Để bạn đọc hiểu hơn về Luật Đất đai 2013, việc triển khai thi hành bộ luật này tại địa phương, phóng viên Báo Lâm Đồng đã phỏng vấn Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TNMT) tỉnh Lâm Đồng - Nguyễn Ngọc Phúc về vấn đề này.
Luật Đất đai năm 2013 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2014, có ảnh hưởng lớn đến các tầng lớp dân cư, tổ chức và doanh nghiệp; liên quan đến công tác quy hoạch - kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, tái định cư, đăng ký quyền sử dụng đất và sở hữu tài sản gắn liền với đất… Để bạn đọc hiểu hơn về Luật Đất đai (LĐĐ) 2013, việc triển khai thi hành bộ luật này tại địa phương, phóng viên Báo Lâm Đồng đã phỏng vấn Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TNMT) tỉnh Lâm Đồng - Nguyễn Ngọc Phúc về vấn đề này.
|
Luật Đất đai 2013 sẽ ảnh hưởng đến các tầng lớp dân cư và các tổ chức, doanh nghiệp |
PV: Xin ông có thể cho biết, LĐĐ 2013 có hiệu lực từ ngày 1/7/2014, vậy có những loại văn bản pháp luật nào liên quan đến việc triển khai thi hành?
Ông Nguyễn Ngọc Phúc: UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành KH1405/KH-UBND ngày 27/3/2014 về Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai (LĐĐ) năm 2013, có hiệu lực từ 1/7/2014. Ban hành đồng thời cùng với LĐĐ thì Bộ TNMT cũng tham mưu để Chính phủ ban hành những Nghị định (NĐ) liên quan, như NĐ43 Quy định chi tiết về thi hành một số điều của LĐĐ; NĐ47 quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng (GPMB) khi Nhà nước thu hồi đất; NĐ44 về phương pháp xác định giá đất… Nhưng vẫn còn một số NĐ liên quan chưa ban hành, chẳng hạn như NĐ về xử lý vi phạm LĐĐ… Đa số các văn bản về hướng dẫn thi hành Luật, Bộ TNMT đã ban hành rồi, trong đó có rất nhiều thông tư hướng dẫn có hiệu lực ngay từ ngày 1/7/2014. Tuy nhiên, do Chính phủ mới ban hành trong tháng 6 (từ 15-30 vừa rồi), nên việc triển khai của các địa phương cần có thời gian.
PV: Tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành triển khai thi hành LĐĐ 2013 như thế nào?
Ông Nguyễn Ngọc Phúc: Về phía địa phương đã chuẩn bị công tác này. Sở TNMT đã tham mưu UBND tỉnh và UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 1405 phê duyệt triển khai LĐĐ, trong kế hoạch 1405 đã giao nhiệm vụ cho rất nhiều sở, ngành, trong đó, Sở TNMT là chủ lực, với 3 nội dung chính: Thứ nhất, về công tác tuyên tuyền, Sở TNMT cùng với Sở Tư pháp chịu trách nhiệm về nội dung, Báo Lâm Đồng và Đài PTTH Lâm Đồng thực hiện việc tuyên truyền. Nội dung tuyên truyền đã được Sở giao cho các phòng chuyên môn làm thành từng chuyên đề, như: chuyên đề về giá thuê đất, chuyên đề về quy hoạch, chuyên đề tổ chức… Các chuyên đề này đã được làm các theo hình thức để báo, đài đăng được nhiều kỳ trên báo giấy, Internet, sóng phát thanh truyền hình theo dạng văn bản hoặc dạng trả lời câu hỏi...
Thứ hai, về tổ chức bộ máy, LĐĐ mới quy định Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (VPĐKQSDĐ) sẽ chuyển thành văn phòng quản lý 1 cấp, tức là trước đây VPĐKQSDĐ cấp huyện là đơn vị chuyên tham mưu việc cấp sổ đỏ cho dân trực thuộc UBND huyện, trực thuộc Phòng TNMT cấp huyện (Sở quản lý về chuyên môn, nhưng lại trực thuộc UBND huyện). Theo LĐĐ mới, để thống nhất trong việc chỉ đạo, điều hành, VPĐKQSDĐ này sẽ trở thành Văn phòng 1 cấp trực thuộc Sở TNMT, ở cấp huyện là chi nhánh, nên việc chỉ đạo điều hành sẽ khác trước. Văn phòng này được yêu cầu hình thành trước ngày 31/12/2015 và Bộ sẽ có Thông tư quy định chức năng của bộ máy và chúng tôi đang chờ Thông tư này để tiến hành thành lập Văn phòng. Một tổ chức nữa sẽ được thành lập khác so với luật cũ là Trung tâm Phát triển quỹ đất cũng sẽ được tổ chức như mô hình Văn phòng 1 cấp từ cấp tỉnh xuống huyện, nhưng chưa có văn bản quy định Trung tâm này thuộc Sở TNMT hay trực thuộc tỉnh.
Thứ ba, vấn đề triển khai các quy định của LĐĐ: Đây là vấn đề lớn nhất. Khi LĐĐ được thực hiện sẽ liên quan đến rất nhiều vấn đề địa phương phải tiếp tục triển khai, như các văn bản quy phạm pháp luật mà các NĐ giao cho UBND cấp tỉnh phải quy định cụ thể. Tất cả các quy định của tỉnh theo Luật Đất đai 2003 trước đây phải đổi theo quy định của LĐĐ mới. Ví dụ, phải ban hành Quyết định mới thay thế Quyết định 36 của UBND tỉnh về BTGPMB, Quy định 08 về thửa đất, Quy định về hạn mức đất ở… Hoặc trong LĐĐ mới có những điều quy định mới hơn so với luật cũ: như xây dựng bảng giá đất của năm 2015, trước đây, hằng năm tỉnh ban hành bảng giá đất cho từng năm thôi, nhưng từ nay, bảng giá đất sẽ ổn định trong vòng 5 năm. Hiện nay, chúng tôi đã trình phương pháp thực hiện dự án bảng giá đất này lên UBND tỉnh trình HĐND vào kỳ họp cuối năm để UBND tỉnh ban hành Bảng giá đất 2015. Bảng giá đất 2015 kéo dài tới 5 năm đòi hỏi tính chính xác một cách đồng bộ hơn trước, do đó, Bảng giá đất 2015 sẽ sử dụng công nghệ bản đồ số, và hằng năm sẽ cập nhật thêm số liệu về thửa đất, giá đất… để tiến tới một bước nữa là xây dựng giá đất cho từng lô đất, thửa đất…
Một vấn đề nữa theo LĐĐ sẽ phải làm trong năm nay là kế hoạch sử dụng đất (KHSDĐ), đối với cấp huyện sẽ phải hoàn thành trước tháng 9 hằng năm, đối với cấp tỉnh phải hoàn thành trước tháng 12. Khác với các năm trước, KHSDĐ từ nay sẽ phải có thêm danh mục các dự án đầu tư cụ thể về tên dự án, diện tích đất… Nếu dự án có trong danh mục thì việc giao đất, thu hồi và định giá đất sẽ được thực hiện trên danh mục đó…
PV: Như vậy, để thực thi LĐĐ 2013 còn rất nhiều việc phải làm?
Ông Nguyễn Ngọc Phúc: Về tiến độ triển khai, chúng tôi đang lấy ý kiến của các sở ngành về thủ tục pháp lý, về dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay, trong đó có quản lý đất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cuối tháng 6 vừa rồi, Bộ TNMT có tổ chức tập huấn triển khai, chúng tôi đang làm kế hoạch tập huấn cho cấp huyện và xã và sẽ tổ chức tập huấn trong tháng 7 về LĐĐ mới và các văn bản dưới Luật cho cán bộ cấp huyện (Phòng TNMT, VPĐKQSDĐ, Trung tâm Phát triển quỹ đất), và cán bộ địa chính xã. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền đến các tầng lớp dân cư để tạo ra những chuyển biến rõ rệt về quản lý và sử dụng đất và tạo được sự đồng thuận cao nhất của nhân dân, các tổ chức và doanh nghiệp trong việc thực thi Luật Đất đai năm 2013.
PV: Xin cảm ơn ông!
LÊ HOA thực hiện