Một số vấn đề về người chưa thành niên phạm tội ở Lâm Đồng

03:08, 01/08/2013

Theo số liệu thống kê của TAND tỉnh Lâm Đồng, từ năm 2010 đến năm 2012, toàn tỉnh đã xảy ra 251 vụ án hình sự do người chưa thành niên thực hiện, chiếm 11,30% tội phạm toàn tỉnh, đã truy tố và xét xử 325 đối tượng...

Theo số liệu thống kê của TAND tỉnh Lâm Đồng, từ năm 2010 đến năm 2012, toàn tỉnh đã xảy ra 251 vụ án hình sự do người chưa thành niên thực hiện, chiếm 11,30% tội phạm toàn tỉnh, đã truy tố và xét xử 325 đối tượng, trong đó phạt tù dưới 18 năm: 3, dưới 15 năm: 15, dưới 7 năm: 42, dưới 3 năm: 105 đối tượng và phạt tiền 1, cảnh cáo 2, cải tạo không giam giữ 17, xử án treo 140. Còn 242 đối tượng đang điều tra, chờ xét xử. Chủ yếu là các tội xâm hại tính mạng, sức khỏe, tài sản như giết người 3,14%; cướp tài sản 13,14%; trộm cắp tài sản 33,46%; cố ý gây thương tích 11,95%; vi phạm các quy định về Luật Giao thông đường bộ 7,9%... Đáng chú ý là tình hình người chưa thành niên phạm tội có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và số đối tượng, tính chất nguy hiểm cũng có chiều hướng gia tăng.

Học sinh dàn hàng ba, hàng bốn gây cản trở giao thông vẫn còn diễn ra khá phổ biến nhất là vào giờ tan trường. Ảnh: Văn Báu
Học sinh dàn hàng ba, hàng bốn gây cản trở giao thông vẫn còn diễn ra khá phổ biến nhất là vào giờ tan trường. Ảnh: Văn Báu


Qua nghiên cứu của nhóm tác giả cho thấy một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng phạm tội của người chưa thành niên, đó là: Nhận thức của người chưa thành niên còn hạn chế, khả năng làm chủ hành vi chưa cao, nhiều em có tâm lý thích bạo lực, dễ bị lôi kéo, kích động, thiếu kìm chế... dễ dẫn đến phạm tội vì những động cơ, mục đích nhiều khi rất đơn giản, tầm thường nhưng hậu quả lại rất nghiêm trọng; Các hiện tượng tiêu cực trong xã hội và mặt trái của nền kinh tế thị trường đã tạo ra lối sống hưởng thụ, đua đòi, lạnh lùng, thói ích kỷ, thái độ vô trách nhiệm, lười lao động, học tập, thiếu ý chí phấn đấu vươn lên trong một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên hiện nay. Bên cạnh đó, tình trạng cha mẹ ly hôn, cha mẹ sống buông thả, không gương mẫu về đạo đức và lối sống, gia đình quá nuông chiều con cái, buông lỏng quản lý, phó mặc cho nhà trường, ngược lại có những gia đình quá khắt khe, kìm kẹp... cũng ảnh hưởng xấu đến nhân cách và làm phát sinh tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên hiện nay. Nhiều em vì kinh tế gia đình khó khăn, không đáp ứng được những nhu cầu, sở thích cá nhân dẫn đến phạm các tội chiếm đoạt tài sản. Tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội vẫn còn phức tạp cùng với sự thiếu kiểm soát các loại hình kinh doanh internet, quán Bar, vũ trường, quán nhậu, phim ảnh, game online, các sản phẩm có nội dung không lành mạnh, xa lạ với lịch sử, văn hóa, truyền thống của dân tộc, đồi trụy, kích động bạo lực... đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển nhân cách của trẻ em hiện nay. Qua khảo sát 17 tiệm kinh doanh internet trên địa bàn TP Đà Lạt, có tới 100% tiệm hoạt động trên 18 giờ mỗi ngày và đối tượng sử dụng dịch vụ 100% là thanh thiếu niên và đáng lo ngại là 100% thanh thiếu niên đó chỉ sử dụng internet vào mục đích duy nhất là chơi game online, có em chơi liên tục trong nhiều ngày không quan tâm học hành, gia đình và sức khỏe. Mặt khác, sự phối kết hợp giữa gia đình, nhà trường và các cơ quan tổ chức, đặc biệt là phối hợp với lực lượng công an trong phòng ngừa người chưa thành niên phạm tội chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp.

Trước thực trạng trên, chính quyền và xã hội cần tích cực xóa đói giảm nghèo gắn với giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân, giảm tỷ lệ thất nghiệp, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em có nguy cơ làm trái pháp luật để các em có cơ hội vươn lên trong cuộc sống. Cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng ngừa xã hội. Lực lượng công an các cấp đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, ngăn chặn những người chưa thành niên có điều kiện khả năng phạm tội, như gọi hỏi, răn đe, giáo dục tại xã phường, đưa vào trường giáo dưỡng; đồng thời phối hợp với nhà trường, gia đình quản lý chặt chẽ số học sinh cá biệt, trẻ em hư tại cộng đồng. Tổ chức xét xử các vụ án điểm nhằm nâng cao tính răn đe, giáo dục chung trong xã hội. Các cơ quan chức năng thường xuyên phổ biến kiến thức quản lý, chăm sóc, giáo dục con cái cho các cặp vợ chồng có con dưới 18 tuổi. Tăng cường giáo dục cho thanh thiếu niên về nhân văn, đạo đức lịch sử truyền thống, tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức cộng đồng và lối sống hiện đại. Nhà trường cần nâng cao hiệu quả giáo dục của các hoạt động ngoài giờ với các hình thức phong phú, sinh động, phù hợp với tâm lý lứa tuổi như đóng vai, trả lời câu hỏi, tiểu phẩm, kể truyện, xem phim tài liệu, đối thoại với chuyên gia, những người nổi tiếng, thần tượng của các em để thu hút học sinh, nhất là về kỹ năng sống, hoạt động thể chất, văn hóa văn nghệ, xã hội chính trị, giáo dục hướng nghiệp, tâm lý, giới tính, tình yêu tình bạn, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, trách nhiệm đối với đất nước, xã hội... nhằm giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho các em phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Đoàn Thanh niên tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa, thể chất có nội dung và hình thức phong phú, hấp dẫn thanh thiếu niên để các em tránh xa các hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Các bậc cha mẹ phải nêu cao tinh thần cảnh giác trước những nguy cơ phạm tội của con cái, không nên quá nuông chiều hoặc quá khắt khe trong quản lý, giáo dục con cái, không nên coi thường việc cập nhật những kiến thức mới về quản lý, giáo dục và chăm sóc con cái. Tăng cường quản lý các loại hình kinh doanh internet, quán nhậu, vũ trường, quán Bar, khách sạn, nhà nghỉ, sản phẩm văn hóa... nhằm tạo môi trường sống lành mạnh cho trẻ em phát triển toàn diện. Nâng cao chất lượng hiệu quả quản lý hành chính về trật tự xã hội để phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tùy tình hình cụ thể, tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm nhằm huy động các lực lượng trong toàn xã hội triển khai đồng bộ các biện pháp trấn áp đẩy lùi tội phạm. Lực lượng công an thường xuyên tuần tra không để thanh thiếu niên tụ tập hoạt động phạm pháp.

Nhóm tác giả: PHÚC, SAO, HẢI, HƯNG, BÁT
(SV lớp CHL K3, Lâm Đồng)