Cuộc chiến chống "khoáng tặc" ở Bảo Lộc (bài 2)

09:07, 08/07/2016

Thực tế cho thấy, ở xã Lộc Châu (Bảo Lộc), "khoáng tặc" thường chọn các thời điểm lực lượng chức năng "vắng bóng" để tổ chức khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép. Để ngăn chặn nạn "khoáng tặc", công tác quản lý, nắm bắt tình hình của các lực lượng chức năng và chính quyền sở tại đóng một vai trò hết sức quan trọng.

Cần sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ 
 
[links(right)] Thực tế cho thấy, ở xã Lộc Châu (Bảo Lộc), “khoáng tặc” thường chọn các thời điểm lực lượng chức năng “vắng bóng” để tổ chức khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép. Để ngăn chặn nạn “khoáng tặc”, công tác quản lý, nắm bắt tình hình của các lực lượng chức năng và chính quyền sở tại đóng một vai trò hết sức quan trọng.
 
Công tác hoàn nguyên chậm trễ đang gây tác động xấu đến môi trường
Công tác hoàn nguyên chậm trễ đang gây tác động xấu đến môi trường
“Khoáng tặc” làm phát sinh tệ nạn
 
Thời gian gần đây, hoạt động “khoáng tặc” tại xã Lộc Châu (Bảo Lộc), chính là “ngọn nguồn” gây nên một số vụ xô xát làm mất an ninh - trật tự tại địa phương. Các vụ xô xát bắt nguồn từ việc xe chở cát, sét cao lanh quá tải chạy vào đường Mai Thúc Loan (thuộc thôn 2, xã Đại Lào). Đây là tuyến đường được xây dựng theo chủ trương của thành phố Bảo Lộc để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Hàng trăm hộ dân thôn 2 đã đồng tình hiến đất, cây trồng để mở đường. 
 
Theo thống kê của Phòng TN - MT thành phố Bảo Lộc, từ năm 2013 đến nay, các ngành chức năng đã ban hành 46 quyết định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản, môi trường và thu nộp ngân sách Nhà nước với số tiền gần 450 triệu đồng. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, Phòng TN - MT đã phát hiện và xử phạt 4 trường hợp khai thác đá chẻ trái phép, với số tiền 18 triệu đồng. Cùng với đó, Công an TP Bảo Lộc đã kiểm tra 583 lượt phương tiện vận chuyển khoáng sản và phát hiện 11 trường hợp vi phạm hóa đơn chứng từ (mua hóa đơn giá trị gia tăng bất hợp pháp). Hiện, Công an Bảo Lộc đã xử lý được 9 trường hợp, với số tiền xử phạt 144,5 triệu đồng.

Tuy nhiên, ngay sau khi tuyến đường hoàn thành đưa vào sử dụng từ cuối năm 2015 thì xe chở cát, sét cao lanh có trọng tải lớn (từ 40 - 60 tấn) từ xã Lộc Châu hiên ngang chạy qua tuyến đường này. Bên cạnh việc để cát, sét cao lanh rơi bừa bãi gây bụi bặm làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, những chiếc xe chở quá tải còn làm nhiều đoạn đường bị sụt lún, xuống cấp khiến người dân bức xúc. Người dân sống 2 bên tuyến đường Mai Thúc Loan đã tổ chức ra chặn xe vận chuyển khoáng sản yêu cầu hạ tải. Tuy nhiên, các lái xe và chủ mỏ đã thuê người tới hù dọa và xảy ra xô xát với người dân. Trước tình hình đó, hàng chục hộ dân đã làm đơn kiến nghị gửi lên UBND thành phố Bảo Lộc. Ngày 7/6/2016, ông Nguyễn Quốc Bắc, Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc đã ký Văn bản số 949/UBND về việc kiểm tra, xử lý xe quá tải trọng lưu thông trên đường Mai Thúc Loan.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Tổ trưởng Tổ tự quản thôn 2, xã Đại Lào, cho biết: “Mặc cho đường có biển tải trọng 15 tấn, nhưng dưới sự “bảo kê” của một nhóm “giang hồ”, xe chở cát, cao lanh quá tải hàng chục tấn vẫn ngang nhiên chạy ầm ầm cả ngày lẫn đêm mà không ai dám công khai lên tiếng. Nhóm “bảo kê” này có từ 7 - 10 thanh niên đi xe ô tô con luôn túc trực để sẵn sàng hù dọa, uy hiếp người dân và các thành viên trong tổ tự quản chúng tôi nếu có ý kiến. Mới đây nhất là vào ngày 29/6, khi Tổ tự quản và lực lượng Công an Kinh tế TP Bảo Lộc đang làm việc yêu cầu xe chở cát hạ tải theo quy định, lái xe và chủ mỏ cát đã gọi 7 thanh niên đi xe ô tô con mang theo hung khí xuống uy hiếp các thành viên trong Tổ tự quản. Không những vậy, chủ mỏ cát còn lớn tiếng đe dọa “thằng nào cản đường, tao cho xe tông chết”. Trước tình trạng lộng hành của xe chở khoáng sản quá tải có sự “bảo kê” của những đối tượng “giang hồ” khiến người dân chúng tôi rất bức xúc”.
 
Ông Phạm Công Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Lào, khẳng định: “Tất cả các xe vận chuyển khoáng sản (cát, sét cao lanh) qua đường Mai Thúc Loan đều xuất phát từ xã Lộc Châu. Các đối tượng “bảo kê” xe quá tải không chỉ uy hiếp, hù dọa người dân mà còn gọi điện đe dọa cả bản thân tôi. Hơn bao giờ hết, cơ quan công an cần nhanh chóng vào cuộc xử lý để người dân yên tâm”.
 
Bên cạnh đó, hoạt động “khoáng tặc” cũng là nguyên nhân gây nên việc tranh chấp đất đai giữa các bên. Nổi cộm là trường hợp ông Phạm Văn Toàn (ngụ quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) phản ánh việc bà Châu đem các phương tiện và máy móc vào khai thác cát tại phần đất thuộc quyền sở hữu của ông Toàn. Qua kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy, hiện trường bị tác động và có dấu hiệu của hoạt động khai thác cát trái phép. Hiện, việc tranh chấp đất giữa ông Toàn và người phụ nữ tên Châu đã được UBND thành phố Bảo Lộc chuyển sang Tòa án Nhân dân thành phố xem xét, xử lý. Riêng, việc khai thác cát trái phép đang được các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. 
 
Cần xử lý nghiêm
 
Hoạt động “khoáng tặc” hiện có diễn biến phức tạp gây tác động tiêu cực đến môi trường, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân; đồng thời, gây lãng phí nguồn tài nguyên và thất thu thuế của Nhà nước. Ngay từ những tháng đầu năm 2016, UBND TP Bảo Lộc đã thành lập 2 tổ liên ngành, gồm: Tổ kiểm tra liên ngành số 1 do Công an TP Bảo Lộc chủ trì để kiểm tra về thủ tục pháp lý trong hoạt động kinh doanh khoáng sản; Tổ liên ngành số 2 do Phòng TN - MT TP Bảo Lộc chủ trì tiến hành kiểm tra tại các khu vực khai thác khoáng sản trái phép.
 
Ông Đậu Công Hải, Trưởng Phòng TN - MT (TP Bảo Lộc) cho biết: “Hoạt động khai thác khoáng sản trái phép rất phức tạp, các đối tượng nấp trong “bóng tối” cử người theo dõi lực lượng chức năng nên việc kiểm tra, xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với đó, các chế tài xử phạt các đối tượng vi phạm còn quá nhẹ chưa đủ sức răn đe là kẻ hở để “khoáng tặc” hoạt động. Để kiểm soát nạn khai thác khoáng sản trái phép, Phòng TN - MT đã tham mưa UBND TP Bảo Lộc kiến nghị lên UBND tỉnh không cấp phép lại cho các đơn vị đã hết hạn. Đồng thời, UBND tỉnh cần có chủ trương cấm các đơn vị đã hết hạn GPKT không được thu mua khoáng sản thô. Hiện nay, vì lợi nhuận, hầu hết các xe vận chuyển khoáng sản đều vượt quá tải trọng cho phép. Vì vậy, cần siết chặt kiểm tra tải trọng xe vận chuyển khoáng sản. Điều này cũng đóng vai trò quan trọng để đấu tranh với nạn khai thác khoáng sản trái phép.”.
 
Còn theo ông Vũ Văn Vân, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Châu thì để quản lý được “khoáng tặc”, UBND TP Bảo Lộc cần có phương án quản lý các hộ dân có đất sản xuất nông nghiệp trong khu vực có cát, sét cao lanh. Trường hợp các hộ dân sử dụng đất không đúng mục đính, UBND TP cần có biện pháp xử lý, thu hồi theo quy định.
 
“Khoáng tặc” thường chọn thời điểm lực lượng chức năng “vắng bóng” để tổ chức khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép. Thế nên, công tác quản lý, nắm bắt tình hình của chính quyền sở tại đóng một vai trò hết sức quan trọng. Với những “lỗ hổng” đang tồn tại trong công tác quản lý, thiết nghĩ rất cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cơ quan chức năng từ tỉnh đến cơ sở.
 
K.NGUYỄN