Có không ít trường hợp đã được xác định không có căn cứ gì nhưng nhiều người vẫn cứ liên tục gửi đơn đến Tòa án tỉnh Lâm Đồng đòi giải quyết.
Có không ít trường hợp đã được xác định không có căn cứ gì nhưng nhiều người vẫn cứ liên tục gửi đơn đến Tòa án tỉnh Lâm Đồng đòi giải quyết.
Năm 2002 ông Nguyễn Văn Trình ở Đinh Trang Hòa (Di Linh) làm đơn gửi đến các cấp chính quyền khiếu nại về việc khoảnh đất trên 1.000m2 của ông nhưng lại cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) “nhầm” sang tên người khác, cụ thể là cấp cho ông Hoàng Kim Phúc người ở cùng xã với ông. Trên cơ sở khiếu nại này, các cấp chính quyền huyện Di Linh vào cuộc, xác minh lại sự việc. Sau đó UBND huyện Di Linh có quyết định thu hồi giấy chứng nhận đã cấp cho ông Phúc trước đó để cấp lại cho ông Nguyễn Văn Trình. Nhưng sự việc không dừng lại ở đây. Từ năm 2002 đến nay, ông Hoàng Kim Phúc liên tục làm đơn khiếu nại gửi đến các cấp chính quyền, đến Tòa án huyện Di Linh và Tòa án tỉnh Lâm Đồng để đòi lại mảnh đất này. Ông Nguyễn Kim Đồng, cán bộ Tòa án tỉnh Lâm Đồng thụ lý vụ việc cho biết, theo qui định pháp luật tố tụng điểm b, khoản 1, điều 168, Luật Tố tụng Dân sự, việc khiếu kiện kéo dài vô căn cứ này thuộc trường hợp trả lại đơn kiện. Lý do: sự việc tranh chấp đã được giải quyết bằng quyết định có hiệu lực về mặt pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cụ thể ở đây là UBND huyện Di Linh. Dù toàn án tỉnh nhiều lần bác đơn nhưng ông Phúc cứ vẫn gửi đơn lên khiếu nại.
Trên đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp khiếu nại vô căn cứ mà Tòa án tỉnh Lâm Đồng nhận được. Tính từ đầu năm 2012 đến 30/6/2013, Tòa án tỉnh đã thụ lý 169 đơn khiếu nại, đã giải quyết được 136 đơn, còn lại 33 đơn của 16 việc, trong đó có nhiều việc chẳng có căn cứ gì để giải quyết.
“Chúng tôi khi nhận được đơn khiếu nại tố cáo luôn tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. Đơn khiếu nại đúng, khi xác minh có căn cứ sẽ được chấp nhận để kháng nghị giám đốc thẩm. Tuy nhiên có không ít đơn trong số này khiếu nại không có căn cứ gì để giải quyết ” - ông Nguyễn Kim Đồng cho biết.
Trong quá trình thụ lý đơn khiếu nại, Tòa án tỉnh đều cử cán bộ xem xét nghiên cứu hồ sơ rất kỹ để trả lời cho công dân. Trong thực tế có không ít trường hợp việc khiếu nại nhằm kéo dài việc thi hành án, né tránh thực hiện nghĩa vụ về tài sản. Tương tự, với những đơn tố cáo, theo ông Đồng, Tòa án tỉnh khi nhận đơn cũng sẽ tiến hành xác minh sự việc. Có không ít trường hợp chủ đơn đứng ra tố cáo các thẩm phán được phân công giải quyết vụ án của họ đã có hành vi, thái độ, tác phong không đúng mực khi làm việc; xử án chưa đúng pháp luật, bản án chưa hợp lý. Những trường hợp này Tòa án tỉnh luôn kiểm tra lại, giải quyết theo đúng quy trình, có xác minh, kết luận, gửi thông báo đến người tố cáo. Tuy nhiên, trong số đơn tố này vẫn có không ít trường hợp nội dung tố cáo chẳng có căn cứ gì.
Tòa án tỉnh Lâm Đồng trong thời gian qua đã ban hành và thực hiện tương đối tốt quy chế tiếp nhận xử lý đơn khiếu nại tư pháp và tiếp công dân. Mọi đơn khiếu nại gửi đến đều được xem xét và giải quyết trong thời hạn nhanh nhất có thể. Tuy nhiên theo ông Đồng, một số đơn có nội dung khá phức tạp, chẳng hạn những vụ việc liên quan đến đất đai, phân chia tài sản thừa kế… muốn giải quyết được phải có sự phối hợp của rất nhiều cơ quan chuyên trách liên quan nên có không ít trường hợp Tòa án tỉnh cũng phải chờ đợi, không trả lời kịp thời được cho người khiếu nại.
Để đẩy nhanh việc giải quyết đơn khiếu nại tố cáo, nhất là số đơn còn tồn, Tòa án tỉnh cho biết sẽ tiếp tục đôn đốc cán bộ của mình trong thực thi nhiệm vụ, trong đó chú ý đến việc nâng cao tinh thần trách nhiệm của từng đơn vị cá nhân khi được giao giải quyết đơn. Với những đơn vô căn cứ, theo ông Đồng sau khi xác minh, Tòa án tỉnh sẽ trả lời rất rõ cho người khiếu nại: “không có căn cứ” với giải thích kèm theo rõ ràng để tránh đi lại mất thời gian.
Gia Khánh