Di Linh thi hành án dân sự còn những bất cập

09:07, 05/07/2016

Theo Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Di Linh, trong 6 tháng đầu năm 2016, đơn vị đã có nhiều nỗ lực, nhưng do còn có những bất cập, nên án dân sự chưa thi hành xong tồn đọng nhiều và ngày càng gia tăng; trong đó, có những vụ việc kéo dài trong nhiều năm.

Theo Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Di Linh, trong 6 tháng đầu năm 2016, đơn vị đã có nhiều nỗ lực, nhưng do còn có những bất cập, nên án dân sự chưa thi hành xong tồn đọng nhiều và ngày càng gia tăng; trong đó, có những vụ việc kéo dài trong nhiều năm.
 
Gia tăng án tồn đọng
 
Trong 6 tháng qua, số vụ việc mà Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Di Linh mới thụ lý là 487 việc, tăng 18,5% (76 việc); nâng tổng số vụ việc phải giải quyết trong kỳ là 827 việc, tăng 17,8% (125 việc) so với 6 tháng đầu năm 2015. Trong đó, số vụ việc còn tồn đọng từ những năm trước là 340 việc. Tổng giá trị tài sản phải thi hành đã lên tới 80 tỷ đồng. 
 
Qua rà soát, phân loại, trong tổng số 827 việc phải thi hành trong 6 tháng đầu năm 2016, số việc chưa có điều kiện thi hành chiếm 7,4% (61 việc) và số việc có điều kiện thi hành chiếm 92,6% (764 việc). Ngay từ đầu năm, Chi cục Thi hành án Dân sự huyện đã xem xét án tồn đọng và lập kế hoạch, phân công công việc cụ thể cho từng chấp hành viên giải quyết án tồn đọng; tập trung giải quyết án có điều kiện thi hành. Tuy đã có những cố gắng, nhưng trong 6 tháng qua, Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Di Linh chỉ mới thi hành xong 310 việc, đạt tỷ lệ 40,6% (so với những việc có điều kiện thi hành) và giá trị tài sản đã thi hành được 5,5 tỷ đồng, chỉ đạt 7% (so với tổng giá trị án dân sự có điều kiện thi hành). Như vậy, số việc phải thi hành còn tồn đọng khá lớn, tiếp tục chuyển sang kỳ sau là 515 việc và số tiền còn phải tiếp tục thi hành là 74 tỷ đồng. 
 
Những bất cập trong thi hành án
 
Một thực trạng cũng giống như những địa phương khác, tại huyện Di Linh, án dân sự tồn đọng cũ chưa thi hành được lại tiếp tục “chồng” lên án mới, nên số việc và số tiền phải thi hành ngày càng gia tăng! Theo Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Di Linh, nguyên nhân dẫn đến bất cập là do số lượng biên chế cán bộ còn ít, nhất là đội ngũ chấp hành viên; từ đó, dẫn đến công việc “quá tải”, mỗi chấp hành viên phải thi hành quá nhiều vụ việc trong năm. 
 
Trong số tài sản đã kê biên và định giá, Chi cục Thi hành án Dân sự huyện đã thông báo 52 tài sản (giá trị 26 tỷ đồng) nhiều lần, nhưng không có người đăng ký mua, dẫn đến tồn đọng án, không thi hành được. Số vụ việc thi hành cho các tổ chức tín dụng tuy chỉ có 9 việc (chiếm 1,33% trong tổng số việc có điều kiện thi hành), nhưng số tiền chiếm tới 32%. Trong quá trình cho vay, các tổ chức tín dụng chưa làm tốt công tác kiểm tra, thẩm định, đánh giá đúng thực trạng giá trị tài sản cầm cố, thế chấp, nên đến khi vụ việc bị thi hành án, Chi cục Thi hành án Dân sự huyện gặp phải những khó khăn, thời gian giải quyết bị kéo dài. 
 
Không ít đối tượng bị thi hành án thiếu ý thức trong việc chấp hành pháp luật thi hành án, cố tình chây ỳ, dây dưa. Chấp hành viên đã thông báo triệu tập nhiều lần nhưng đương sự không đến làm việc. Trong khi đó, các biện pháp chế tài, xử lý những đối tượng vi phạm trong thi hành án không đủ sức thuyết phục, răn đe. Trong quá trình thi hành án, chấp hành viên còn gặp phải khó khăn, lúng túng nhất định do thiếu văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án Dân sự (sửa đổi, bổ sung). Một số vụ việc đã có bản án của phiên tòa xét xử phúc thẩm và có điều kiện thi hành, nhưng do sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa Chi cục Thi hành án Dân sự với các cơ quan, đơn vị và các xã, thị trấn, dẫn đến không thi hành án dứt điểm, còn để kéo dài, gây phiền hà…
 
Từ những bất cập và tồn tại nói trên, khả năng tiềm ẩn rất lớn những bản án dân sự tại huyện Di Linh tiếp tục tồn đọng, nếu thiếu những giải pháp tích cực, khách quan và cương quyết, cứng rắn.
 
XUÂN LONG