Ngay sau khi phiên tòa kết thúc, bà Nguyễn Thị Huệ có đơn kháng cáo và dư luận tại xóm 6, thôn 10, xã ĐạmB'ri cũng cho rằng, phiên tòa dân sự sơ thẩm của TAND TP Bảo Lộc do thẩm phán Nguyễn Khắc Quảng làm chủ tọa tuyên xử như trên là chưa thấu tình, đạt lý.
Ngày 12/9/2013, TAND TP Bảo Lộc đưa vụ án “Tranh chấp về quyền đòi lại tài sản” giữa nguyên đơn: Trần Minh Sơn (1949) cư trú tại xóm 6, thôn 10, xã ĐạmB’ri, TP Bảo Lộc và bị đơn Nguyễn Thị Huệ (1955) cùng cư trú tại xóm 6, thôn 10, xã ĐạmB’ri, TP Bảo Lộc, đã tuyên xử: Buộc bà Nguyễn Thị Huệ phải tháo dỡ toàn bộ ngôi nhà cấp 4, tọa lạc trên lô đất 326 m2, thuộc một phần thửa 86, tờ bản đồ số 19, tại xóm 6, thôn 10, xã ĐạmB’ri, TP Bảo Lộc để trả lại đất cho ông Trần Minh Sơn.
Ngay sau khi phiên tòa kết thúc, bà Nguyễn Thị Huệ có đơn kháng cáo và dư luận tại xóm 6, thôn 10, xã ĐạmB’ri cũng cho rằng, phiên tòa dân sự sơ thẩm của TAND TP Bảo Lộc do thẩm phán Nguyễn Khắc Quảng làm chủ tọa tuyên xử như trên là chưa thấu tình, đạt lý.
Theo hồ sơ vụ án và tìm hiểu của chúng tôi được biết: Trước năm 2007, bà Nguyễn Thị Huệ thọ giáo tại Tịnh xá Hữu Tâm ở 338C Trần Văn Kiểu, P.7, Q.6, TP Hồ Chí Minh. Vốn có lòng “từ bi hỷ xả”, bà Nguyễn Thị Huệ thường nhặt số chó, mèo nhỏ, bị thương tật do người dân quanh vùng vứt trước cổng Tịnh xá vào chăm sóc, cứu chữa. Dần dần đàn mèo sinh sôi nảy nở lên gần 60 con, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa cắn phá tài sản của người dân quanh vùng.
Theo đề nghị của người dân, Phòng TN-MT Q.6, TP Hồ Chí Minh đến yêu cầu Tịnh xá phải di dời đàn chó, mèo đi nơi khác, hoặc sẽ dùng thuốc độc chích chết hết rồi mang đi tiêu hủy tại lò hỏa táng. Trong lúc đang bế tắc chưa tìm ra được cách giải quyết, thì cơ may đến với bà Nguyễn Thị Huệ, khi bà Lâm Thị Trang, vợ ông Trần Minh Sơn ở xóm 6, thôn 10, xã ĐạmB’ri, TP Bảo Lộc, người thường lui tới Tịnh xá Hữu Tâm và chơi thân với bà Huệ đưa ra giải pháp: Vợ chồng bà sẽ cho bà Huệ đất ở cuối vườn của gia đình ở xóm 6, thôn 10, xã ĐạmB’ri để xây cất nhà vừa để ở, vừa để di dời đàn chó, mèo lên nuôi nhốt cùng, vì ở vị trí đất bà cho bà Huệ xây cất nhà còn hoang vắng, xa khu dân cư. Được vợ chồng ông Sơn, bà Trang ngỏ lời giúp đỡ, ngày 7/8/2007, bà Huệ cùng mẹ và một số người bạn đi xe lên ĐạmB’ri gặp vợ chồng ông Trần Minh Sơn để bàn bạc, thống nhất việc cho đất, làm nhà ở. Sau khi bàn bạc thống nhất, vợ chồng ông Trần Minh Sơn đồng ý sẽ đứng ra hợp đồng với chủ thầu xây dựng (ông Khởi), lo thủ tục khởi công xây dựng, mua vật tư xây dựng… với tổng vốn đầu tư công trình 120 triệu đồng, cộng với dự trù phát sinh 30 triệu đồng.
Vì quá tin tưởng vợ chồng ông Sơn, nên trong các thành viên lên Bảo Lộc đàm phán, có người đặt vấn đề cần phải làm giấy tờ cho đất, nhưng bà Huệ nói rằng “Vợ chồng ông Sơn, bà Trang cũng có tấm lòng từ bi hỷ xả của nhà Phật, không cần phải cẩn thận đến mức đó”. Sau khi trở về TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Huệ đã 5 lần chuyển tiền cho bà Lâm Thị Trang, tổng số 135 triệu đồng (đã ứng trước cho chủ thầu xây dựng 15 triệu đồng). Những lần nhận tiền, hoặc mua vật liệu xây dựng bà Trang đều lấy tên của bà Huệ và chủ thầu, công nhân xây dựng, lẫn người dân quanh vùng đều biết việc vợ chồng ông Sơn cho đất và đứng ra xây dựng nhà giúp cho bà Huệ. Tuy nhiên, hết thời hạn xây cất, nhưng chỉ mới hoàn thiện được ½ công trình, buộc bà Huệ phải từ TP Hồ Chí Minh lên tá túc trong nhà vợ chồng ông Sơn để đầu tư tiếp 200 triệu đồng, công trình mới được hoàn thành đưa vào sử dụng ngày 21/11/2007. Ngày khánh thành, đưa vào sử dụng, nhiều hàng xóm, trong đó có cả vợ chồng ông Trần Minh Sơn cũng đến dự, chúc mừng, chia vui với bà Nguyễn Thị Huệ cùng đàn chó, mèo có ngôi nhà mới tá túc ổn định lâu dài.
Thế nhưng, thật bất ngờ, vào tháng 3/2008, vợ chồng ông Trần Minh Sơn gọi bà Huệ sang nhà đặt vấn đề đòi lại đất. Bà Huệ không đồng ý. Từ đó xảy ra tranh chấp, ông Sơn có đơn gửi chính quyền địa phương và trải qua nhiều lần hòa giải không thành, vụ việc được khởi kiện ra TAND TP Bảo Lộc. Thụ lý vụ việc, ngày 12/9/2013, phiên tòa tranh chấp dân sự sơ thẩm của TAND TP Bảo Lộc được tổ chức và Hội đồng xét xử đã đưa ra phán quyết như đã nói ở trên.
Điều đáng nói xung quanh phán quyết của phiên tòa dân sự sơ thẩm ngày 12/9/2013 của TAND TP Bảo Lộc là ở chỗ: Tại phiên tòa, cả nguyên đơn lẫn bị đơn không đưa ra được chứng cứ để khẳng định việc cho mượn, hay cho đất làm nhà. Tuy nhiên, nhiều nhân chứng kể cả tại TP Hồ Chí Minh, lẫn cả ở xóm 6, thôn 10, xã ĐạmB’ri, hoặc cả chủ thầu, công nhân xây dựng đều khẳng định vợ chồng ông Trần Minh Sơn cho bà Nguyễn Thị Huệ đất để làm nhà, nhưng lại không được chủ tọa phiên tòa chất vấn làm căn cứ để tuyên án. Mặt khác, chủ tọa phiên tòa khẳng định rằng: Bà Nguyễn Thị Huệ xây dựng nhà trên đất nông nghiệp là trái phép, cần phải giải tỏa. Điều này không đúng, vì rằng toàn bộ thủ tục xây dựng, khởi công, xây dựng ban đầu đều do vợ chồng ông Trần Minh Sơn đảm nhiệm, bà Huệ chỉ trực tiếp trông coi việc xây dựng ở giai đoạn cuối. Mặt khác, khi tòa án định giá tài sản, toàn bộ lô đất chỉ có giá trị gần 25 triệu đồng, trong lúc giá trị ngôi nhà 230 triệu đồng (thực tế đầu tư hết 350 triệu đồng), vợ chồng ông Trần Minh Sơn chỉ đồng ý mua lại ngôi nhà của bà Huệ chỉ với giá 100 triệu đồng, nhưng lại đòi bà Huệ phải trả giá lô đất lên đến 400 triệu đồng, nếu bà Huệ muốn tiếp tục tá túc tại chỗ ở cũ. Điều này đã thể hiện việc nguyên đơn lợi dụng lòng từ bi hỷ xả đối với đàn chó, mèo để bắt chẹt bà Huệ là quá đáng.
Cùng với thái độ này của nguyên đơn, phán quyết của tòa án bắt bị đơn đập dỡ một ngôi nhà trị giá 230 triệu đồng, để trả đất lại cho nguyên đơn chỉ có giá trị gần 25 triệu đồng cũng cần phải xem xét lại giữa thiệt hại và lợi ích của người dân.
Hoàng Kiến Giang