Rất nhiều hàng lậu, hàng giả đã được phát hiện trên địa bàn Lâm Đồng trong thời gian gần đây.
Rất nhiều hàng lậu, hàng giả đã được phát hiện trên địa bàn Lâm Đồng trong thời gian gần đây.
Từ hàng tiêu dùng, thực phẩm giả
Tháng 1/2014, khi ngành chức năng tỉnh đến “thăm” một cửa hàng tại Thái Phiên, Phường 12, Đà Lạt do bà Nguyễn Thị Thúy Huyền làm chủ đã phát hiện gần 340kg mứt các loại chẳng có lấy tờ hóa đơn chứng từ nào chứng minh nguồn gốc. Kiểm tra kỹ ở đây có khoảng 200kg mứt vẫn còn chứa trong bao bì của Trung Quốc, tất cả được vận chuyển về để chờ đội lốt “Đặc sản Đà Lạt” đánh lừa người tiêu dùng. Cũng tại Đà Lạt, Đội Quản lý thị trường số 1 đến kiểm tra cơ sở kinh doanh của bà Trần Thị Lan tại số 27 Vạn Thành, Phường 5, đã phát hiện và tịch thu nơi đây 144kg bột ngọt giả.
Tại thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng, Đội Quản lý thị trường số 2 trong tháng 12/2014 khi kiểm tra đại lý gạo Thuận Thuần, số 58 Trần Hưng Đạo đã phát hiện chủ nhân Mã Thị Thuận “treo đầu dê bán thịt chó”, dùng bao bì giả nhãn hiệu để phù phép biến gạo thường thành gạo “đặc sản”. Tại đây, ngành chức năng đã phạt và tịch thu 6.140 bao bì in giả nhãn hiệu chờ được sử dụng.
Tại Đà Lạt và Bảo Lộc, Quản lý thị trường trong năm 2014 đã phát hiện nhiều vụ kinh doanh gas giả, tịch thu trên 100 bình gas giả các nhãn hiệu. Tại Bảo Lộc, ngành chức năng cũng phát hiện và tịch thu gần 70kg bột ngọt giả.
|
Một vụ bắt giữ hàng giả, hàng nhập lậu tại Đà Lạt. |
Gần đây nhất, ngày 20/1/2015, ngành chức năng tỉnh đã bắt quả tang ông Nguyễn Văn Toàn, ngụ tại nhà số 12 Hà Huy Tập, Phường 3, Đà Lạt đang vận chuyển một lô hàng đặc sản không rõ nguồn gốc đem bỏ mối tại chợ Đà Lạt. Kiểm tra tại số nhà trên, đã phát hiện 382kg mứt các loại, chủ nhân là bà Đào Bảo Ngọc Thúy, 41 tuổi, đăng ký kinh doanh buôn bán hàng đặc sản Đà Lạt. Các loại mứt này bao gồm táo sấy, mận sấy, hồng dẻo, Kiwi, ô liu, đào sữa..., tất cả đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Nhưng thật ra cũng chẳng khó lắm để biết chúng sản xuất ở đâu, vì hầu hết số mứt này được đựng trong các bao bì có nhãn mác ghi bằng chữ Trung Quốc. Nếu không bị phát hiện, số mứt này tất nhiên sẽ được thay áo phù phép mới để biến thành “Đặc sản Đà Lạt”, điềm nhiên bán cho người dùng trong dịp tết này.
Theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, do Lâm Đồng không có đường biên giới nên địa phương không phải là xuất phát điểm của buôn lậu, sản xuất hàng giả. Tuy nhiên, buôn lậu, làm hàng giả vẫn xuất hiện trên địa bàn và lâu nay ngành chức năng chỉ mới phát hiện được các vụ có quy mô nhỏ lẻ. Chỉ tính trong năm 2014 trên địa bàn tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường Lâm Đồng đã phát hiện và xử lý 11 vụ kinh doanh hàng nhập lậu, tịch thu nhiều hàng hóa, chủ yếu là điện thoại, đồ gia dụng, đồ điện tử…; cùng xử lý 10 vụ kinh doanh hàng giả, chủ yếu là thực phẩm như bột ngọt, hạt nêm giả; quần áo giả các nhãn hiệu nổi tiếng.
Đến phân bón giả
Trong năm 2014, khi Đội Quản lý thị trường số 3 kiểm tra xe tải mang biển số 60C-13671 đang vận chuyển 20 tấn phân bón, lấy mẫu để phân tích đã phát hiện toàn bộ phân bón trên với nhãn hiệu Kẽm Sunfat, Magiê Sunfat của Cty TNHH Tân Ngọc Phát, địa chỉ số C130, Khu phố 5, Huỳnh Văn Nghị, Phường Bửu Long, Biên Hòa là hàng giả. Toàn bộ số phân bón này đang chở lên Lâm Đồng để tiêu thụ.
Tại Bảo Lâm, khi Đội Quản lý thị trường số 3 đến “thăm” cửa hàng phân bón Hùng Mạnh, khu II, thị trấn Lộc Thắng, đã phát hiện ở đây có kinh doanh phân bón giả. Tổng cộng ngành chức năng đã tịch thu nơi đây 950kg phân lân giả. Tại Đạ Tẻh, trong tháng 6/2014, khi ngành chức năng đến lấy mẫu tại Cửa hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật Quốc Hưng do Cty Cổ phần Vật tư tổng hợp Hóa Sinh - Củ Chi, TP HCM sản xuất đã phát hiện phân bón giả nơi đây. Tiếp tục phúc kiểm lần 2 theo yêu cầu của đơn vị sản xuất, ngành chức năng đã kết luận rất rõ đây là phân bón giả và đã chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra hình sự, Tổng Cục Công nghiệp Bộ Quốc phòng xử lý. Tại Đà Lạt, khi kiểm tra các cửa hàng kinh doanh phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật, ngành chức năng cũng đã phát hiện một số cửa hàng đang bán phân bón khoáng chất sunfat đồng của Cty TNHH Phát Thiên Phú 7 là hàng giả, đã xử phạt, tịch thu gần 500 gói phân loại 1kg/gói loại này.
Là một tỉnh nông nghiệp với diện tích lớn về cây trồng công nghiệp, rau quả nên theo ông Kiều Xuân Việt, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Lâm Đồng, ngành chức năng đặc biệt quan tâm đến thị trường phân bón, vật tư nông nghiệp. Trong tháng 5/2014, khi đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh lấy 20 mẫu kiểm tra, đã phát hiện 5 mẫu là phân bón kém chất lượng. Nhiều đợt kiểm tra khác của tỉnh trong năm cũng đã phát hiện không ít các trường hợp phân bón không đạt chất lượng. Chi cục Quản lý thị trường Lâm Đồng cho biết, tỷ lệ mẫu phân bón vi phạm chất lượng chiếm khá lớn trong số mẫu mang đi kiểm định, đến hơn 50% số mẫu khi kiểm định lần đầu.
Những khó khăn
Vẫn còn những khó khăn nhất định trong cuộc chiến chống buôn lậu, chống hàng giả, gian lận thương mại tại Lâm Đồng. Theo Chi cục Quản lý thị trường Lâm Đồng, các cuộc kiểm tra, xử lý hàng giả cần được sự hỗ trợ từ phía doanh nghiệp, hiệp hội, vì trong giám định, lực lượng chức năng cần sự phối hợp của doanh nghiệp, hiệp hội cung cấp thông tin để xử lý hàng giả. Chi phí giám định cao, thời gian giám định kéo dài nên cũng ảnh hưởng đến hiệu quả công tác xử lý.
Cùng đó, Quản lý thị trường hiện vẫn còn thiếu các phương tiện kỹ thuật, thiết bị chuyên dụng để kiểm tra theo tiêu chuẩn hàng hóa đã công bố. Việc tiêu hủy hàng giả, kém chất lượng còn nhiều khó khăn, đặc biệt là với hóa chất bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại, động thực vật và sản phẩm có nguồn gốc động thực vật dạng tươi sống, chứa nguy cơ cao về dịch bệnh; khó khăn trong khâu lưu giữ, bảo quản.
Viết Trọng