Tích cực bảo vệ động vật hoang dã

09:04, 11/04/2016

Trong hàng ngàn số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng hàng năm ngành Kiểm lâm tổng kết, các hành vi như săn, bắn, mua bán, vận chuyển, nuôi nhốt, sử dụng, kinh doanh... động vật rừng luôn tái diễn.

Đầu tháng 4/2016, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S ký Văn bản số 1692/UBND-LN chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các ngành, các tổ chức liên quan, các huyện, thành phố và đơn vị chức năng trong tỉnh cần quán triệt, thực hiện nghiêm.
 
Ít nhất có 5 cá thể Voọc chà vá chân đen bị giết hại phát hiện tại Đức Trọng vào tháng 8/2015
Ít nhất có 5 cá thể Voọc chà vá chân đen bị giết hại phát hiện tại Đức Trọng vào tháng 8/2015
Trong hàng ngàn số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) hàng năm của ngành Kiểm lâm tổng kết, các hành vi vi phạm như săn, bắn, mua bán, vận chuyển, nuôi nhốt, sử dụng, kinh doanh... động vật rừng luôn tái diễn. Báo cáo của ngành kiểm lâm tỉnh hầu như quý nào cũng nội dung “vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ động vật rừng”. Nặng nhất là những hành vi giết động vật hoang dã. Đơn cử, chỉ trong tháng 8/2015, một đối tượng vi phạm thường trú tại thôn 10C, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm khi phát hiện 3 cá thể Voọc chà vá chân đen (Pygathrix nigripes) tại thôn 4, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm đã dùng súng tự chế bắn chết 1 con đực trưởng thành, nặng 6 kg. Cuối tháng trên, lực lượng chức năng phát hiện ít nhất có 5 cá thể loài Voọc chà vá chân đen nữa bị lâm tặc giết hại tại khu vực rừng Đức Trọng, giáp ranh huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ, Voọc chà vá chân đen là nhóm I B, thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.   
 
Tại Nghị định 160 nói trên, gồm 83 loài động vật. Những vụ vi phạm mà các cơ quan công an, kiểm lâm phát hiện trong các trường hợp sau: giết chết (như vừa nêu ở trên) hoặc mua bán, vận chuyển, nuôi nhốt, chế biến, kinh doanh trái với các quy định của Nhà nước, nhất là tại một số nhà hàng, quán ăn. Đó bao gồm các loài: Voọc chà vá chân đen (Pygathrix nigripes) thuộc họ Khỉ (Cercopithecidae), các họ Cu li (Loricedea), họ Cầy (Viverridae), họ Mèo (Felidae), họ Chồn (Mustelidae), họ Rắn hổ (Elapidae)…
 
Những hình thức vi phạm chiếm đa số là nuôi nhốt, tàng trữ và sử dụng, kinh doanh động vật rừng trái quy định của Nhà nước. Nguyên nhân chính, hoặc do chưa làm tròn trách nhiệm từ phía các ngành chức năng và chính quyền địa phương; hoặc do người vi phạm cố tình dùng nhiều hình thức che giấu hành vi; và cũng có thể người dân chưa nắm vững các quy định của pháp luật bảo vệ động vật hoang dã, động vật rừng - trong đó một phần do công tác tuyên truyền, giáo dục của hệ thống chính trị tại địa bàn. Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng, thời điểm quý IV/2015, thông qua cơ quan chức năng quản lý, trên địa bàn toàn tỉnh có 30 loài động vật hoang dã với 7.887 cá thể, nuôi tại 346 trại và cơ sở. Trong số này, thuộc nguy cấp, quý, hiếm có 16 loài với 580 cá thể, tại 25 trại, cơ sở nuôi. Động vật rừng  thông thường có 13 loài với 7.290 cá thể, tại 318 trại và cơ sở nuôi...Vào đầu tháng 4/2016, tổng số loài ĐVHD vẫn là 30 loài; tổng số cá thể là 7.833, thuộc 331 trại và cơ sở nuôi. Trong đó động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm vẫn ổn định 16 loài, thuộc 25 trại, cơ sở nuôi; nhưng có tăng thêm 1 cá thể so với quý IV/2015. Số loài động vật hoang dã khác có 1 loài là Đà điểu với 11 cá thể tại 3 trại và cơ sở nuôi. Về động vật rừng  thông thường, tuy vẫn giữ 13 loài, nhưng giảm 49 cá thể (7.241 cá thể) và giảm 14 trại, cơ sở nuôi (304 trại, cơ sở). Diễn biến tăng, giảm cá thể hay trại, cơ sở chưa phản ánh nhiều nội dung bảo tồn, mà quan trọng hơn, đó là sự tăng cường và thường xuyên kiểm tra của ngành Kiểm lâm để hướng dẫn, giám sát hoạt động nuôi nhốt. Đồng thời, sự phối hợp giữa ngành này với các cơ quan liên quan truy kiểm rõ nguồn gốc các động vật hoang dã, động vật rừng là hết sức cần. Mặt khác, phổ biến sâu rộng kiến thức về pháp luật bảo vệ động vật hoang dã và động vật rừng, trang bị về kỹ thuật và những quy định trong hoạt động nuôi nhốt động vật hoang dã, động vật rừng cho các trại, cơ sở rất cần duy trì thường xuyên và đặc biệt có hiệu quả đích thực…
 
Tại Văn bản 1692/UBND-LN nêu trên, UBND tỉnh chỉ đạo mọi công dân trên toàn tỉnh phải “chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, bảo vệ ĐVHD, đặc biệt đối với các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ”. Theo đó, các UBND huyện, thành phố; Sở NN&PTNT, Sở Công an, Sở GD-ĐT, cơ quan truyền thông, Mặt trận và các đoàn thể của tỉnh theo chức năng và nhiệm vụ của mình, đồng lòng triển khai thực hiện tốt văn bản này.     
 
Ngày 8/4, trao đổi với Chi cục trưởng Kiểm lâm Lâm Đồng, ông Nguyễn Khang Thiên cho biết: Là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo cấp tỉnh, Chi cục Kiểm lâm tiếp tục thực hiện sự chỉ đạo triển khai theo tinh thần của Chỉ thị 30 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các Chỉ thị 12, Chỉ thị 08, Chỉ thị 1685 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản 1692/UBND-LN của Phó Chủ tịch Phạm S. Ông Thiên cho biết những kế hoạch cụ thể là: “Tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ các cơ sở gây nuôi động, thực vật hoang dã đã được cấp giấy phép; Tăng cường kiểm tra tình hình vận chuyển, mua bán và tiêu thụ sản phẩm động vật hoang dã; Xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện việc kiểm tra công tác quản lý và gây nuôi động vật hoang dã của các trại, cơ sở nuôi đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký; Tham gia phối hợp thực hiện các dự án liên quan đến bảo tồn thiên nhiên do các tổ chức phi chính phủ triển khai trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi cũng cương quyết xử lý đồng bộ, nghiêm minh đối với những hành vi vi phạm”.
 
Bắt 1 vụ vận chuyển động vật hoang dã trái phép
 
Vào khoảng 10h sáng 8/4, Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh phối hợp với Đội Cảnh sát Kinh tế - Công an huyện Đức Trọng và Hạt Kiểm lâm huyện đã bắt 1 vụ vận chuyển động vật hoang dã trái phép.
 
Nhận được tin báo của quần chúng nhân dân,  tại quốc lộ 27, khu vực cửa rừng - xã N’ Thol Hạ, các lực lượng đã tiến hành kiểm tra xe khách mang biển kiểm soát 49B-000.23 do tài xế Lê Hoàng Thạch (sinh năm 1976), thường trú tại xã Xuân Thọ - thành phố Đà Lạt;  là tài xế của nhà xe Tuấn Anh điều khiển chạy hướng Buôn Mê Thuột - Đà Lạt. Lực lượng chức năng phát hiện trên xe có chứa 1 thùng giấy, bên trong cất giấu 1 con rắn Hổ mang chúa và 2 con mèo rừng thuộc nhóm 1B trong danh mục động vật hoang dã quý hiếm được ưu tiên bảo vệ. Công an huyện đã tiến hành tạm giữ xe khách và tài xế. Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý theo pháp luật.
Văn Thạch - Võ Lan
 
MINH ĐẠO