Khám nghiệm rừng "nóng" Bảo Lâm

08:07, 25/07/2016

Những cánh rừng phòng hộ bị tàn sát khốc liệt và xót xa. Hàng ngàn m3 gỗ bị "lâm tặc" tổ chức cưa hạ và vận chuyển trong rất nhiều tháng qua. Đó là cánh rừng cổ thụ trên đất huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Phóng viên Báo Lâm Đồng đã có chuyến đi xuyên rừng, tìm hiểu và cảm nhận nhiều hơn với nỗi trăn trở làm sao đừng để mất rừng.

Những cánh rừng phòng hộ bị tàn sát khốc liệt và xót xa. Ngôi nhà của kẻ chủ mưu Lê Hồng Hà (Hà “đen”) đầy đủ tiện nghi hiện đại nằm ngay bên công trình Thủy điện Đồng Nai 5. Hàng ngàn m3 gỗ bị “lâm tặc” tổ chức cưa hạ và vận chuyển trong rất nhiều tháng qua. Đó là cánh rừng cổ thụ trên đất huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Một công nhân công trường thủy điện (đề nghị dấu tên) cho biết: Đêm nào ở bến thuyền cũng tấp nập đưa gỗ lên xe ô tô… 
 
Khám nghiệm hiện trường
Khám nghiệm hiện trường
Hoàng Văn Trạc, sinh năm 1988, thường trú tại tỉnh Đắk Nông, một trong những đối tượng cưa cắt gỗ trên rừng mang ra bán cho Hà “đen” dẫn đoàn đi khám nghiệm. Ngay sau ngày lực lượng Bộ công an đánh án, bắt các đối tượng “lâm tặc” vào rạng sáng ngày 8/7, Trạc và Dương là 2 đối tượng đầu tiên được các lực lượng chức năng dẫn trở lại rừng để chỉ hiện trường cưa gỗ. Đợt thứ nhất, đoàn khám nghiệm đã ghi nhận được 37 cây bị cưa hạ (gồm 32 cây Dổi và 5 cây Xuân thôn) với tổng khối lượng thiệt hại hơn 111 m 3 gỗ tròn và trục vớt từ lòng hồ, xung quanh nhà Hà “đen” hơn 15 m 3 gỗ xẻ các loại. Tuy nhiên, ngay ngày đầu này cả 2 đều ngoan cố, không nhận là người phá rừng mà chỉ nhận vận chuyển gỗ từ rừng về bến. 
 
Ngày 13/7, qua đấu tranh của cơ quan điều tra, Trạc đã đồng ý dẫn chúng tôi đi để thú nhận hành vi cưa hạ cây trái phép. PV Báo Lâm Đồng tranh thủ khai thác thông tin từ Hoàng Văn Trạc, đối tượng cho biết: Cứ 2-3 ngày thì khai thác đủ một thuyền gỗ với khoảng 6-7 m 3 và chở ra bán cho Hà “đen”, rồi lại quay trở vào. Nếu vậy, ước tính trung bình mỗi tháng nhóm của Trạc đã khai thác lượng gỗ trái phép khoảng 162 m 3 trở lên. Tại các cánh rừng mà Trạc dẫn đoàn khám nghiệm đi, ngan ngát gỗ ván và gốc cây cũ và mới. Mặc dù các đối tượng khai thác chọn lựa cây to, gỗ tốt, nhưng có những khu vực các gốc cây bị cưa hạ liên tục gần nhau. Quả như nhận xét của một vị công an cùng đi thốt lên xa xót: “Đi đến đâu là thấy cây bị cưa hạ đến đó”! Đợt đi thứ 2 đoàn kiểm tra và đo được 30 cây gỗ Xương gà và Xuân thôn bị cưa cắt. 
 
Ngày 14/7, đối tượng Phạm Văn Ninh, sinh năm 1995, quê ở Quảng Bình dẫn đi chỉ những cây cưa hạ. Độ cao hơn 500 mét so với mặt hồ. Rất cheo leo, trơn trượt, cây cối giăng mắc và đặc biệt là rất nhiều muỗi cuộn vào những khuôn mặt và lâu lâu lại có những con vắt bật nhảy bám theo… Cũng tranh thủ quá trình tìm cây bị cưa hạ, chúng tôi hỏi nhanh Ninh, đối tượng này cho biết: Anh ta cùng 8 người từ quê Quảng Bình vào cùng làm chung một nhóm cưa cắt gỗ bán cho Hà “đen”. Có vẻ thật thà, Ninh nói với tôi: “Cháu nấu cơm và đưa lên hàng ngày, rồi giặt áo quần cho bọn nó. Đông người nên được ít tiền lắm”. Vừa đi, Ninh vừa chỉ và khoe cho tôi những khúc gỗ nhỏ bắc ngang những chỗ địa hình đất không bằng phẳng, 2 đầu gỗ buộc chặt dây vào các thân cây để làm máng trượt cho các khúc gỗ chạy: “Chỉ có dân Quảng Bình bọn cháu mới nghĩ ra cách làm này”. Ninh cũng cho tôi biết, mỗi khối gỗ Dổi nhóm của Ninh xẻ thành hộp mang xuống thuyền, đưa ra tận bến cạnh nhà Hà “đen” bán cho Hà chỉ được 5 triệu đồng. Trời đã xâm xẩm tối, đoàn quyết định dừng công tác khám nghiệm để còn thấy đường xuống bờ sông. Vì vậy, ngày này đã xác thực 40 cây gỗ Dổi, trong đó có cả những cây đã phát hiện đánh số của đợt đầu. Rất nhiều cây Dổi đổ rạp xuống, lá còn tươi xanh, nhựa tứa ra trên từng thớ gỗ. Ai nhìn thấy cũng bần thần não ruột. Một số cây “lâm tặc” chưa kịp xẻ ra thành hộp, số khác hạ xuống nhưng không lấy vì Ninh cho biết “cây này nhỏ” (mặc dù đường kính không dưới 40 cm). Cuối chiều, cả đoàn bám nhau xuống đến thuyền mệt rã rời, chân tay như muốn lìa thân, người nhem nhuốc, mặt hốc hác… Ninh cho biết còn một số cây đã cưa hạ nữa nhưng nếu lên đến nơi phải mất khoảng 30 phút, do đó trưởng đoàn yêu cầu chỉ vị trí để xác định cho ngày hôm sau tiếp tục hành trình. 
 
Ngày 15/7, tiếp tục theo chỉ dẫn của Ninh, đoàn khám nghiệm lại men sườn núi leo lên tiểu khu khác. Thuyền cập bến, một kiểm lâm viên đi trước ồ lên: “Có 2 can dầu của chúng nó để đây, công an lên chụp ảnh này!”. Đó là 2 can còn nguyên dầu máy được những kẻ phá rừng cất lại dọc đường đi. Rất nhiều cây gỗ được nhóm của Ninh đốn hạ có đường kính gốc rất to, có gốc hơn 2 sải tay người lớn, có gốc chúng chừa lại cao đến gần 2 mét. Có những thân cây dài trên 30 mét, khi bắc ngang qua suối, khi lại trượt dài xuống vực sâu…Không ai trong đoàn khám nghiệm không thể xót xa trước những cảnh tượng tan hoang của rừng già. Đội phó Đội Kiểm lâm cơ động số 1 Lê Đình Việt, các kiểm lâm viên Đỗ Huy Định, Nguyễn Hoàng Hà, K’Tuổi… lúi húi xác định tọa độ, đo đếm, viết vẽ, té sấp té ngửa và lượng mồ hôi đổ ra nhiều nhất. Mỗi người trong đoàn khám nghiệm ăn vội chiếc bánh mì “tự chế”, khi bên mép nước, lúc giữa rừng sâu, vậy mà ai cũng quyết hoàn thành nhiệm vụ... 
 
Sự vất vả của đoàn còn kéo dài sau mỗi đợt lên bờ, đặc biệt là bộ phận trực tiếp thống kê đánh giá. Đêm đầu tiên, để hoàn tất hồ sơ ban đầu của vụ án theo quy định, các thành viên liên quan phải thảo luận đến gần sáng. Các đêm còn lại, nhóm đo vẽ hoàn tất hồ sơ luôn vào lúc 23-24 giờ. Có tích cực như vậy thì giờ mới có được những số liệu chính xác ban đầu phục vụ chuyên án. Tại các hiện trường của tiểu khu 390 A xã Lộc Bảo, 396 và 397 xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm được kiểm tra khám nghiệm toàn đợt có tổng số cây bị khai thác trái phép là 95 cây, tổng khối lượng gỗ bị thiệt hại là 265,58 m 3, bao gồm các loại Dổi, Xuân thôn, Si le và Xương gà. Trong số này có 34 cây Dổi với 51,38 m 3 trùng với hiện trường của kiểm lâm địa bàn xã Lộc Bảo phối hợp với chủ rừng là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bắc kiểm tra, phát hiện trước đó (ngày 7/7/2016). Số gỗ còn lại tại hiện trường chủ yếu bìa và cành ngọn, gốc, nghĩa là khối lượng gỗ mất đi đến 182,532 m 3. Các cơ quan chức năng cũng đã tạm giữ hình sự 8 đối tượng liên quan để điều tra (riêng chủ mưu là Hà “đen” đã trốn thoát); tạm giữ 1 ô tô tải vận chuyển gỗ biển số 60N 8807 cùng hơn 16 m 3 gỗ thông thường các loại (trong đó, hơn 15 m 3 gỗ xẻ và hơn 1m 3 gỗ tròn); 1 ô tô bán tải biển số 51C - 53220; 2 máy cày; 1 xe chế độ đầu ngang và 2 xuồng máy. 
 
Tang vật gỗ và xe ô tô vận chuyển gỗ trái phép (góc phải ảnh) tạm giữ tại cơ quan công an
Tang vật gỗ và xe ô tô vận chuyển gỗ trái phép (góc phải ảnh) tạm giữ tại cơ quan công an
Chiều ngày 20/7, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nguyễn Khang Thiên và Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Sơn kết thúc chuyến đi đến hiện trường rừng ở công trình Thủy điện Đồng Nai 5, chúng tôi đã làm việc với ông Nguyễn Khang Thiên. Chi cục trưởng Thiên khẳng định: “Đây là vụ vi phạm hình sự rất nghiêm trọng, ngay từ đầu triển khai kế hoạch kiểm tra tình hình chặt phá rừng ở huyện Bảo Lâm của C49 Bộ Công an, Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp tích cực với PC49 Công an tỉnh Lâm Đồng và C49 của Bộ, hiện nay đang tiếp tục tăng cường phối hợp”. Vì sao rừng phòng hộ khu vực Thủy điện Đồng Nai 5 ở Bảo Lâm bị tàn phá hết sức nặng nề ? Ông Nguyễn Khang Thiên cho biết: Mặc dù đây là khu vực chúng tôi đã xác định là một trong những “điểm nóng” về khai thác gỗ trái phép của tỉnh, do đó từ những tháng cuối năm 2015 đến nay, các ngành chức năng và đơn vị liên quan của Lâm Đồng đã phối hợp tổ chức kiểm tra, truy quét. Tuy nhiên, “Các lực lượng chức năng liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng như chủ rừng, hạt kiểm lâm, ban lâm nghiệp xã…, đặc biệt là cán bộ tiểu khu trưởng của các đơn vị chủ rừng, kiểm lâm địa bàn chưa thực sự thường xuyên bám sát địa bàn, còn buông lỏng quản lý công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là các điểm nóng tại tiểu khu 390A, 390B, 397, 398, 419,… xã Lộc Bắc, Lộc Bảo huyện Bảo Lâm như khu vực Thủy điện Đồng Nai 4 và 5”, ông Thiên nói.
 
Bên cạnh đó, kế hoạch kiểm tra chưa có trọng tâm, trọng điểm, xử lý chưa đến nơi đến chốn và triệt để; công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân vào cuộc đạt hiệu quả chưa cao; công tác tổ chức phối hợp với các ngành chức năng tại địa phương và cùng với tỉnh Đắk Nông thiếu thường xuyên, bài bản và quyết liệt; công tác kiểm tra, giám sát các dự án tận thu, tận dụng lâm sản của các doanh nghiệp được cải tạo trồng cây cao su, trồng rừng kinh tế nhiều trường hợp chưa tốt, còn chậm phát hiện các sai phạm không đúng quy định; đặc biệt như trường hợp đã và đang diễn ra ở Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bắc có dấu hiệu nghiêm trọng…
 
Trả lời câu hỏi của phóng viên: Liệu có hay không sự dung túng hay “chống lưng” của ai đó trong vụ phá rừng xảy ra ở khu vực Thủy điện Đồng Nai 5? Ông Thiên nói: Cũng có thể, tuy nhiên, vụ việc này cần được cơ quan điều tra đang làm rõ, do đó chưa thể khẳng định được. Nếu phát hiện vi phạm chúng tôi sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. 
 
Song song với việc khám nghiệm hiện trường, những ngày qua, các lực lượng chức năng tích cực mở rộng điều tra, trong đó có các cơ sở chế biến gỗ ở các huyện, thành phố lân cận trong tỉnh và các tỉnh bạn. Trong quá trình theo đoàn đi khám nghiệm, chúng tôi cũng trao đổi với một số người có trách nhiệm đối với rừng khu vực Thủy điện Đồng Nai 5. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm Lê Văn Chuyên cho biết: Đơn vị này đã nhiều lần phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức truy quét, tấn công các đối tượng “lâm tặc” và cũng đã bắt được một đối tượng. Tuy nhiên, chúng rất manh động, riêng Hà “đen” chưa một lần gặp mặt. Còn Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bắc đã trả lời khá dè dặt về lý do để mất rừng tại lâm phần quản lý: Khó quá, chúng tôi cũng không biết làm thế nào! Ca nô thì chúng tôi mới được cấp từ tháng 4, anh em cũng chưa phát huy được nhiều. Ông Kim cũng mong thành lập trạm liên ngành liên tỉnh tại khu vực rừng giáp ranh này để hỗ trợ công tác quản lý bảo vệ. Tuy nhiên, ngay bên sông, dọc đường “lâm tặc” vận chuyển gỗ trái phép đi qua hàng ngày là Trạm tuần tra đường thủy thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Cát Tiên (Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông). Không lẽ vô cảm hay không liên quan đến phận sự của mình?! Một trong những người liên quan trực tiếp đến rừng ở tiểu khu bị cưa hạ trái phép là tiểu khu trưởng Võ Văn Việt (nhân viên của ông Kim). Ông Việt trả lời với chúng tôi lý do để mất rừng rằng: Địa bàn rộng, chỉ đi tuần tra phía trên còn phía dưới gần dòng sông không giám sát được (?). 
 
Vụ phá rừng trái phép ở Bảo Lâm đang được các cơ quan chức năng quyết liệt điều tra. Đã có 3 nghi can (cùng cư ngụ tại tỉnh Lâm Đồng) bị khởi tố: Lê Hồng Hà (48 tuổi, quê Nghệ An); Nguyễn Văn Tuấn (40 tuổi, quê Hà Nội) và Nguyễn Văn Thành (49 tuổi, quê Bình Dương). Chắc chắn, những người vi phạm, những người liên quan sẽ chịu các hình thức xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật. Dư luận cũng như chúng tôi đang chờ đợi để hi vọng cánh rừng phòng hộ Bảo Lâm trở lại bình yên!
 
Ký sự: MINH ĐẠO