(LĐ online) - Ít nhất trên 100 cây thông ba lá gần 20 năm tuổi tại cánh rừng nằm trên địa bàn thị trấn Nam Ban và một phần của xã Mê Linh (Lâm Hà) đang trong tình trạng "chết mòn…" vì bị kẻ xấu "đầu độc".
(LĐ online) - Ít nhất trên 100 cây thông ba lá gần 20 năm tuổi tại cánh rừng nằm trên địa bàn thị trấn Nam Ban và một phần của xã Mê Linh (Lâm Hà) đang trong tình trạng “chết mòn…” vì bị kẻ xấu “đầu độc”.
|
Thông bị khoan lỗ đổ chất độc |
Theo ghi nhận của Pv, khu rừng thông ba lá bị tàn phá trên nằm ngay sát cạnh đường ĐT725 (khu vực Km 19+100), đối diện với công trình nhà quản lý bảo vệ rừng (công trình đang thi công xây dựng) của đơn vị Ban Quản lý bảo vệ Rừng phòng hộ Nam Ban. Cả cánh rừng “tọa lạc” trên một quả đồi có độ dốc rất lớn. Từ xa có thể nhìn thấy nguyên vạt rừng xanh tốt dọc theo đường ĐT725 giờ đã chuyển sang màu vàng sậm vì bị nhiễm độc. Quan sát kỹ, toàn bộ số thông bị cháy lá, chết ngọn đều là thông trưởng thành, đường kính gốc từ 17-20cm, cao từ 10-15m, hiện bị ai đó khoan ngang thân (ở phần gốc), mỗi cây bị khoang từ 2 đến 3 lỗ và có dấu hiệu bơm chất độc vào thân cây để làm thông chết nhanh.
Một số người dân địa phương cho rằng, khu rừng thông bị phá do Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Ban quản lý bảo vệ. Và những kẻ phá hoại không ngoài mục đích chiếm đất để làm công trình nhà cửa, bởi khu vực này có độ dốc lớn, không có nước tưới nên không thể lập rẫy trồng cà phê. Tuy nhiên, một cán bộ trong ngành lâm nghiệp cho biết: Khu rừng thông bị “đầu độc” bằng thuốc độc trên là rừng trồng vào năm 1996, thuộc lô B, khoảnh 2, tiểu khu 263B, lâm phần do thị trấn Nam Ban quản lý bảo vệ (được chi trả dịch vụ môi trường rừng), trong đó có một phần thuộc sự quản lý bảo vệ của xã Mê Linh. Riêng việc kẻ xấu phá hoại khu rừng xảy ra vào đêm 22/11/2015, và 5 ngày sau (ngày 27/12), chủ rừng mới phát hiện, lập biên bản và báo cáo UBND huyện.
Cũng theo cán bộ lâm nghiệp, hiện UBND huyện Lâm Hà đã chỉ đạo cho công an và các cơ quan chức năng của huyện vào cuộc điều tra, truy tìm đối tượng tàn phá rừng; làm rõ mục đích rừng bị phá. Tuy nhiên, theo nhận định ban đầu của nhiều người, khu rừng trên bị “đầu độc” là nhằm để trả thù chủ rừng hoặc một ai đó chứ không thể để lấy đất, vì nơi đây không thể sản xuất nông nghiệp, càng không thể xây dựng công trình nhà cửa bởi tại đây đã có trạm quản lý bảo vệ rừng của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Ban.
Liên quan đến việc rừng thông trên địa bàn huyện Lâm Hà bị “đầu độc” bằng thuốc độc, trước đó vào tháng 9/2015, tại tiểu khu 262B, lâm phần nằm trên địa bàn xã Mê Linh, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Ban cũng đã phát hiện người nhà của Chủ Minh Hiếu – Phó Ban quản lý Rừng phòng hộ Nam Ban, được ông Hiếu “làm lơ” để lấn rừng, đất rừng trái phép, lập vườn trồng cà phê. Tại đây, cơ quan chức năng còn phát hiện hàng chục cây thông trồng trên 20 năm tuổi đã bị ai đó tác động, khoan ngang thân và có dấu hiệu bơm thuốc độc vào thân cây, cây có biểu hiện chảy mủ, vàng lá nhưng rốt cục cũng không tìm ra được thủ phạm hủy hoại rừng. Riêng cán bộ giữ rừng để người nhà chiếm rừng nhưng ông Hiếu cũng chỉ được yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm, khiến dư lận không đồng tình.
Thụy Trang