Quy chế phối hợp quản lý khoáng sản nhìn từ Bảo Lâm và Bảo Lộc

09:07, 15/07/2016

Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của từng địa phương rất cần đến những quy chế phối hợp giữa các huyện. 

Tại Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 31/8/2015 của UBND tỉnh Lâm Đồng về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản (KS) và hoạt động KS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có nội dung rất quan trọng là UBND cấp huyện phải “chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về mọi hoạt động khai thác (KT) KS trái phép trên địa bàn”. Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của từng địa phương rất cần đến những quy chế phối hợp giữa các huyện có liên quan đến hoạt động KS. Thực tế địa bàn thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm làm dẫn chứng cho thấy, tính cộng tác này vừa là sự phối hợp, cùng chịu trách nhiệm, vừa là sự giám sát.  
 
Nếu phối hợp tốt giữa Bảo Lâm và Bảo Lộc thì sẽ chấm dứt KTKS trái phép kéo dài tại Lộc Tân
Nếu phối hợp tốt giữa Bảo Lâm và Bảo Lộc thì sẽ chấm dứt KTKS trái phép kéo dài tại Lộc Tân

Chưa thể xử lý được triệt để 
 
Đến nay, tại huyện Bảo Lâm đang có 2 giấy phép KT cao lanh, 1 giấy phép KT bauxit do Bộ TN&MT cấp còn hiệu  lực; 8 giấy phép (KT đá xây dựng và cát) do UBND tỉnh Lâm Đồng cấp (4 giấy phép hết hạn tháng 6 và tháng 7/2016). Tại thành phố Bảo Lộc, Bộ TN&MT cấp 3 giấy phép KT cao lanh, 1 giấy phép KT bauxit còn hiệu lực và 2 giấy phép thăm dò cao lanh; UBND tỉnh Lâm Đồng cấp 8 giấy phép KT đá còn hiệu lực. Thời gian qua, cơ bản các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép KT đều tuân thủ các quy định của pháp luật về KS, đất đai, môi trường và tài nguyên nước trong hoạt động KTKS. Tuy nhiên, nhìn nhận nghiêm túc thì còn có một số đơn vị chưa thực hiện đầy đủ các quy định theo giấy phép như chưa có thiết kế mỏ, chưa bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ theo đúng quy định, chưa lập hồ sơ thuê đất và một số nghĩa vụ tài chính khác (chậm đóng tiền cấp quyền KTKS, ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường). 
 
Đáng lưu ý là tình hình KTKS trái phép, điển hình là Công ty TNHH An Việt và tại xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm (2 khu vực vốn của Công ty Cổ phần KS Ngân Long và Công ty Cổ phần KS và Vật liệu xây dựng Lâm Đồng có giấy phép KT nhưng đã hết hạn, UBND tỉnh quyết định thu hồi năm 2012), nhưng vẫn diễn ra tình trạng KTKS trái phép, như Báo Lâm Đồng đã phản ánh. Trong quý I và II/2016, UBND tỉnh có quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty TNHH An Việt 110.000.000 đồng và chỉ đạo huyện Bảo Lâm, xã Lộc Tân nghiêm khắc kiểm điểm sai phạm các cá nhân và tổ chức liên quan. Tỉnh cũng yêu cầu Công ty An Việt phải thực hiện các giải pháp phục hồi môi trường khu vực đã KT, đưa khu vực KT về trạng thái an toàn theo quy định; huyện Bảo Lâm chỉ đạo các lực lượng chức năng của huyện giám sát việc ngưng đào ao, vận chuyển KS của Công ty TNHH An Việt. Được biết, huyện Bảo Lâm từng ban hành 15 văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý KS; xử lý 2 trường hợp KTKS trái phép với số tiền xử phạt 30.000.000.000 đ; tịch thu 4 máy nổ, tiêu hủy 2 máy nổ và hệ thống ống. Ở thành phố Bảo Lộc, đã thành lập 2 tổ công tác kiểm tra các khu vực KT bất hợp pháp, kiểm tra các thủ tục pháp lý liên quan đến hoạt động KS; xử lý 5 vụ KT đá chẻ, sét gạch ngói với số tiền xử phạt 34.000.000.000 đ; kiểm tra 583 lượt xe vận chuyển KS, phát hiện 11 trường hợp vi phạm chế độ hóa đơn và xử lý 9 trường hợp với số tiền 144.500.000 đ.
 
Những kiến nghị và giải pháp
 
Thành phố Bảo Lộc đề nghị, đối với các mỏ sét, cát khi giấy phép hết hạn, không gia hạn và yêu cầu đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường theo quy định. Cùng đó, thời điểm hiện nay không cấp mới giấy phép KT đá tại thành phố này vì các mỏ đã cung đủ nhu cầu thị trường. Hai địa phương Bảo Lộc và Bảo Lâm cũng đề nghị thu hồi giấy phép KT cao lanh của Công ty TNHH Thương mại và Trồng trọt Tuấn Thiện (giấy phép do Bộ TN&MT cấp ngày 10/2/2015 KT trên diện tích 75,05 ha tại địa bàn xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm và xã Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc). Thời điểm tháng 6/2016, Công ty này vẫn chưa thực hiện các quy định của pháp luật như xây dựng cơ sở hạ tầng và tiến hành KT… Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Phạm Quang Tường, Sở này thống nhất những đề nghị của 2 địa phương để báo cáo đề xuất UBND tỉnh quyết định. 
 
Sở TN&MT và thành phố Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm cũng đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo cụ thể về vấn đề các hộ dân cải tạo đất sản xuất nông nghiệp, đào ao… phát hiện có đá chẻ dạng tảng lăn, than bùn, cát xây dựng. Vì vậy, Sở TN&MT cần nghiên cứu đề xuất UBND tỉnh có quy định tạm thời cho phép thu hồi để tận dụng tài nguyên, tăng thu ngân sách… Đặc biệt, cũng như trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng, rất cần có chỉ đạo từ tỉnh đối với các huyện, thành phố cùng xây dựng quy chế phối hợp trong công tác quản lý tài nguyên KS, nhất là những vùng giáp ranh giữa các địa phương. Việc KTKS trái phép trên địa bàn Lộc Tân huyện Bảo Lâm cho thấy nơi KT là địa bàn Bảo Lâm, nhưng người KT và kho tập kết KS đều thuộc địa phương thành phố Bảo Lộc. Tình trạng KTKS trái phép tại đây dây dưa trong thời gian dài, UBND và các ngành chức năng huyện Bảo Lâm nhiều lần trong nhiều năm vào cuộc nhưng không giải quyết được dứt điểm. Dĩ nhiên, trách nhiệm trước hết do chính quyền địa phương xã Lộc Tân, nhưng nếu cả 2 chính quyền Bảo Lâm, Bảo Lộc và các ngành chức năng của 2 địa phương này phối kết hợp triển khai chặt chẽ và đồng bộ, thì vụ việc mới giải quyết được dứt điểm.   
 
Tinh thần phối hợp cùng quản lý lĩnh vực tài nguyên KS cũng đang đặt ra đối với các địa phương khác như giữa huyện Đức Trọng với Di Linh, Đức Trọng với Đơn Dương, Đạ Tẻh với Cát Tiên, Lâm Hà với thành phố Đà Lạt, thành phố Đà Lạt với Lạc Dương… Sau khi có quy chế, việc trước hết là UBND các huyện, thành phố thành lập liên tổ với nhiều thành phần gồm lãnh đạo UBND các huyện, thành phố; các thành viên khác như công an, quân sự huyện; các phòng chức năng và các địa phương cấp xã liên quan cùng kiểm tra, truy quét, xử lý các hoạt động KS bất hợp pháp những vùng giáp ranh… Hoạt động của liên tổ này cần duy trì thường xuyên, phối hợp xử lý kịp thời và hiệu quả. Đã đến lúc cần sự tiếp tục chỉ đạo từ UBND tỉnh về xây dựng quy chế phối hợp liên huyện (thành phố) để công tác quản lý tài nguyên KS ngày càng hiệu quả và bền vững như tinh thần của Chính phủ và tỉnh đã chỉ đạo.
 
MINH ĐẠO