Tại kỳ họp thứ bảy, ngày 19 tháng 6 năm 2014, Quốc hội khóa XIII nước ta đã thông qua Luật Hôn nhân và Gia đình với 9 chương 133 điều và Luật này có hiệu lực từ ngày 1/1/2015...
Tại kỳ họp thứ bảy, ngày 19 tháng 6 năm 2014, Quốc hội khóa XIII nước ta đã thông qua Luật Hôn nhân và Gia đình với 9 chương 133 điều và Luật này có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. So với Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 (gọi tắt là Luật cũ) thì Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (gọi tắt là Luật mới) có những điểm mới sau đây:
Thứ nhất là Nâng độ tuổi kết hôn trong quy định về điều kiện kết hôn: Luật cũ quy định độ tuổi kết hôn đối với nữ là từ đủ 18 tuổi và nam là từ 20 tuổi, như vậy là nữ khi bước qua tuổi 18 chỉ cần 17 tuổi 1 ngày và tương tự như vậy nam khi bước qua tuổi 20 tức là 19 tuổi 1 ngày là có thể kết hôn… Điều 8 của Luật mới nâng độ tuổi kết hôn của nữ thành từ đủ 18 tuổi và nam từ đủ 20 tuổi trở lên là có tăng đôi chút so với Luật cũ cho thống nhất với quy định người thành niên là người đủ 18 tuổi của Bộ luật Dân sự và quy định đương sự là người từ đủ 18 tuổi trở lên thì mới có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự của Bộ luật Tố tụng dân sự…
Thứ hai là Không cấm kết hôn đồng giới: Luật cũ quy định cấm kết hôn đồng giới và vì cấm nên đi kèm sẽ có chế tài, xử phạt. Luật mới bỏ quy định nói trên và nói rõ: “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính” tại khoản 2 Điều 8. Như vậy những người cùng giới tính vẫn có thể kết hôn tuy nhiên sẽ không được pháp luật bảo vệ khi có tranh chấp xảy ra. Đây cũng được coi là một bước tiến nhỏ trong việc nhìn nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính của nhà nước ta trong tình hình xã hội hiện nay.
Thứ ba là Chính thức cho phép mang thai hộ: Luật mới cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được quy định từ Điều 95 đến Điều 100. Việc mang thai hộ chỉ được áp dụng khi có đầy đủ các điều kiện về cả người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ và chỉ cho phép “người thân thích cùng hàng bên vợ hoặc bên chồng mới được mang thai hộ” quy định tại điểm a khoản 3 Điều 95…
Thứ tư là Tài sản của vợ chồng: Luật cũ quy định chưa rõ ràng về chế độ sở hữu của vợ chồng, thiếu cơ chế công khai minh bạch về tài sản chung, tài sản riêng, chủ yếu chỉ đề cập đến vấn đề đất đai, còn các tài sản khác như chứng khoán, tài sản trong doanh nghiệp chưa được đề cập tới, gây khó khăn trong quá trình giải quyết tranh chấp. Luật mới quy định chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận cụ thể là việc thỏa thuận phải được lập bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực trước khi kết hôn. Thỏa thuận này vẫn có thể được thay đổi sau khi kết hôn; còn về nghĩa vụ tài sản chung, riêng của vợ chồng cũng được tách bạch, tôn trọng sự thỏa thuận giữa vợ và chồng tại Mục 3 Chương III từ Điều 28 đến Điều 50 và quy định này sẽ làm giảm thiểu sự tranh chấp tài sản sau ly hôn của các cặp vợ chồng. Việc chia tài sản chung có tính đến yếu tố lỗi của các bên như được quy định rõ trong Điều 59 tại khoản 2 là “Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng”. Như vậy, có căn cứ vào vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng mà chia tài sản ít hơn cho bên vi phạm (Ví dụ: có hành vi ngoại tình, bạo lực gia đình, xúc phạm nhân phẩm danh dự… sẽ bị chia tài sản ít hơn)…
Thứ năm là Đối tượng được yêu cầu giải quyết ly hôn: Luật mới có bổ sung thêm, theo đó, thay vì chỉ vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng mới có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn như trước đây thì từ ngày 1/1/2015 “Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ” tại khoản 2 Điều 51...
Thứ sáu là Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn: vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con đã đến tuổi quy định thì phải xem xét nguyện vọng của con và Luật cũ quy định là từ đủ 9 tuổi trở lên còn Luật mới quy định là từ đủ 7 tuổi trở lên theo khoản 2 Điều 81. Ngoài ra, Luật cũ quy định “Con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thỏa thuận khác” thì Luật mới sửa thành “Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con” tại khoản 3 Điều 81.
Thứ bảy là bổ sung Quyền, nghĩa vụ của cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột: theo quy định tại Điều 106 “Cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột có quyền, nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau; có quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau trong trường hợp người cần được nuôi dưỡng không còn cha, mẹ, con…”.
Và thứ tám là Áp dụng tập quán trong hôn nhân và gia đình: Luật mới quy định cụ thể việc áp dụng tập quán trong hôn nhân gia đình tại Điều 7 là “Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc, không trái với nguyên tắc quy định tại Điều 2 và không vi phạm điều cấm của Luật này được áp dụng” chứ không chung chung tạo nhiều kẽ hở, bất cập, gây khó khăn như quy dịnh của Luật cũ “Vận động nhân dân xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình, phát huy truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc; xây dựng quan hệ hôn nhân và gia đình tiến bộ”.
BÙI THANH LONG - Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh