Đam Rông: Phòng, chống tội phạm mua bán người

04:09, 26/09/2014

LĐ online) - Một trong những tội phạm đặc biệt nguy hiểm hiện nay đó là mua bán người. Hậu quả của việc mua bán người đã để lại nhiều nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần cho các phụ nữ, trẻ em và gia đình. Nằm trong sự ảnh hưởng đó, tại huyện Đam Rông tình hình tội phạm mua bán người đang có diễn biến phức tạp. Trước thực trạng này, huyện Đam Rông đã và đang triển khai nhiều biện pháp phòng, chống tội phạm mua bán người. 

(LĐ online) - Một trong những tội phạm đặc biệt nguy hiểm hiện nay đó là mua bán người. Hậu quả của việc mua bán người đã để lại nhiều nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần cho các phụ nữ, trẻ em và gia đình. Nằm trong sự ảnh hưởng đó, tại huyện Đam Rông, tình hình tội phạm mua bán người đang có diễn biến phức tạp. Trước thực trạng này, huyện Đam Rông đã và đang triển khai nhiều biện pháp phòng, chống tội phạm mua bán người. 
 
Chỉ tính riêng từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn huyện Đam Rông xảy ra 3 vụ mua bán người, với 6 nạn nhân là phụ nữ và trẻ em bị bán ra nước ngoài. Ngoài ra, còn có 3 người khác chưa xác định được tình hình sinh sống hiện nay và nghi là nạn nhân của các vụ mua bán người. Đến nay, có 3 nạn nhân may mắn trốn được và đã về địa phương sinh sống. 
 
Trước thực tế trên, từ ngày 22 đến 24/9, Công an tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông tỉnh cùng với huyện Đam Rông tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật phòng, chống tội phạm mua bán người cho người dân ở thôn 5, xã Rô Men; thôn Dơng GLê, xã Phi Liêng và khu căn cứ Đạ M’Bô, xã Liêng S’rônh là những nơi có số đông đồng bào DTTS sinh sống. Trung tá Bùi Xuân Hóa - Đội trưởng Đội chuyên đề Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Trước tình hình tội phạm mua bán người diễn ra phức tạp trên địa bàn huyện Đam Rông, Thường trực Ban phòng, chống tội phạm mua bán người Công an tỉnh phối hợp với Công an huyện Đam Rông và Công an các xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến tình hình cũng như phương thức hoạt động của tội phạm mua bán người đến bà con để có sự phòng, chống không để xảy ra mua bán người trên địa bàn”.
 
Đặc biệt, Công an huyện Đam Rông đã tập trung điều tra, khám phá các vụ mua bán người xảy ra trên địa bàn. Qua đó, xác định các đối tượng tội phạm mua bán người thường dùng phương thức, thủ đoạn gặp trực tiếp hay gọi điện thoại, nhắn tin làm quen, rủ đi kiếm việc làm có thu nhập cao, rủ đi các tỉnh Lào Cai, Điện Biên để lấy chồng giàu… Sau khi đã lừa được các cô gái trẻ nhẹ dạ cả tin đi theo, bọn chúng bàn giao các cô gái cho nhóm đối tượng khác để bán sang Trung Quốc làm vợ hay lao động cưỡng bức, lạm dụng tình dục… Nếu may mắn lắm thì các nạn nhân mới có thể trốn thoát trở về địa phương. Song, hậu quả của việc mua bán người đã để lại nhiều nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần cho các phụ nữ, trẻ em và gia đình. Từ những vụ việc đáng tiếc xảy ra, nhân dân, nhất là người DTTS đã nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm mua bán người. Chị Vàng Thị Mải, ở thôn Dơng GLê, xã Phi Liêng, huyện Đam Rông nói: “Mình sợ, mình sẽ bảo bà con của quê mình không nghe người lạ. Nhất là mình chỉ bảo cho những cô gái lớn không được nghe theo người lạ và không được đi theo người lạ để chống tình trạng mua bán người”.
 
Ông Giàng Văn Sỹ - Phó Trưởng thôn Dơng GLê, xã Phi Liêng, huyện Đam Rông thì cho biết: “Sẽ tuyên truyền cho bà con hiểu biết nhiều hơn nữa, luôn luôn kiểm tra con cháu và học sinh đi học hay con em đi đâu thì mình phải tìm hiểu, phải biết người, quen người mới dám đi. Không biết, không quen thì mình cũng không cho con cháu đi”.
 
Ngoài những biện pháp trên, Công an huyện Đam Rông còn tăng cường các biện pháp kiểm tra nhân hộ khẩu, quản lý các đối tượng có tiền án, tiền sự đang sinh sống trên địa bàn; xác định những địa bàn trọng điểm mà các đối tượng phạm tội thường lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nhân dân để thực hiện hành vi lừa đảo mua bán người; thường xuyên có sự trao đổi thông tin về tình hình tội phạm mua bán người với những địa phương có liên quan; giúp đỡ các nạn nhân trong các vụ mua bán người may mắn trốn thoát được về địa phương sinh sống tái hòa nhập cộng đồng... Đồng thời, tập trung điều tra làm rõ các vụ án có liên quan đến tội phạm mua bán người tại địa phương. Thượng tá Phạm Văn Sế - Phó Trưởng Công an huyện Đam Rông cho biết thêm: “Công an huyện Đam Rông thời gian tới làm một số biện pháp tập trung điều tra làm rõ các vụ án đã xảy ra, tìm ra thủ phạm để xử lý trước pháp luật; đồng thời mở rộng vụ án. Ngoài ra, mở các đợt tấn công tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người để phục vụ công tác điều tra, khám phá cũng như phòng ngừa tội phạm mua bán người”.
 
Những vụ án mua bán người được điều tra làm rõ, các đối tượng phạm tội sẽ được xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Song, những nạn nhân của những vụ mua bán người và gia đình vẫn phải chịu nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần. Do vậy, việc phòng, chống tội phạm nói chung, trong đó có tội phạm mua bán người là của toàn xã hội. Trước tiên, mỗi người dân phải nâng cao cảnh giác, khi thấy trường hợp có dấu hiệu tội phạm mua bán người cần báo ngay cho cơ quan chức năng kịp thời xử lý. Có như vậy thì mới giúp các gia đình có cuộc sống yên bình hạnh phúc, đồng thời đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.
 
Đam Trọng