Ai tiếp tay cho ông Phạm Phú Điền làm hồ sơ hưởng chế độ chất độc da cam không đúng quy định

07:05, 06/05/2015

Trong tháng 1 và giữa tháng 2/2015, Báo Lâm Đồng đã có một số tin bài điều tra về hành vi của ông Nguyễn Viết Chuẩn (1953) ở Tổ dân phố 13, phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc lừa 258 nạn nhân trên địa bàn Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh, Đạ Huoai làm hồ sơ giả chế độ chất độc da cam để thu lợi bất chính khoảng 450 triệu đồng. 

Trong tháng 1 và giữa tháng 2/2015, Báo Lâm Đồng đã có một số tin bài điều tra về hành vi của ông Nguyễn Viết Chuẩn (1953) ở Tổ dân phố 13, phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc lừa 258 nạn nhân trên địa bàn Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh, Đạ Huoai làm hồ sơ giả chế độ chất độc da cam để thu lợi bất chính khoảng 450 triệu đồng. Sau đó, Nguyễn Viết Chuẩn đã bị Cảnh sát điều tra trật tự xã hội, Công an TP Bảo Lộc khởi tố, bắt tạm giam để tiếp tục điều tra hành vi lừa đảo. Ngoài Nguyễn Viết Chuẩn, các tin bài điều tra của Báo Lâm Đồng cũng đã đề cập đến hành vi đặt vấn đề chung chi để làm hồ sơ hưởng chế độ chất độc da cam (trong đó đã nhận chung chi của nhiều trường hợp và khi báo phát hành đã mang tiền trả lại) của ông Phạm Phú Điền - nguyên cán bộ Lao động thương binh xã hội của phường Lộc Tiến, TP Bảo Lộc. Tiếp tục điều tra, phóng viên Báo Lâm Đồng thu thập được nhiều chứng cứ chứng minh ông Phạm Phú Điền “làm được tất với điều kiện phải có tiền”. Vậy, ai là người tiếp tay cho ông Phạm Phú Điền làm chế độ chất độc da cam không đúng quy định của Nhà nước?
 
Ông Nguyễn Văn Rao - Tổ trưởng Tổ dân phố 2B, phường Lộc Tiến kể: Trước đây, khi làm Khu phố trưởng, vào dịp lễ, tết, ông thường dẫn ông Phạm Phú Điền đi hỗ trợ tiền tết cho các hộ nghèo trên địa bàn khu phố, mỗi hộ được hỗ trợ 120.000 đồng, ông Điền đều “ngắt” lại 3.000 đồng, gọi là tiền xăng xe. Cũng như vậy, người cao tuổi và người bị tàn tật được nhà nước hỗ trợ 360.000 đồng/người/tháng, khi đi phát tiền, ông Điền cũng “ngắt” lại 10.000 đồng/người. Không phải chỉ ở khu phố của ông Rao, các hộ nghèo, người cao tuổi, người tàn tật ở các khu phố khác trong phường cũng đều bị ông Điền “ngắt” tiền xăng xe như vậy. Cô Nguyễn Thị Thanh Hương, là sinh viên nghèo, mồ côi cả cha lẫn mẹ ở Tổ dân phố 1, phường Lộc Tiến kể: Theo quy định của Nhà nước, những sinh viên nghèo, mồ côi như cô đều được nhà nước hỗ trợ 100% tiền học phí. Theo đó, năm 2011, 2012, cô phải vay mượn tiền để nộp “ứng trước” học phí cho Trường Đại học Khoa học tự nhiên, TP HCM. Sau đó, nhà trường xuất hóa đơn để về địa phương thanh toán lại, cô Hương nộp hóa đơn cho ông Điền, ông Điền làm mất, bảo xuống trường xin lại hóa đơn, cô Hương quay về nhà trường xin lại hóa đơn, nộp lại cho ông Điền, nhưng ông Điền “im lặng” không phản hồi gì. Năm 2013, cô Hương tiếp tục nộp hóa đơn cho ông Điền, thì lại được thanh toán hơn 10 triệu đồng, nhưng khi lên Phòng Lao động thương binh xã hội TP Bảo Lộc nhận tiền, thì chỉ nhận được 7 triệu đồng, số tiền còn lại bị “ngắt’ chẳng hiểu vì lý do gì?... Từ những việc làm “khuất tất” nói trên, ông Phạm Phú Điền bị nhiều người, trong đó có ông Nguyễn Văn Rao tố giác, nên phường Lộc Tiến không cho làm cán bộ Lao động thương binh xã hội nữa, mà chuyển sang làm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam. 
 
Thế nhưng, ông vẫn tiếp tục có hành vi bớt xén tiêu chuẩn của người tàn tật. Ông Nguyễn Văn Thược, ở Tổ dân phố 2B, phường Lộc Tiến uất ức cho hay: Vợ chồng ông thuộc diện hộ nghèo, có cô con gái Nguyễn Thị Hiền, sinh năm 1979, bị di chứng của chất độc da cam Diôxin, bại não, mất trí nhớ, ngồi một chỗ. Những năm trước 2009, ông và con gái tiến hành làm thủ tục hưởng chế độ chất độc da cam, đã “ơn nghĩa” ông Phạm Phú Điền bằng nhiều “lễ vật”. Nhưng năm 2010, khi bà Uyên thay ông Điền làm cán bộ Lao động thương binh xã hội phường Lộc Tiến yêu cầu ông bổ sung giấy khai sinh của cháu Hiền, ông lên phường liên hệ làm giấy khai sinh, gặp ông Phạm Phú Điền, ông Điền nói “Để đó, tôi làm giúp cho”. Ba ngày sau ông lên phường, ông Điền đưa cho ông 4 tờ giấy khai sinh của cháu Nguyễn Thị Hiền. Ông cảm ơn, đưa cho ông Điền 50.000 đồng, gọi là “tiền trà nước”, nhưng ông Phạm Phú Điền bảo phải 400.000 đồng. Ông Thược cay đắng quay về nhà vay mượn 400.000 đồng  đưa cho ông Điền, mới được ông Điền cho nhận 4 tờ giấy khai sinh của cháu Nguyễn Thị Hiền. Cầm 4 tờ giấy khai sinh, ông Thược lại bất ngờ khi thấy nơi sinh của con gái không đúng, ông Thược hỏi ông Phạm Phú Điền, thì ông Điền giải thích phải làm như vậy mới tiếp tục được hưởng chế độ chất độc da cam. 
 
Cũng như vậy, ông Mai Xuân Hồng quê ở Hà Tĩnh, là thương binh 2/4, đã được hưởng chế độ thương binh, nhưng ông Phạm Phú Điền nhầm tưởng ông Hồng chưa được hưởng chế độ thương binh, đặt vấn đề để lo giúp chế độ. Sau một quá trình “lo” thủ tục, ông Phạm Phú Điền đưa hồ sơ cho ông Mai Xuân Hồng và thật bất ngờ, trong hồ sơ do ông Phạm Phú Điền thiết lập, nơi sinh của ông Hồng không còn ở Hà Tĩnh, mà lại ở Bình Định. Như vậy, hồ sơ sai lệch lung tung, nhưng nếu có tiền, qua tay “phù phép” của ông Phạm Phú Điền đều trở thành hợp lệ để được hưởng chế độ.
 
Thế mới có chuyện, hồ sơ của ông Phạm Phú Điền quá đơn giản, chỉ có một mảnh giấy tự khai, và một tờ xác nhận của binh đoàn 12 mờ mờ, ảo ảo, xin vào sinh hoạt CCB không được chấp nhận. Nhưng cũng chính bộ hồ sơ đó, ông Phạm Phú Điền làm được chế độ chất độc da cam loại I và cho con trai của mình, rồi từ đây, ông Phạm Phú Điền nghiễm nhiên trở thành hội viên Hội CCB của phường Lộc Tiến.
 
Ngoài việc hưởng chế độ chất độc da cam, có nhiều nghi vấn của ông Phạm Phú Điền, hồ sơ hưởng chế độ chất độc da cam loại I của ông Nguyễn Đình Thứ cũng gây nhiều nghi ngờ, bức xúc trong hội viên Hội CCB phường Lộc Tiến. Cụ thể: Khi Báo Lâm Đồng có bài điều tra phát hành ngày 28/1/2015, có đề cập đến hồ sơ của ông Nguyễn Đình Thứ sửa chữa, tẩy xóa lung tung, nhưng dưới sự “phù phép” của ông Phạm Phú Điền vẫn trở nên hợp lệ và được hưởng chế độ chất độc da cam, thì ông Thứ có đơn kiến nghị gửi Báo Lâm Đồng, kèm theo bộ hồ sơ hưởng chế độ chất độc da cam. Qua nghiên cứu hồ sơ do chính ông Thứ gửi, thêm một lần nữa khẳng định hồ sơ của ông Nguyễn Đình Thứ có “vấn đề”. Bởi lẽ, theo đơn của ông Thứ trình bày, ông tham gia quân đội từ tháng 4/1971, trong đó có thời gian hơn 5 năm (1972-1977) công tác tại chiến trường miền Nam và hơn 4 năm công tác tại Đặc khu Quảng Ninh (1977-1981), sau đó do sức khỏe yếu được phục viên. Thế nhưng, trong quyết định của Bộ Tham mưu Đặc khu Quảng Ninh (dấu và chữ ký chẳng nhìn rõ) lại ghi “Đơn vị khi “XUẤT NGŨ”: Bộ Tham mưu Đặc khu Quảng Ninh. Theo quy định của quân đội, những quân nhân có thời gian tham gia trong quân đội lên đến 9 năm 10 tháng như ông Nguyễn Đình Thứ phải là “PHỤC VIÊN”, chứ không phải “XUẤT NGŨ” như trong quyết định của Bộ Tham mưu Đặc khu Quảng Ninh nói trên. Điều trớ trêu hơn, ông Thứ được Bộ Tham mưu Đặc khu Quảng Ninh giới thiệu về địa phương sinh hoạt trước khi ông được xuất ngũ gần 1 tháng, cụ thể: Giấy giới thiệu về địa phương sinh hoạt ghi ngày 5/1/1981, nhưng quyết định XUẤT NGŨ lại ghi ngày 25/1/1981. 
 
Với những điều vô lý nói trên nhưng ông Phạm Phú Điền đã biến thành hợp lý, để ông Nguyễn Đình Thứ và con trai ông Thứ được hưởng chất độc da cam loại I. Qua đây, dư luận cho rằng, nếu không có sự tiếp tay của cán bộ làm công tác chính sách của ngành Lao động thương binh xã hội, thì ông Phạm Phú Điền dù có “ba đầu, sáu tay” cũng không thể làm chế độ chất độc da cam cho bản thân và nhiều người khác được. Điều đáng quan tâm là dù hiện nay cơ quan Cảnh sát điều tra trật tự xã hội, Công an TP Bảo Lộc đã vào cuộc, nhưng ngành LĐTBXH chưa có động thái gì. Thiết nghĩ, ngành Lao động thương binh xã hội cũng cần có trách nhiệm trong việc phối hợp với cơ quan điều tra, làm rõ những khuất tất trong việc làm chế độ chất độc da cam của ông Phạm Phú Điền, nhằm làm sáng tỏ những bức xúc của dư luận, để tạo lòng tin vào chế độ chính sách của đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đầy tính nhân văn, ưu việt của Đảng và Nhà nước ta.
 
Điều tra: HOÀNG KIẾN GIANG