Rừng thông Lâm Hà bị triệt hạ: Nhiều cơ quan vào cuộc, rừng vẫn ngã

05:12, 15/12/2015

Ghi nhận của PV chiều ngày 10/12, số thông bị cưa hạ trên hiện vẫn còn bỏ nằm ngổn ngang tại hiện trường. Hàng chục cây thông trong số đó có vết cắt còn mới nguyên, lá vẫn xanh, thân và gốc đang tứa nhựa.

[links()] Như Báo Lâm Đồng điện tử (baolamdong.vn) đã phản ánh tình trạng rừng thông 3 lá gần 20 năm tuổi, trong đó, nhiều cây có đường kính gốc gần một người ôm tại khu vực đền Hai Bà Trưng (xã Mê Linh) bị cưa hạ trái phép bằng cưa máy trong những ngày qua. Ghi nhận của PV chiều ngày 10/12, số thông bị cưa hạ trên hiện vẫn còn bỏ nằm ngổn ngang tại hiện trường. Hàng chục cây thông trong số đó có vết cắt còn mới nguyên, lá vẫn xanh, thân và gốc đang tứa nhựa.
 
Hiện trường rừng thông bị cưa hạ trái phép
Hiện trường rừng thông bị cưa hạ trái phép
Theo một cán bộ kiểm lâm địa phương có mặt tại hiện trường, số thông bị cưa hạ trái phép này thuộc rừng trồng theo Chương trình 327, trồng năm 1997; thuộc lô B, khoảnh 2, tiểu khu 263A, lâm phần nằm trên địa bàn xã Mê Linh, do Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Ban (Ban QLRPH Nam Ban) quản lý. Số lượng thông bị cưa hạ trái phép diễn ra trong nhiều lần, được cán bộ quản lý bảo vệ rừng phát hiện, lập biên bản lần đầu vào tháng 9/2015, với số lượng 133 cây (số thông bị cưa hạ trái phép này đã được cơ quan chức năng thu gom vật chứng đưa về cất giữ tại Nhà Văn hóa xã Mê Linh - PV).
 
Cũng theo cán bộ kiểm lâm, vụ tàn phá rừng đã được báo cáo UBND huyện Lâm Hà và các cơ quan chức năng địa phương. Tuy nhiên, trong khi các cơ quan chức năng của huyện đang tiến hành điều tra, ngày 9/12, đối tượng lại tiếp tục dùng cưa máy cưa hạ hàng loạt thông tại cánh rừng trên. Và chiều ngày 10/12, khi lực lượng chức năng đang chuẩn bị đo đếm số thông vừa bị cưa hạ tại khu vực trên, bất ngờ cụ ông Nguyễn Văn Đúng (78 tuổi, ngụ thôn 3, xã Mê Linh, nhà ngay bìa rừng), xuất hiện cùng chiếc cưa máy và tự nhận mình là người cưa hạ toàn bộ số thông trên. Để chứng minh mình còn đủ sức cưa hạ số thông này, cụ Đúng nổ máy cưa hạ liên tiếp 3 cây thông trước mặt cán bộ Ban QLRPH Nam Ban và kiểm lâm địa bàn. 
 
Giải thích về hành vi cưa hạ thông, cụ Đúng thản nhiên cho biết: “Chính tay tôi cưa hạ thông, vì rừng thông 5,5ha này do tôi trồng năm 1997 theo Chương trình 327”. Cũng theo cụ Đúng, năm 1984, cụ từ Vĩnh Phúc vào Lâm Hà lập nghiệp theo chương trình kinh tế mới. Năm 1987, gia đình bỏ công khẩn hoang, khai phá quả đồi trên lấy đất sản xuất trồng ngô, khoai… Năm 1992, cụ viết đơn xin Lâm trường Nam Ban trồng bạch đàn (có xác nhận của Chủ tịch UBND xã Mê Linh lúc bấy giờ). Sau đó (năm 1997), rừng bạch đàn bị đốn trộm, bị cháy, bị người dân lấn chiếm đất chỉ còn 5,5ha, gia đình lại có đơn xin chuyển đổi sang trồng thông và đều được Lâm trường Nam Ban, UBND xã Mê Linh chấp nhận. 
 
Cụ Đúng cưa hạ thông ngay trước mặt cán bộ giữ rừng
Cụ Đúng cưa hạ thông ngay trước mặt cán bộ giữ rừng
Nhiều năm qua, cụ Đúng liên tục làm đơn xin UBND huyện Lâm Hà cấp giấy CNQSDĐ cho diện tích rừng thông này nhưng huyện từ chối. Theo Văn bản số 2236/QĐ-UBND, ngày 31/8/2012 của UBND huyện Lâm Hà, lô đất cụ Đúng trồng rừng năm 1997 là thực hiện hợp đồng khoán trồng rừng với Lâm trường Nam Ban, cụ Đúng đã nhận tiền công đầy đủ, hiện nay khu vực này vẫn quy hoạch đất lâm nghiệp và do Ban QLRPH Nam Ban quản lý (UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã cấp giấy CNQSDĐ cho Ban QLRPH Nam Ban); do đó không thể cấp giấy CNQSDĐ cho cụ Đúng. 
 
Tiếp đó, cụ Đúng lại khiếu nại lên tỉnh, ngày 4/1/2013, UBND tỉnh Lâm Đồng có Quyết định số 12/QĐ-UBND bác đơn của cụ. Sau đó, cụ Đúng đã có đơn khởi kiện Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà, yêu cầu TAND hủy Quyết định 2236/QĐ-UBND, nhưng cả hai cấp tòa sơ thẩm, phúc thẩm TAND tỉnh Lâm Đồng đều bác đơn khởi kiện của cụ. Ngày 25/4/2015, cụ Đúng làm đơn gởi các cơ quan chức năng của huyện xin “tỉa thưa” rừng thông. Theo cụ, do không cơ quan nào trả lời nên tự bỏ tiền mua cưa máy cưa thông để bán lấy tiền đong gạo. “Gia đình bỏ công sức quá nhiều mà không nhận được gì, nay già yếu rồi nên đốn hạ thông để lấy đất trồng hoa màu sinh sống… Đốn thông mà lòng xót lắm” - cụ Đúng bộc trực. 
 
Mang vụ việc làm việc với Trưởng ban QLRPH Nam Ban Lê Hồng Nhân, nhưng ông Nhân từ chối trả lời với lý do huyện có văn bản chỉ đạo, giao việc phát ngôn cho Chánh Văn phòng UBND huyện. Tuy nhiên, với tư cách cá nhân, ông Nhân cho biết, khu vực rừng bị tàn phá trên từ trước đến nay vẫn là đất lâm nghiệp, còn rừng trồng theo Chương trình 327, nhưng 100% vốn đầu tư của nhà nước (từ khâu cây giống, trả công trồng, bảo vệ), nên việc cụ Đúng tự ý cưa hạ là sai luật. Ngay như khi cánh rừng trên do gia đình cụ Đúng bỏ tiền đầu tư trồng thì lúc khai thác cũng phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép chứ không thể tự ý chặt hạ trái phép như vậy.
 
Theo Trưởng ban QLRPH Nam Ban, vụ việc sau khi Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà khởi tố vụ án, các cơ quan Công an, Hạt Kiểm lâm, Viện KSND huyện đã vào cuộc điều tra…, thì ngày 9 và 10/12, cụ Đúng vẫn tiếp tục vác cưa đến cưa hạ hàng loạt thông tại khu rừng trên. Trưởng ban QLRPH Nam Ban bày tỏ quan điểm, để giữ được cánh rừng trên giờ rất cần có sự phối hợp của các cơ quan chức năng. Bởi nhà cụ Đúng ở ngay bìa rừng, khi anh em cán bộ kiểm lâm vừa quay lưng, cụ lại vác cưa lên hạ thông. Vì tính nhân đạo, sự nể nang do cụ Đúng đã lớn tuổi, trong khi anh em chỉ biết giải thích, tuyên truyền về Luật Bảo vệ rừng chứ không được phép bắt giữ người.
 
Thụy Trang