Để nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, các cấp, ngành chức năng không chỉ áp dụng biện pháp xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm, mà cần phải đa dạng hóa hình thức tuyên truyền trên những địa bàn trọng tâm, trọng điểm, gắn với việc phát huy vai trò giám sát, phát hiện của nhân dân.
Kết quả điều tra xã hội học của Sở Tư pháp Lâm Đồng cho thấy: Để nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, các cấp, ngành chức năng không chỉ áp dụng biện pháp xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm, mà cần phải đa dạng hóa hình thức tuyên truyền trên những địa bàn trọng tâm, trọng điểm, gắn với việc phát huy vai trò giám sát, phát hiện của nhân dân.
|
Cần phát huy hơn nữa vai trò của người dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng |
Khi hỏi về tình hình tuân thủ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ở Lâm Đồng, số người trả lời “phương án chưa tốt” chiếm tỷ lệ đến 55,7% (165/296 phiếu); trong khi tỷ lệ thấp hơn một nửa với 27,1% (80/296 phiếu) trả lời “phương án tốt”. Theo Sở Tư pháp Lâm Đồng, “phương án chưa tốt” ở đây cho rằng, trong thời gian qua, việc phát hiện những vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng ở Lâm Đồng chưa kịp thời, thực tế đã xuất hiện nhiều trường hợp tái phạm hành vi xâm hại rừng với tính chất và mức độ khác nhau; hoặc có nhiều đối tượng không tự giác chấp hành các quyết định xử phạt của cơ quan thẩm quyền, nên buộc phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế. Đánh giá mức độ xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng, số phiếu điều tra được phản hồi với tỷ lệ 50,3% cho rằng “nghiêm minh”, 38,9% cho rằng “chưa nghiêm minh” và 10,8% còn lại chọn phương án “chưa có cơ sở đánh giá”. Mức xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, phát triển rừng theo Nghị định 157/2013 của Chính phủ, tỷ lệ số người chọn lựa giữa các ô phiếu khá chênh lệch nhau như: “phù hợp” (73,3%), “chưa phù hợp” (22,6%) và “chưa có cơ sở đánh giá” (4,1%).
Cũng cần nói thêm về hiệu quả công tác tập huấn, phổ biến pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng ở Lâm Đồng, qua điều tra xã hội học của Sở Tư pháp Lâm Đồng, hiện chỉ có 79,7% số người chọn tiêu chí “đạt được những kết quả nhất định”; còn lại 20,3% chọn tiêu chí “chưa có cơ sở đánh giá và không hiệu quả”. Trong đó, nói riêng về “kênh tuyên truyền” đến các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, kết quả với tỷ lệ số phiếu điều tra cho rằng đạt mức độ “thường xuyên”, “không thường xuyên” và “chưa thực hiện” lần lượt với những con số còn cách biệt là: 60,5%; 39,2% và 0,3%. Đáng kể hàng ngày còn có thêm “kênh tải luật” bảo vệ và phát triển rừng từ internet, đài, báo, các phương tiện thông tin truyền thông khác thâm nhập vào đời sống cán bộ, công chức, nhân dân… đạt kết quả khá cao trong số phiếu điều tra với tỷ lệ 85,5%. Ngoài ra, từ việc cung cấp các nguồn tin báo tội phạm xâm hại rừng, người dân Lâm Đồng đã thể hiện ý thức ngày càng phát huy trong việc tham gia bảo vệ và phát triển rừng theo pháp luật.
Để nâng cao hiệu quả hơn nữa công tác bảo vệ và phát triển rừng ở Lâm Đồng trong trước mắt cũng như trong lâu dài, kết quả điều tra xã hội học của Sở Tư pháp Lâm Đồng đã “thu nhận” những ý kiến đề xuất đáng quan tâm. Đó là các tỷ lệ số phiếu gần bằng nhau - từ 86,8% đến 87,8% và 89,2% cho rằng, cần ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai điều chỉnh đầy đủ và chuẩn xác các quan hệ về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Thực hiện đồng thời 2 giải pháp cấp thiết là: Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng xã hội, trong đó lưu tâm đến việc hỗ trợ pháp lý cho các đối tượng được thụ hưởng theo quy định. Thứ hai, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
Qua phân tích những kết quả điều tra xã hội học nêu trên, theo đánh giá chung của Sở Tư pháp Lâm Đồng, tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn Lâm Đồng vẫn còn tiềm ẩn những phức tạp. Đồng thời đề xuất thêm với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng và chính quyền địa phương các cấp trong tỉnh tiếp tục rà soát, kiểm tra và tự kiểm tra, xem xét tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, kịp thời tham mưu với UBND tỉnh Lâm Đồng điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới để thực thi phù hợp hơn với yêu cầu thực tế.
VĂN VIỆT