Kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm về công tác thi hành án treo, cải tạo không giam giữ

08:12, 29/12/2015

Năm 2015, toàn tỉnh Lâm Đồng có 2.372 phạm nhân thi hành án hình sự, trong đó có 1.353 phạm nhân thi hành án treo, cải tạo không giam giữ (chiếm 57%) được giao cho UBND xã, phường, thị trấn giám sát, giáo dục.

Năm 2015, toàn tỉnh Lâm Đồng có 2.372 phạm nhân thi hành án hình sự, trong đó có 1.353 phạm nhân thi hành án treo, cải tạo không giam giữ (chiếm 57%) được giao cho UBND xã, phường, thị trấn giám sát, giáo dục.
 
Qua công tác kiểm sát trực tiếp việc tổ chức thi hành án treo, cải tạo không giam giữ tại 56 UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh của 12 Viện kiểm sát nhân dân huyện, thành phố nhận thấy, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được còn một số vi phạm, tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới. 
 
Từ khi Luật thi hành án hình sự có hiệu lực, được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, công tác quản lý, giáo dục người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ ở UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có những chuyển biến tích cực, nhiều bị án đã nhanh chóng hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội, không tái phạm tội, qua đó, góp phần to lớn vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
 
Đa số cán bộ cấp xã được giao làm nhiệm vụ giúp Chủ tịch UBND thực hiện nhiệm vụ giám sát, giáo dục người được hưởng án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ. Dù không phải là cán bộ chuyên trách nhưng họ đã khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao giám sát giáo dục người được hưởng án treo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ quy định tại Điều 63, 67, 68, 74, 79 và Điều 80 Luật thi hành án hình sự. Công tác này ngày càng có nhiều tiến bộ, chất lượng, hiệu quả được tăng cường nâng cao, năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể:
 
Các UBND cấp xã sau khi tiếp nhận hồ sơ thi hành án do cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện chuyển giao, đã phân công cho bộ phận chuyên môn thuộc UBND xã trực tiếp giám sát, giáo dục người được hưởng án treo, án phạt cải tạo không giam giữ; yêu cầu người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, người được hưởng án treo thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình; đề ra các biện pháp giáo dục, phòng ngừa khi người đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật; phối hợp với gia đình và cơ quan, tổ chức nơi người được hưởng án treo, chấp hành án cải tạo không giam giữ làm việc, học tập trong việc giám sát, giáo dục người đó; phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự thực hiện khấu trừ một phần thu nhập của người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ theo quyết định của Tòa án.
 
Năm 2015, VKSND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã ban hành 56 quyết định kiểm sát trực tiếp đối với các UBND cấp xã trong việc quản lý, giáo dục đối với các đối tượng được hưởng án treo, án cải tạo không giam giữ. Kết thúc đợt kiểm sát, VKSND cấp huyện đã ban hành 56 kết luận trong đó có 4 kháng nghị và 45 kiến nghị yêu cầu UBND các xã, phường khắc phục vi phạm trong công tác trên.
 
Các dạng vi phạm chủ yếu của một số UBND cấp xã còn để xảy ra như sau:
 
- Quyết định phân công người trực tiếp tiếp giám sát, giáo dục không đúng mẫu, không đúng thể thức văn bản, áp dụng văn bản đã hết hiệu lực mà không căn cứ vào Luật thi hành án hình sự;
 
- UBND cấp xã chưa làm tốt công tác tiếp nhận hồ sơ thi hành án hình sự từ cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện chuyển đến, không có sổ thụ lý theo dõi người thi hành án treo, cải tạo không giam giữ;
 
- Hồ sơ không có bản tự nhận xét theo định kỳ về việc chấp hành pháp luật của các bị án;
 
- Không thực hiện việc phân công người trực tiếp giám sát; hồ sơ không có bản nhận xét của người trực tiếp giám sát, giáo dục bị án;
 
- Hồ sơ không có bản cam kết chấp hành án của bị án;
 
- Chưa chú trọng đến việc xem xét giảm thời gian thử thách khi đã đủ điều kiện theo quy định của pháp luật cho các bị án;
 
- UBND xã còn để hồ sơ thi hành án treo bị thất lạc;
 
- UBND xã không thực hiện việc thống kê, báo cáo lên cơ quan thi hành án hình sự về kết quả thi hành án.
 
Trong công tác quản lý, giáo dục người thi hành án treo, cải tạo không giam giữ còn có một số tồn tại là:
 
- Người chấp hành án đã chấp hành xong thời gian thử thách của án treo, cải tạo không giam giữ nhưng UBND xã chậm thực hiện việc bàn giao hồ sơ cho cơ quan thi hành án cấp huyện xem xét, cấp giấy chứng nhận chấp hành xong thời gian thử thách và thời gian cải tạo không giam giữ;
 
- Trường hợp hoãn thi hành án phạt tù nhưng UBND xã chưa thực hiện định kỳ 3 tháng /1 lần thông báo việc quản lý người được hoãn chấp hành án với cơ quan thi hành án hình sự;
 
- Không theo dõi, kiểm tra, xác minh hết các trường hợp người được hưởng án treo đi khỏi địa phương, thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc nhưng không báo cáo với chính quyền địa phương.
 
Nguyên nhân của những vi phạm, tồn tại nêu trên là do: Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra, đối với đội ngũ cán bộ UBND cấp xã làm công tác thi hành án hình sự chưa được quan tâm thường xuyên, kịp thời, đúng mức nên nhiều cán bộ chưa nắm vững quy định của pháp luật; đội ngũ cán bộ làm công tác thi hành án hình sự ở cấp xã thường phải kiêm nhiệm nhiều công việc, thay đổi vị trí công tác thường xuyên, không ổn định. Một số bị án thiếu hiểu biết pháp luật hoặc không tự giác chấp hành các quy định của pháp luật, tự ý bỏ đi khỏi địa phương mà không xin phép chính quyền đã gây khó khăn cho công tác giám sát, giáo dục và lập hồ sơ thi hành án. Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn của các cơ quan liên quan đối với các UBND cấp xã và cán bộ được phân công làm công tác thi hành án hình sự còn chưa thường xuyên, sâu sát.
 
Từ những vi phạm nêu trên, căn cứ vào Điều 179 Luật thi hành án hình sự, VKSND tỉnh Lâm Đồng đã tổng hợp các dạng vi phạm phổ biến, điển hình để ban hành kiến nghị đối với Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng có biện pháp chỉ đạo UBND huyện, thành phố có biện pháp tích cực chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm khắc phục vi phạm, tồn tại trong công tác thi hành án treo và cải tạo không giam giữ tại UBND cấp xã trong thời gian vừa qua. Đồng thời, trong năm 2016, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện vi phạm để chấn chỉnh, khắc phục vi phạm, đưa công tác quản lý, giáo dục người thi hành án treo, cải tạo không giam giữ ở Lâm Đồng đi vào thực chất, hiệu quả nhằm không ngừng nâng cao chất lượng công tác thi hành án hình sự tại địa phương.    
 
TIẾN DÂN