Đẩy nhanh việc giải quyết án quá hạn

03:07, 07/07/2013

Tính đến cuối tháng 6/2013, án quá hạn tại Lâm Đồng đã vượt qua con số 100 vụ, đang tạo ra một áp lực lớn cho hệ thống tòa án 2 cấp.

Tính đến cuối tháng 6/2013, án quá hạn tại Lâm Đồng đã vượt qua con số 100 vụ, đang tạo ra một áp lực lớn cho hệ thống tòa án 2 cấp.

Con số chính xác của số vụ án quá hạn theo Tòa án tỉnh Lâm Đồng tính cho đến gần cuối tháng 6/2013 là 109 vụ trong tổng số 1.614 vụ toàn ngành đang thụ lý, trong số này có 93 vụ dân sự, 10 vụ hôn nhân và gia đình, 3 vụ án hành chính, 3 vụ kinh doanh thương mại.

Trước đó, tính đến tháng 11/2012, toàn ngành còn 85 vụ quá hạn (cấp tỉnh 1 vụ, cấp huyện 84 vụ) gồm 72 vụ dân sự, hôn nhân gia đình 9 vụ, hành chính 4 vụ trong đó có 30 vụ quá hạn trên 12 tháng. Trong 85 vụ này, trong 4 tháng, từ đầu tháng 12/2012 đến cuối tháng 3/2013 toàn ngành Tòa án Lâm Đồng đã giải quyết được 58 vụ trong đó có những vụ án quá hạn trên 12 tháng. Tuy nhiên, khi án quá hạn cũ chưa giải quyết xong thì án quá hạn mới lại phát sinh.

Không ít nguyên nhân dẫn đến án quá hạn được chỉ ra. Nhiều vụ án đương sự “chây lì”, không chấp hành theo giấy triệu tập của tòa án; nhiều bị đơn, người có quyền lợi hay nghĩa vụ liên quan trong vụ án thấy bất lợi nên né tránh, thường xuyên thay đổi nơi cư trú, gây khó khăn nhằm kéo dài vụ án. Có trường hợp liên quan đến nhiều người nhưng đương sự không lần ra được địa chỉ, có trường hợp bị đơn khi nghe tòa triệu tập thì đến bệnh viện khai bệnh xin nằm viện, tạo ra trường hợp “bất khả kháng”; có trường hợp khi định giá tài sản thì đóng cửa bỏ đi đâu không ai biết…

Cùng đó nhiều vụ án khá phức tạp, nhất là những vụ tranh chấp liên quan đến đất đai, tài sản thừa kế, buộc phải tiến hành theo nhiều bước với thủ tục giấy tờ liên quan đến đất đai trong khi tòa muốn giải quyết thì các cơ quan liên quan lại chẳng tích cực phối hợp với tòa. Có trường hợp đo đạc xong phải chờ đến 3 - 4 tháng, thậm chí 7 tháng vẫn chưa có kết quả dù tòa án liên tục đề nghị hỗ trợ. Có một số vụ án bị cấp giám đốc thẩm hủy, giao hồ sơ về giải quyết lại nhưng do thời gian lâu, tình hình thay đổi nên khá phức tạp khi phải làm lại từ đầu.

Nhưng cũng có những nguyên nhân mà Tòa án tỉnh đánh giá là chủ quan từ phía tòa. Đó là việc các thẩm phán chưa thực hiện đúng quy trình tố tụng trong thụ lý vụ án; một số vụ án thụ lý khi chưa đủ điều kiện nhất là chứng cớ ban đầu khi khởi kiện; chưa có kế hoạch cụ thể, chưa tích cực xác minh thu thập chứng cứ để giải quyết vụ án trong hạn luật định; thiếu đôn đốc hoặc có đôn đốc nhưng không liên tục với các cơ quan liên quan để họ cung cấp thông tin tài liệu đúng hạn. Một số vụ có căn cứ để tạm đình chỉ nhưng vẫn cứ tiến hành.

Cùng đó, dẫn đến án quá hạn còn do một số thẩm phán làm việc tắc trách, thiếu năng lực, chưa nghiên cứu kỹ pháp luật, không áp dụng đúng các quy định của pháp luật về tố tụng để giải quyết vụ án đúng theo thời hạn quy định; lúng túng trong xác định quan hệ tranh chấp, xác định tư cách tố tụng, các chứng cớ phải thu thập và sợ bị hủy án nên để kéo dài. Với những vụ án phức tạp có thẩm phán không xoay xở được nhưng lại không báo cáo lãnh đạo để cùng tập thể tìm biện pháp tháo gỡ. Nhiều vụ án bị tồn đọng lại do được phân công qua nhiều thẩm phán (do điều động, biệt phái, đi học, không được tái bổ nhiệm) nên đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Cùng đó không ít trường hợp phân công chưa hợp lý, lãnh đạo thiếu kiểm tra đôn đốc, chưa tạo điều kiện tốt nhất cho thẩm phán giải quyết vụ án, chưa kiểm điểm nghiêm túc những trường hợp để án quá hạn vì chủ quan nhưng chậm khắc phục.

Với những vụ án còn tồn đọng, trước nhất các đơn vị cần phân loại đánh giá nguyên nhân quá hạn để đưa ra kế hoạch khả thi về thời gian, giải pháp khắc phục cho từng vụ án cụ thể, tiến đến giải quyết dứt điểm trong thời gian sớm nhất.

Với những vụ án quá hạn có nguyên nhân chủ quan của thẩm phán thì phải giải trình với Tòa tỉnh, kiểm điểm xử lý, đồng thời ấn định thời gian cụ thể để giải quyết dứt điểm vụ án, lấy tiêu chí không để án quá hạn luật định để xem xét tái bổ nhiệm thẩm phán khi hết nhiệm kỳ.

Tòa án tỉnh cũng yêu cầu các thẩm phán đề cao tinh thần trách nhiệm trong thụ lý, giải quyết các loại án, đúng quy trình tố tụng; nghiên cứu đổi mới phương thức làm việc; phân công giải quyết án phải cụ thể với thời hạn hoàn thành nhất định; khi gặp khó khăn phải báo cáo để cùng tập thể có giải pháp tháo gỡ.

Cùng đó, ngành cũng tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương các cấp, các cơ quan liên quan trong các lĩnh vực có liên quan, nhất là đất đai để cùng thúc đẩy hoàn tất các thủ tục giấy tờ, tạo điều kiện thuận lợi cho tòa các cấp giải quyết các vụ án.

Một giải pháp khác mà Tòa án tỉnh đang thực hiện hiện nay là tăng cường chất lượng đội ngũ thẩm phán thông qua các chương trình đào tạo bồi dưỡng của ngành; thực hiện việc điều động, biệt phái cán bộ, thẩm phán trong ngành đến những đơn vị có số lượng vụ án nhiều nhưng thiếu người. Tòa án tỉnh cũng yêu cầu các thẩm phán trong ngành với những vụ án phức tạp có ý kiến khác nhau thì nên báo cáo với Ủy ban Thẩm phán tỉnh để được hướng dẫn.

GIA KHÁNH