Trong năm 2015, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) thành phố Bảo Lộc đã thụ lý 2.074 việc. Trong đó, số việc thụ lý mới trong năm chiếm trên 50% và án cũ tồn đọng từ những năm trước chuyển sang gần 50%. Tổng giá trị tài sản phải thi hành đã lên tới 310 tỷ đồng...
Trong năm 2015, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) thành phố Bảo Lộc đã thụ lý 2.074 việc. Trong đó, số việc thụ lý mới trong năm chiếm trên 50% và án cũ tồn đọng từ những năm trước chuyển sang gần 50%. Tổng giá trị tài sản phải thi hành đã lên tới 310 tỷ đồng. Cái khó trong việc THADS là án chưa có điều kiện thi hành ngày càng tăng do tồn đọng từ những năm trước chuyển sang (hiện có tới 1.021 việc); án có điều kiện thi hành chỉ chiếm trên 50% (1.053 việc). Trong năm, Chi cục THADS thành phố đã thi hành xong 978 việc, đạt gần 93% so với án có điều kiện thi hành. Tuy chưa đạt kế hoạch, nhưng đây là một sự cố gắng, nỗ lực của Chi cục THADS thành phố.
Những cố gắng, nỗ lực
Theo Chi cục THADS thành phố Bảo Lộc, sau khi xem xét, phân loại những vụ việc tồn đọng và án mới thụ lý, đơn vị giao chi tiêu năm 2015 cho từng chấp hành viên; phân công lại địa bàn chấp hành viên phụ trách; phân công thư ký, chuyên viên giúp việc cho chấp hành viên và phân công lãnh đạo Chi cục phụ trách từng lĩnh vực công tác chuyên môn. Đồng thời, Chi cục lập kế hoạch đẩy mạnh giải quyết án tồn đọng; xác minh, phân loại án để kịp thời ra quyết định hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ hoặc trả đơn đối với án chưa có điều kiện thi hành, miễn giảm (các trường hợp đủ điều kiện) để tập trung cho việc giải quyết án có điều kiện thi hành, những vụ việc có giá trị lớn và cương quyết tổ chức cưỡng chế những vụ việc có điều kiện thi hành, nhưng chây ỳ hoặc chống đối, không chấp hành việc thi hành án.
Trong việc THADS, Chi cục đã tăng cường công tác phối hợp với các ngành và các xã, phường trong việc vận động, thuyết phục và nhắc nhở, đôn đốc thi hành án tại cơ sở; công khai thủ tục, kết quả giải quyết về thi hành án để phòng, chống tiêu cực và hạn chế khiếu nại, tố cáo; đồng thời, tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Mặt khác, Chi cục THADS thành phố Bảo Lộc còn xây dựng và ký kết Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án giữa Chi cục THADS với Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân và Công an thành phố.
Trong việc cưỡng chế thi hành án, thành phố đã ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với 41 vụ việc. Tất cả 41 vụ việc này, thành phố đều huy động lực lượng liên ngành để cưỡng chế. Một số vụ việc cưỡng chế tiêu biểu như vụ ông Nguyễn Anh Linh và bà Nguyễn Thị Minh Hường (phường B’Lao), vụ ông Lê Bá Khải và bà Nguyễn Thị Hoa, vụ ông Trần Mạnh Hùng và bà Vũ Thị Hồng Yến (xã Lộc Nga)…
Nhưng còn những bất cập!
Tuy kết quả THADS năm 2015 đạt được khá cao, nhưng thành phố Bảo Lộc vẫn cùng chung một thực trạng như các địa phương khác, là án dân sự hàng năm tồn đọng chưa được thi hành tiếp tục “chồng” lên án mới, nên số vụ việc và số tiền phải thi hành ngày càng gia tăng. Tại thành phố Bảo Lộc, án dân sự tồn đọng cuối năm 2013 phải chuyển sang năm 2014 là 852 việc; án dân sự tồn đọng cuối năm 2014 phải chuyển sang năm 2015 là 1.033 việc; án dân sự tồn đọng cuối năm 2015 còn phải tiếp tục chuyển sang năm 2016 lên tới 1.096 việc và số tiền phải thi hành còn tồn đọng chuyển sang năm 2016 là trên 221 tỷ đồng. Con số này cứ tăng dần hàng năm theo cấp số cộng, nên khó có thể xác định được thời điểm thi hành xong án dân sự tồn đọng!
Trong quá trình phối hợp triển khai thi hành án, một số vụ việc còn có sai sót ở các cơ quan chức năng liên quan khác, Chi cục THADS thành phố đã có văn bản đề nghị nhiều lần, nhưng vẫn không có sự phối hợp giải quyết dứt điểm, gây thiệt hại cho đương sự hoặc người mua đấu giá, để tình trạng khiếu nại kéo dài (như vụ ông Mai Văn Bình - bà Bùi Thị Thanh, vụ ông Vũ Duy Long - bà Nguyễn Thị Loan).
Ngoài ra, theo Chi cục THADS thành phố Bảo Lộc, trong thực tế triển khai nhiệm vụ, đơn vị còn gặp khó khăn về “thể chế”. Bởi vì, luật quy định thời hạn để được xét miễn, giảm quá dài (5 năm, 10 năm). Thời hạn tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản (quy định tại Điều 69, Luật Thi hành án) lại quá ngắn (10 ngày), không đủ thời gian để xác minh, thông báo cho đương sự vắng mặt để giải quyết trước khi cưỡng chế. Một số trường hợp hoàn trả tiền, tài sản giá trị nhỏ, đương sự không đến nhận. Địa chỉ đương sự không rõ ràng, không chính xác nên việc báo hoàn gặp khó khăn. Trong khi thời hạn để làm thủ tục sung công quỹ Nhà nước (quy định tại Khoản 1, Điều 126, Luật Thi hành án) kéo dài tới 5 năm. Đây cũng là những nguyên nhân dẫn đến án tồn đọng ngày càng gia tăng.
XUÂN LONG