Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật đã được tỉnh và các huyện cụ thể hóa bằng các đề án, kế hoạch phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, môi trường xã hội… như các đề án và kế hoạch dành cho đối tượng là người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số, trong nhà trường, công nhân - viên chức, thanh thiếu niên, trong doanh nghiệp…
Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật đã được tỉnh và các huyện cụ thể hóa bằng các đề án, kế hoạch phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, môi trường xã hội… như các đề án và kế hoạch dành cho đối tượng là người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số, trong nhà trường, công nhân - viên chức, thanh thiếu niên, trong doanh nghiệp… Trong năm 2015, Lâm Hà là một trong những địa phương đã triển khai thực hiện các đề án của tỉnh và kế hoạch của huyện với kết quả đạt được rất đáng khích lệ.
Ông Đinh Đức Chí - Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PHCTPBGDPL) huyện Lâm Hà - nhận xét: “Qua các đợt phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở, cán bộ và nhân dân ngày càng ý thức hơn về việc tôn trọng pháp luật, tuân thủ pháp luật và am hiểu pháp luật hơn; việc thực thi pháp luật trên địa bàn có tính khả thi cao, tình hình vi phạm pháp luật ở năm sau giảm đáng kể so với những năm trước; đồng thời, tạo môi trường pháp lý lành mạnh cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội”.
Với cộng đồng dân cư và địa bàn trọng điểm
Thực hiện đề án “Tiếp tục xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư giai đoạn 2013 - 2015”, trong năm 2015, là cơ quan chủ trì triển khai thực hiện đề án, UBMTTQVN huyện Lâm Hà đã phối hợp tổ chức được 2 hội nghị lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự và Bộ luật Hình sự; tổ chức 11 hội nghị tuyên truyền lồng ghép cho 480 lượt người tham gia. Cùng đó, trong năm 2015, mặt trận các thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện thông qua các buổi sinh hoạt đã tổ chức lồng ghép PBGDPL cho 14.824 lượt người; đồng thời, tham gia hòa giải được 342 vụ việc liên quan đến các lĩnh vực hôn nhân và gia đình, tranh chấp đất đai, quan hệ dân sự… Với địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật, Lâm Hà xác định công tác PBGDPL phải được tiến hành thường xuyên thông qua đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật giai đoạn 2013 - 2015” của tỉnh mà huyện đã cụ thể hóa bằng một kế hoạch của huyện. Trên cơ sở kế hoạch của huyện, trong năm 2015, Phòng Tư pháp, Công an huyện và các đoàn thể Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… đã phối hợp với các xã, thị trấn thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tại một số địa bàn trọng điểm về công tác PBGDPL nhằm quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội, không mắc các tệ nạn xã hội…; triển khai các mô hình tự quản như “Quản lý, giáo dục trẻ em làm trái pháp luật”, “Gia đình hạnh phúc”, “Gia đình văn hóa”… Trong năm 2015, UBND huyện cũng đã tiếp tục chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thường xuyên phối hợp với các cơ quan, ban ngành của huyện vận động các đối tượng tại các địa bàn trọng điểm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
Trong nhà trường và trong CBCNVC
Trong nhà trường, việc triển khai đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” năm 2015 ở Lâm Hà cũng đã mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ. Trên cơ sở chỉ đạo của Phòng GD - ĐT huyện Lâm Hà - thành viên của Hội đồng PHCTPBGDPL huyện, hầu hết các trường trong huyện đã cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch phù hợp với đặc điểm, tình hình của trường để thực hiện công tác PBGDPL cho học sinh và phòng chống bạo lực học đường. Trong thực tế, các tổ, đội tuyên truyền pháp luật của các trường ở Lâm Hà trong năm học đã thông qua hệ thống phát thanh vào giờ ra chơi đã phổ biến các nội dung tuyên truyền pháp luật với thời lượng 15 phút mỗi buổi học vào các ngày thứ 3 và thứ 5 hằng tuần; tuyên truyền thông qua các hoạt động ngoại khóa như hội trại, hội diễn văn nghệ…; lồng ghép vào các bài viết trên các bản tin; lập danh sách những đối tượng học sinh cá biệt; tổ chức theo dõi các đối tượng thường hay tụ tập, lôi kéo học sinh của trường gây rối và có hành vi vi phạm pháp luật, kịp thời xử lý đối tượng học sinh vi phạm… Bên cạnh đề án thuộc lĩnh vực giáo dục, đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân từ năm 2012 đến năm 2016” trên địa bàn Lâm Hà năm 2015 cũng đã được tiếp tục triển khai thực hiện và mang lại kết quả cao. Cụ thể, trong năm 2015, Phòng Tư pháp huyện đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và các xã, thị trấn trong huyện tổ chức được 16 hội nghị và hội nghị lồng ghép về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho khoảng trên 1.000 lượt người về nội dung của các văn bản luật như Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… Riêng trong tháng 6/2015, Phòng Tư pháp huyện còn phối hợp với Phòng PBGDPL của Sở Tư pháp tổ chức một hội nghị tập huấn Luật Phòng, chống tham nhũng; Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và nhiều văn bản liên quan cho khoảng 150 lượt người là thành viên ban giám sát cộng đồng và cán bộ tư pháp - hộ tịch của các xã, thị trấn.
Phó Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng PHCTPBGDPL huyện Lâm Hà - ông Đinh Đức Chí - cho biết: “Công tác PBGDPL trên địa bàn huyện Lâm Hà trong những năm qua tiếp tục được củng cố và phát triển, được triển khai bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng, góp phần tích cực trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân; ý thức chấp hành pháp luật của nhiều cán bộ, đảng viên được nâng lên; thực sự đưa pháp luật đến mọi cơ quan, đơn vị, mọi nhà, mọi người dân”; đồng thời, “Công tác PBGDPL cho cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể nhân dân ngày càng được nâng cao, góp phần hoàn thành nhiệm vụ được giao, tạo điều kiện cho mọi người được tiếp cận một cách có hệ thống, thường xuyên và nắm bắt kịp thời những văn bản pháp luật quan trọng liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân”.
Khắc Dũng