Chiều 24/12, tại Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng của Trung ương đã làm việc với tỉnh Lâm Đồng về việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng trên địa bàn.
Chiều 24/12, tại Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng của Trung ương đã làm việc với tỉnh Lâm Đồng về việc thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng trên địa bàn.
Tham dự buổi làm việc có đồng chí Trương Minh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Trưởng đoàn kiểm tra. Về phía đoàn Lâm Đồng có đồng chí Trần Ngọc Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng và lãnh đạo các sở, ban, ngành; lãnh đạo thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc.
Theo báo cáo của lãnh đạo Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, từ khi Luật Phòng, chống tham nhũng được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/6/2006; được sửa đổi bổ sung năm 2007 và năm 2012, hàng năm, UBND tỉnh Lâm Đồng đều ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng. Hiệu quả của việc thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng có bước chuyển biến đáng kể từ nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là vai trò lãnh đạo của thủ trưởng các cơ quan so với thời điểm tổng kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2011. Cụ thể, trong thời gian qua, Lâm Đồng đã điều tra, phát hiện, truy tố, xét xử 67 vụ; số bị can tham nhũng đã bị cơ quan chức năng khởi tố là 111 người. Kết quả phát hiện và thu hồi tài sản do tham nhũng là 28 tỷ đồng. Trong đó đã thu hồi 4,4 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 15,7%. Công tác phát hiện phòng, chống tham nhũng chủ yếu thông qua đơn, thư khiếu nại, tố cáo; trên các phương tiện thông tin đại chúng và qua công tác thanh tra.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ngành trong tỉnh đã có nhiều ý kiến kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. Cụ thể như việc kiểm soát thu nhập, thiết lập chế độ quản lý tiền tệ và thanh toán qua hệ thống ngân hàng nhằm mục đích kiểm soát và minh bạch hóa thu nhập, tài sản của cán bộ công chức, viên chức. Tổ chức tốt việc kê khai tài sản, công khai thu nhập và cần rút gọn đối tượng kê khai. Khuyến khích, phát huy mạnh mẽ vai trò của nhân dân và cơ quan báo chí trong việc giám sát nhằm phòng ngừa, phát hiện tham nhũng, đồng thời có chính sách bảo vệ an toàn cho người tố cáo. Cơ quan chống tham nhũng nên độc lập thuộc Quốc hội để không bị chi phối bởi bất cứ cơ quan nào khác. Đồng thời cũng cần có cơ quan chuyên trách, độc lập về thu hồi tài sản tham nhũng, quy định cụ thể về tịch thu tài sản mà không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp.
Kết thúc buổi làm việc, đồng chí Trương Minh Tuấn đã đánh giá cao sự nỗ lực của tỉnh Lâm Đồng trong công tác phòng, chống tham nhũng 10 năm qua. Lâm Đồng đã thực hiện, nghiêm túc, chặt chẽ công tác phòng, chống tham nhũng theo chỉ đạo của Trung ương, đảm bảo thông tin báo cáo thường xuyên về công tác này. Tỉnh đã quan tâm xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách để cụ thể hóa Luật Phòng, chống tham nhũng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, kết hợp đồng bộ giữa chỉ đạo của lãnh đạo cấp ủy và công tác triển khai của chính quyền. Đồng chí nhấn mạnh, tham nhũng ngày càng tinh vi nên cần tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, giữa cơ quan nội chính và tuyên truyền để thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng; tăng cường công tác tự kiểm tra của các đơn vị, coi đây là việc làm cần thực hiện thường xuyên; tổ chức tốt công tác kê khai, công khai tài sản; xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng; đồng thời có chính sách khen thưởng hợp lý những cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin tố giác tội phạm tham nhũng. Đồng chí cũng yêu cầu các đơn vị liên quan của tỉnh Lâm Đồng cần hoàn thiện báo cáo tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng cụ thể hơn. Đặc biệt chú trọng tới các ý kiến, kiến nghị nhằm hoàn thiện hơn nữa Luật Phòng, chống tham nhũng.
N.Ngà