Năm 2012, cả tỉnh Lâm Đồng phát hiện 2.111 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng - giảm 3,37% (tương đương 74 vụ) so với năm 2011. Ngay từ đầu năm 2013 này, Lâm Đồng đề ra chỉ tiêu phấn đấu cả năm giảm 20% số vụ vi phạm lâm luật so với năm 2012.
Năm 2012, cả tỉnh Lâm Đồng phát hiện 2.111 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng - giảm 3,37% (tương đương 74 vụ) so với năm 2011. Ngay từ đầu năm 2013 này, Lâm Đồng đề ra chỉ tiêu phấn đấu cả năm giảm 20% số vụ vi phạm lâm luật so với năm 2012 (tương đương 420 vụ).
Số liệu báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2013, cả tỉnh đã có 1.433 vụ vi phạm lâm luật bị phát hiện và lập biên bản. Trong hơn nửa tháng đầu của tháng 9 này, số vụ vi phạm bị phát hiện cũng đã lên đến con số trên dưới 100 vụ. Như vậy, tính đến giữa tháng 9.2013, Lâm Đồng đã phát hiện và lập biên bản hơn 1.500 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
Như vậy, theo dự báo, đến hết tháng 9.2013, Lâm Đồng sẽ “đạt” đến ngưỡng phấn đấu giảm 20% số vụ vi phạm lâm luật của cả năm 2013. Nói cách khác, trong quý IV năm 2013, nếu cả tỉnh… không phát hiện thêm vụ vi phạm lâm luật nào thì “con số mơ ước” giảm 20% số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng sẽ trở thành hiện thực.
Trong thực tế cho thấy, hầu như ngày nào ở Lâm Đồng cũng xảy ra nạn phá rừng; và nếu tính bình quân thì mỗi ngày có gần 6 vụ xảy ra bị phát hiện và lập biên bản. Ví dụ như trong 3 tháng gần đây nhất: Tháng 6: 215 vụ, tháng 7: 155 vụ và tháng 8: 173 vụ.
Hơn thế, tính chất và mức độ của các vụ vi phạm cũng rất đáng bàn: Tháng 7 có 5 vụ xử lý hình sự, lâm sản tịch thu qua xử lý hơn 279m3 gỗ, tịch thu động vật rừng hoang dã 3 cá thể và 41kg; tháng 8 cũng có 5 vụ xử lý hình sự, lâm sản tịch thu gần 184m3, tịch thu động vật rừng hoang dã 15 cá thể.
Vấn đề đáng nói ở đây là điều gì sẽ xảy ra ở 3 tháng còn lại của năm 2013 trước mục tiêu phấn đấu giảm 20% số vụ vi phạm lâm luật? Đành rằng đặt ra mục tiêu phấn đấu là hết sức cần thiết nhưng suy cho cùng thì tính nghiêm minh của pháp luật trên lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng được thể hiện chủ yếu ở cơ quan chức năng trong thực hiện Luật Bảo vệ và Phát triển rừng như không bỏ sót đối tượng vi phạm và số vụ vi phạm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, tích cực tuyên truyền cho mọi người dân cùng hiểu và thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng…
Mức phấn đấu giảm 20% số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh Lâm Đồng đặt ra cho năm 2013 này là mức không dễ đạt được. Tuy nhiên, cũng có cách nói và cách làm thường nghe và thường thấy là “Không có gì là không thể!” - điều cần nên cẩn trọng!
Khắc Dũng