việc lấn chiếm vẫn tiếp diễn và do áp lực phải triển khai dự án, nên Công ty Khang Thịnh đã tự tổ chức lực lượng để giải tỏa đất lấn chiếm. Lần này tiếp tục gặp sự phản kháng của người dân. UBND xã Lộc Ngãi đã yêu cầu Công ty phải dừng lại để hoàn thiện các thủ tục pháp lý trước khi giải tỏa.

ĐÔNG ANH