Lại nổi cộm những vụ phá rừng nghiêm trọng

05:11, 09/11/2015

Ngày 5/11, khi tôi làm việc với Phó Chi cục Kiểm lâm Võ Danh Tuyên vừa "nằm vùng" mấy ngày đêm ở huyện Đam Rông về thì cùng lúc đó Phó Chi cục Kiểm lâm Nguyễn Bá Lương và cộng sự thuộc Đội Kiểm lâm cơ động & PCCCR số 1 đang lội rừng huyện Lạc Dương. Đây là 2 địa bàn đã "nóng bỏng" thời gian qua bởi rừng bị phá đến thảm hại. 

Ngày 5/11, khi tôi làm việc với Phó Chi cục Kiểm lâm Võ Danh Tuyên vừa “nằm vùng” mấy ngày đêm ở huyện Đam Rông về thì cùng lúc đó Phó Chi cục Kiểm lâm Nguyễn Bá Lương và cộng sự thuộc Đội Kiểm lâm cơ động & PCCCR số 1 đang lội rừng huyện Lạc Dương. Đây là 2 địa bàn đã “nóng bỏng” thời gian qua bởi rừng bị phá đến thảm hại. 
 
Bài 1: Gần 100ha đất, rừng bị xâm hại 
 
Phương tiện máy múc vi phạm còn hiện hữu bên vách đồi đang được san phẳng
Phương tiện máy múc vi phạm còn hiện hữu bên vách đồi đang được san phẳng

Ngày 20/10, tôi gọi điện cho anh Võ Danh Tuyên thì anh và các cộng sự trong ngành, liên ngành, chủ rừng và địa phương đang “ăn dầm nằm dề” tại xã Đạ Rsal, huyện Đam Rông để tích cực điều tra cho ra ngọn ngành hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Trở về, thông tin của anh Tuyên làm tôi tá hỏa vì tính chất nghiêm trọng của vụ việc. Con số chính xác thiệt hại là 91.644m 2 tại tiểu khu 172 và 187 thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Sêrêpôk quản lý; trong đó, phá rừng trái pháp luật 48.944m 2, lấn chiếm đất lâm nghiệp 42.700m 2. Cũng trên địa bàn này còn xảy ra tranh chấp phát rừng để trồng rừng lên tới 24.400m 2
 
Phá rừng trái pháp luật diễn ra tại khoảnh 3, tiểu khu 187, gồm: 8.940m 2 do ông Nguyễn Văn Hòa thuê 4 người (ông Quảng và 3 người là đồng bào dân tộc thiểu số) thực hiện hành vi phá rừng lồ ô; và 40.004m 2 do ông Trần Văn Nhị thuê người dân địa phương thực hiện hành vi phá rừng lồ ô xen cây gỗ tái sinh. Bằng các biện pháp đấu tranh kiên trì và xác minh kỹ lưỡng qua nhân chứng, hiện trường, ngày 23/10, Chi cục Kiểm lâm tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính với 2 ông Nguyễn Văn Hòa và Trần Văn Nhị về hành vi phá rừng trái pháp luật. Đối với hành vi lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép cũng xảy ra trên địa bàn xã Đạ Rsal. Đó là 10.200m 2 tại khoảnh 3, tiểu khu 187 đã được đào hố trồng cà phê năm 2015 và 32.500m 2 tại khoảnh 6, tiểu khu 172 do ông Trần Văn Nhị thuê ông Nguyễn Văn Hòa đào hố trồng cà phê. Tại hiện trường, 2 chiếc máy múc còn nằm sừng sững bên vách đồi nham nhở dựng đứng. Những cánh rừng lồ ô mới đó còn xanh mướt sau mưa vươn ngọn lên trời xanh bỗng chốc biến mất hoàn toàn, để lại trơ trọc núi đồi lỗ chỗ hàng ngàn hố đào trồng cà phê trông thật xót xa. Về tranh chấp phát rừng để trồng rừng, diện tích là 24.400m 2 tại khoảnh 7, tiểu khu 172 do ông Trần Văn Nhị thuê người phát trên diện tích của ông Dương Cảnh Khương là người đã ký hợp đồng trồng rừng trước đó. 
 
Trả lời chúng tôi nguyên nhân vi phạm pháp luật về tài nguyên rừng tại Đam Rông nêu trên, ông Võ Danh Tuyên cho biết: “Chủ rừng và Hạt Kiểm lâm đã phát hiện, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo kịp thời nhưng do tình hình diễn biến quá phức tạp nên không thể giải quyết dứt điểm được, vì vậy, Chi cục Kiểm lâm và Công an tỉnh phải vào cuộc. Hiện nay, chúng tôi đã giao cho Hạt Kiểm lâm và Ban Quản lý rừng phòng hộ Sêrêpôk kiểm tra, rà soát thu hồi và bảo vệ để trồng rừng theo kế hoạch ngay trong mùa mưa năm 2016”.
 
Rừng lồ ô xen cây gỗ tái sinh đang xanh tốt bị phá sạch để đào hố trồng cà phê
Rừng lồ ô xen cây gỗ tái sinh đang xanh tốt bị phá sạch để đào hố trồng cà phê

Qua vụ xâm hại rừng và đất lâm nghiệp với diện tích rất lớn ở 2 tiểu khu 172 và 187 địa bàn huyện Đam Rông càng cho thấy tình hình vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng vẫn diễn ra hết sức phức tạp, táo bạo, bất chấp pháp luật. Vì vậy, vai trò chủ động kiểm tra, tích cực tuần tra, phối hợp đồng bộ các cơ quan ở cơ sở càng trở nên vô cùng quan trọng. Mùa khô đang đến cùng với nhiều ngày nghỉ lễ, tết sắp tới sẽ là những thách thức lớn trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, không chỉ ở Đam Rông mà tại nhiều địa bàn khác trong tỉnh Lâm Đồng. Nhất là những vùng lâm phần có sự lơ là trong công tác quản lý của chính quyền địa phương và đặc biệt có sự tiếp tay của chính những chủ rừng. Khi tôi viết bài báo này, nhận được thông tin 4 cán bộ của một lâm trường có liên quan đến một vụ phá rừng nghiêm trọng tại một địa bàn huyện khác, nhưng do đang trong quá trình điều tra nên chưa thể thông tin cụ thể. 
 
(Còn nữa)
 
MINH ĐẠO