Ngày 13 tháng 11 năm 2013 Chính phủ ban hành Nghị định số 171/2013/NĐ - CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Ngày 13 tháng 11 năm 2013 Chính phủ ban hành Nghị định số 171/2013/NĐ - CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2014, thay thế Nghị định số 34/2010/NĐ-CP, ngày 2/4/2010 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Theo đó, trong lĩnh vực giao thông đường bộ, xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, mức phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi không chấp hành hiệu lệnh, biển báo, chuyển hướng không nhường đường cho xe đi ngược chiều,... Mức phạt cao nhất của hành vi này là từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng, đối với người điều khiển xe lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ đuổi nhau nhau trên đường bộ mà gây tai nạn giao thông hoặc không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người đang thi hành công vụ. Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng với hành vi không chấp hành hiệu lệnh, biển báo,..., phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với người buông cả hai tay khi điều khiển xe, dùng chân điều khiển xe... và cao nhất từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng nếu hành vi này gây tai nạn giao thông ,hoặc không chấp hành hiệu lệnh của người đang thi hành công vụ. Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy phạt cảnh cáo hoặc tiền từ 50.000 đồng đối với hành vi không đi bên phải chiều của mình, đi không đúng phần đường quy định đến mức phạt cao nhất là 200.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường, đi vào đường cấm..., đối với người đi bộ khi tham gia giao thông, không đi đúng phần đường quy định, không chấp hành hiệu lệnh, hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng, cao nhất là mức phạt lên đến 120.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định thời điểm xử phạt các hành vi của tổ chức, cá nhân vi phạm quy định trong một số trường hợp cụ thể: Đối với hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô sẽ bị xử phạt kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2017; phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô, từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với các tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dụng, các loại xe tương tự xe ô tô sẽ bị xử phạt kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2015; phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi xếp hàng hóa lên xe ô tô vượt quá trọng tải thiết kế được ghi trong Giấy đăng ký xe hoặc Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe; xếp hàng hóa lên xe ô tô mà không ký xác nhận việc xếp hàng hóa vào Giấy vận tải theo quy định sẽ bị xử phạt kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2014.
Trong lĩnh vực giao thông đường sắt, Nghị định quy định xử phạt các hành vi vi phạm quy định về tín hiệu, quy tắc giao thông đường sắt từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với nhân viên khám xe không thực hiện khám chữa đoàn tàu đi, đến theo quy định, cao nhất là từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức không phòng, chống và khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, tai nạn giao thông đường sắt... Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định mức xử phạt cho các hành vi vi phạm quy định về kết cấu hạ tầng về đường sắt, về phương tiện tham gia giao thông đường sắt...
Về thẩm quyền xử phạt, Nghị định đã quy định cụ thể thẩm quyền của các chức danh: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, cảnh sát giao thông đường bộ, thanh tra giao thông vận tải, cảnh sát cơ động... Ngoài việc bị phạt tiền, hành vi vi phạm còn phải chịu các hình phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả nếu có.
PHÒNG PBGDPL - SỞ TƯ PHÁP