Khuất tất và minh bạch

09:08, 12/08/2015

Ngày 6/7/2015. A Lô! Có phải anh Thiêm không ạ? Vâng tôi là Thiêm đây, anh là ai, có việc gì không? Tôi là Tình ở TT Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm; có người giới thiệu với tôi, anh có khả năng làm hồ sơ giả để được hưởng chế độ chất độc da cam. Tôi có nhu cầu nhờ anh giúp. 

Kỳ I: Tố cáo khuất tất và hệ lụy
 
Ngày 6/7/2015. A Lô! Có phải anh Thiêm không ạ? Vâng tôi là Thiêm đây, anh là ai, có việc gì không? Tôi là Tình ở TT Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm; có người giới thiệu với tôi, anh có khả năng làm hồ sơ giả để được hưởng chế độ chất độc da cam. Tôi có nhu cầu nhờ anh giúp. Tôi đang ở Đà Lạt lo công việc, hẹn anh ngày mai liên lạc lại. Ngày 7/7/2015. Alô! Anh Thiêm ạ, hôm qua anh hẹn, nay tôi gọi lại nhờ anh bán cho bộ hồ sơ hưởng chế độ chất độc da cam, liệu anh có làm được Huân chương kháng chiến và hồ sơ giám định sức khỏe không? Hẹn gặp anh ở quán cà phê đường Hà Giang, TP Bảo Lộc. Quán cà phê ở đâu anh? Ở bên cạnh khu vực bán cây cảnh, quán cà phê thứ hai. Anh em mình gặp nhau rồi tính chuyện.
 
Đó là một đoạn đối thoại giữa phóng viên với người đàn ông tên Thiêm, có số máy điện thoại di động: 0973102782, 01218552509 - người này được cho là đã làm hàng loạt hồ sơ giả và kết nối với cán bộ ngành LĐTBXH để được hưởng chế độ thương binh, chất độc da cam không đúng quy định của Nhà nước. Đấy là khuất tất, và có người dũng cảm đấu tranh để minh bạch chế độ mang ý nghĩa nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa cao cả của Nhà nước, nhưng lại bị trả đũa.
 
Ông Nguyễn Minh Khai đang nghiên cứu những bài điều tra về hưởng sai CĐCĐDC đăng trên Báo Lâm Đồng
Ông Nguyễn Minh Khai đang nghiên cứu những bài điều tra về hưởng sai CĐCĐDC đăng trên
Báo Lâm Đồng

“Tôi tên là Khai ở Đạ Tẻh, tôi đã đọc loạt bài của anh nói về các đối tượng hưởng chế độ chất độc da cam (CĐCĐDC) không đúng quy định nhà nước. Tôi và nhiều người ở Đạ Tẻh rất hoan nghênh những bài báo “nói thẳng, nói thật” của anh. Nhưng ở Đạ Tẻh còn nhiều trường hợp như vậy lắm. Có điều, đấu tranh để làm sáng tỏ thì lại bị trả đũa”.
 
Lần theo địa chỉ, chúng tôi gặp được ông Nguyễn Minh Khai (1952) ở Tổ dân phố (TDP) 1C, TT Đạ Tẻh. Tại đây, câu chuyện của chúng tôi xoay quanh cuộc đấu tranh để minh bạch hóa việc hưởng chế độ thương binh (CĐTB), CĐCĐDC đúng với quy định của Nhà nước, nhưng lại bị ngành LĐTBXH bao che và trả đũa. Ông Khai kể, ông nhập ngũ ngày 16/5/1971, tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam, trong đó có chiến trường khốc liệt ở Quảng Trị để bảo vệ Thành cổ. Ngày 30/4/1972, trong một trận đánh ác liệt, ông bị thương, nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu trong đội hình Đại đội 6, Tiểu đoàn 28, Trung đoàn 241, Sư đoàn 367 cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Năm 1976, ông Khai phục viên, trở về địa phương và thi đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Ra trường năm 1980, được phân công về dạy tại huyện Đạ Tẻh, đến năm 1986 nghỉ chế độ mất sức lao động. Năm 2007, ông được trưng cầu giám định y khoa tại Hội đồng Giám định y khoa tỉnh Lâm Đồng và có kết luận tỷ lệ suy giảm sức khỏe 84%, được hưởng chế độ mất sức lao động và CĐCĐDC loại I. Tưởng chừng với ông như vậy là bình yên, hạnh phúc, vì đã được Nhà nước trả công xứng đáng. Nhưng không, vì cá tính mạnh mẽ, thấy chuyện sai không thờ ơ, vô cảm, ông lên tiếng đấu tranh, nên cả ba cha con đều bị trả đũa. Đó là hậu quả của việc ông đấu tranh với một số đối tượng không đủ tiêu chuẩn, nhưng vẫn được hưởng CĐCĐDC, như trường hợp ông Hoàng Văn Hiền (con ông Hoàng Văn Đức - có đi bộ đội), không tham gia quân đội, bị phạt tù hai lần tổng cộng trên 10 năm về tội đánh người gây thương tích và buôn bán ma túy. Trường hợp ông Nông Hồng Khánh ở TDP 1C, TT Đạ Tẻh bị bỏng xăng, nhưng lại được hưởng CĐCĐDC loại 2. Trường hợp ông Nguyễn Trung Lập ở TDP 1C, TT Đạ Tẻh là CNVC mất sức lao động, không giám định y khoa, vẫn được hưởng chất độc da cam loại 2, nay hạ xuống loại 3. Theo quy định, những trường hợp mất sức lao động do bệnh binh thì không cần giám định y khoa, nhưng mất sức lao động là CNVC thì phải giám định y khoa và được hưởng theo tỷ lệ phần trăm của giám định. 
 
Đúng ra, việc tố cáo của ông Nguyễn Minh Khai cần được hoan nghênh, cổ vũ, vì đã góp phần làm minh bạch việc hưởng chính sách, chế độ của Nhà nước và lành mạnh hóa các mối quan hệ xã hội. Nhưng thật trớ trêu, không những không được ghi nhận, mà họ còn bị trả đũa. Cụ thể, năm 2008, theo đề nghị của Phòng LĐTBXH huyện Đạ Tẻh, Sở LĐTBXH quyết định hạ CĐCĐDC của ông xuống loại 2, với lý do ông đang được hưởng chế độ mất sức lao động. Không đồng ý với quyết định này, ông khiếu nại, Sở LĐTBXH lại tiếp tục quyết định hạ CĐCĐDC của ông xuống loại 3. Sau đó, con trai và con gái của ông đang được hưởng CĐCĐDC, cũng bị Sở LĐTBXH cắt trợ cấp, với lý do không có mặt tại địa phương (Đạ Tẻh). Về vấn đề này, ông Khai cho biết, vợ chồng ông có một ngôi nhà tại phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc, nên khi thấy con trai bị ảnh hưởng nặng nề chất độc da cam (rụng hết răng, còm nhom, ốm yếu) không chịu được khí hậu nóng nực ở Đạ Tẻh, ông quyết định chuyển các con lên sinh sống tại phường Lộc Sơn. Ngành LĐTBXH lấy cớ không có mặt ở địa phương để cắt chế độ của các con ông. 
 
Điều đáng nói là, với các con ông Nguyễn Minh Khai thì Sở LĐTBXH quyết định cắt CĐCĐDC vì không có mặt tại địa phương. Nhưng nhiều trường hợp khác, thì việc không có mặt tại địa phương vẫn được làm chế độ bất thường. Điển hình như trường hợp ông Phạm Vi Lượng con của ông Phạm Đức Long làm chế độ tại Đạ Tẻh, nhưng sinh sống tại xã Hòa Ninh, huyện Di Linh. Một người nhà của cán bộ Phòng LĐTBXH huyện Đạ Tẻh làm chế độ tại huyện Đạ Tẻh, nhưng hiện không biết cư ngụ ở địa phương nào… Điều đáng nói nữa là, trong nhiều trường hợp ông Nguyễn Minh Khai và các CCB khác tố cáo hưởng sai CĐCĐDC trên địa bàn Đạ Tẻh, hiện đã có 4 trường hợp bị cắt chế độ, quyết định thu hồi tiền hưởng sai trên 1 tỷ đồng nhưng chẳng biết bao giờ mới thu hồi được. Đó là các trường hợp: ông Long Văn Đeng ở xã An Nhơn (Báo Lâm Đồng đã phản ánh); ông Hoàng Văn Thuần ở TDP 5B, TT Đạ Tẻh có đi bộ đội, nhưng không vào Nam chiến đấu, bản thân và vợ, cùng 4 con được hưởng CĐCĐDC, bị cắt vào năm 2014, nay đang muốn phục hồi lại; ông Hoàng Văn Tiến (em trai ông Hoàng Văn Thuần) ở xã Hà Đông, đang hưởng chế độ bệnh binh, cho hưởng CĐCĐDC loại I cả bố, lẫn con, đến năm 2014 bị cắt CĐCĐDC; bà Nguyễn Thị Thắm TDP 4D, TT Đạ Tẻh trước là cán bộ TBXH TT Đạ Tẻh, nay cán bộ Phụ nữ thôn, được hưởng CĐCĐDC loại I, cả mẹ lẫn con, đến năm 2014 mới bị cắt. 
 
Đơn cử những trường hợp bị tố cáo hưởng sai chế độ và bị cắt CĐCĐDC, ông Nguyễn Minh Khai thở dài, ngao ngán. “Nói là tiền Nhà nước, nhưng thực chất là mồ hôi, công sức của nhân dân, bị một số cán bộ thoái hóa biến chất ngành LĐTBXH “vung vít” vô tội vạ. Họ “vung vít” có mục đích, động cơ cả đấy, Nhà nước thất thoát, nhưng cá nhân thì có lợi. Có điều, chưa thấy cán bộ ngành LĐTBXH nào bị kỷ luật, hoặc bỏ tiền túi ra đền các đối tượng hưởng sai chế độ chính sách. Trong khi những người mạnh dạn đấu tranh, tố cáo thì bị trả đũa, đáng đau thay!”.
 
Kỳ II: Minh bạch chế độ CĐDC và trong sạch bộ máy ngành LĐTBXH
 
Phóng sự điều tra: Hoàng Kiến Giang