Cảnh giác với chiêu lừa "làm bằng giả"

03:05, 20/05/2014

(LĐ online) - Thời gian gần đây, trên mạng internet, các trang mạng xã hội xuất hiện những bài viết, quảng cáo về việc nhận làm bằng, chứng chỉ giả một cách công khai. Đã có người dân trong tỉnh nhẹ dạ, trở thành nạn nhân của việc lừa đảo này...
 

(LĐ online) - Thời gian gần đây, trên mạng internet, các trang mạng xã hội xuất hiện những bài viết, quảng cáo về việc nhận làm bằng, chứng chỉ giả một cách công khai. Đã có người dân trong tỉnh nhẹ dạ, trở thành nạn nhân của việc lừa đảo này, sau khi gửi thông tin cá nhân và tiền chuyển đi bị mất, nhiều người cũng đành im lặng vì sợ mọi người biết mình mua bằng giả. 
 
Các quảng cáo làm bằng giả được đăng công khai trên các trang mạng xã hội
Các quảng cáo làm bằng giả được đăng
công khai trên các trang mạng xã hội
Lần theo bài đăng trên trang Facebook Mua bán đồ cũ (Đà Lạt) với nội dung nhận làm giả các loại bằng đại học, cao đẳng và các chứng chỉ như bằng lái xe, tin học… chúng tôi gọi điện đến số điện thoại 0909xxx452 được đăng công khai để những ai có “nhu cầu” liên hệ. Nghe máy là giọng một người đàn ông, tự nhận mình tên Tuấn, là người Sài Gòn (Tp. Hồ Chí Minh), sau khi nghe chúng tôi trình bày nguyện vọng muốn làm một bằng đại học ở Đà Lạt, Tuấn tỏ ra rất chuyên nghiệp “Tôi làm nhiều bằng cho người ở Đà Lạt lắm, yên tâm, có cả bảng điểm gốc, mã số test trên website của trường, công chứng mọi nơi vô tư” rồi sau đó ra giá “Bảy triệu đồng cho bằng đại học, cao đẳng thì sáu triệu đồng, giao bằng mới nhận tiền, không nhận tiền cọc trước”.
 
Sau khi thuyết phục “khách hàng” tin tưởng khả năng của mình, Tuấn cung cấp một địa chỉ mail có tên Leanhtuan010182@gmail.com để khách hàng gửi thông tin cá nhân như làm bằng gì, trường nào, họ tên, ngày tháng năm sinh… và không quên dặn lại “Gửi xong hết thì gọi lại cho tôi, sẽ nói cụ thể hơn”. Một ngày sau khi chúng tôi liên lạc, Tuấn tiếp tục “dẫn dắt”: “Giá đăng lên là thế nhưng nếu muốn bằng khá giỏi thì giá cao hơn, muốn có hồ sơ gốc cũng được nhưng giá khoảng 20 triệu đồng, nhưng trước mắt phải chuyển cho tôi trước 2 triệu đồng để lo lót”. 
 
Tới đây thì phần nào chiêu trò lừa đảo của người này đã hiện rõ, nếu nạn nhân tin lời hứa suông “hai ngày có bằng” và chuyển tiền thì tiền mất và thông tin cá nhân cũng lọt vào tay những đối tượng lừa đảo này. Chị N.T.T (46 tuổi, ở Mê Linh, Đà Lạt) cho biết “Vô tình đọc được nội dung trên nên một người cháu của tôi đã suýt bị lừa vì muốn mua bằng lái xe E1 giả, người tên Tuấn cũng hướng dẫn cháu tôi làm những bước như vậy và đề nghị gửi trước một khoản tiền, cũng may mà bạn bè và gia đình phân tích nên mới nhìn ra thủ đoạn lừa đảo này". 
 
Anh Thành Công (Quản lý trang mạng Mua bán đồ cũ Đà Lạt) cũng cho biết: Có rất nhiều thành viên của nhóm xin giấu tên, gửi thông tin về việc mình bị lừa từ các bài quảng cáo làm bằng giả trên trang này, muốn cảnh báo để những người khác không bị lừa theo. Theo tố cáo của các nạn nhân thì các trường hợp ấy đều lấy tiền khi đã giữ hồ sơ của nạn nhân, nguy hiểm hơn có một số thành viên còn bị tống tiền vì đã bị chúng biết thông tin cá nhân”.
 
Cũng theo quan sát của phóng viên, không chỉ có một mà có rất nhiều người đăng quảng cáo làm bằng giả trên các nhóm Facebook có đông thành viên tham gia. Tuy hình thức quảng cáo khác nhau nhưng thủ đoạn của các đối tượng này tương đối giống nhau đó là trao đổi, nhận thông tin, yêu cầu chuyển khoản rồi… lặn mất tăm.
 
Trước khi bàn đến việc quản lý của các cơ quan chức năng thì vấn đề cần lên án ở đây chính là sự nhẹ dạ của các nạn nhân, đáng trách hơn là tâm lý chạy theo bằng cấp mà vi phạm pháp luật, “tiền mất tật mang” là hậu quả của những nạn nhân bị lừa đảo này. 
 
Trước các chiêu trò lừa đảo tinh vi, công khai đang phổ biến rất nhiều trên các trang rao vặt, mạng xã hội, bạn đọc cần sáng suốt để mình và người thân không rơi vào bẫy của những trò lừa đảo này.
 
Bà Bùi Thị Mai Liên - Phó Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp Lâm Đồng cho biết: Người mua hay người bán bằng, chứng chỉ giả đều vi phạm pháp luật. Theo đó, Điều 267, Bộ luật Hình sự quy định như sau: 1) Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. 2) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội nhiều lần; c) Gây hậu quả nghiêm trọng; d) Tái phạm nguy hiểm. 3) Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 4 năm đến 7 năm. 4) Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
 
D.Thương