Hiệu quả từ phối hợp bảo vệ rừng giữa kiểm lâm và công an

08:08, 22/08/2016

Thời gian vừa qua, CA Lâm Đồng nói chung và CA kinh tế (Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ - PC46) của tỉnh nói riêng đã có nhiều hỗ trợ đối với ngành kiểm lâm. Quá trình đấu tranh phòng chống cũng như đấu tranh xử lý, sự phối hợp chặt chẽ và khá quyết liệt, bước đầu đảm bảo được tính răn đe sau xử lý.

Thực hiện các Chỉ thị của Chính phủ và tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua, lực lượng Chi cục Kiểm lâm (CCKL) tỉnh và Công an (CA) tỉnh đã ban hành quy chế phối hợp làm việc. Đánh giá vấn đề này, ngày 18/8, Chi cục trưởng Kiểm lâm (KL) Lâm Đồng Nguyễn Khang Thiên nói: Thời gian vừa qua, CA Lâm Đồng nói chung và CA kinh tế (Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ - PC46) của tỉnh nói riêng đã có nhiều hỗ trợ đối với ngành kiểm lâm. Quá trình đấu tranh phòng chống cũng như đấu tranh xử lý, sự phối hợp chặt chẽ và khá quyết liệt, bước đầu đảm bảo được tính răn đe sau xử lý.
 
Lực lượng CA và KL khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng ở Lộc Bắc tháng 7/2016
Lực lượng CA và KL khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng ở Lộc Bắc tháng 7/2016
Phối hợp chặt chẽ 
 
Cùng làm việc với CCKL, PV Báo Lâm Đồng cũng đã trao đổi với Đại tá Phùng Tất Thành - Trưởng phòng Tham mưu, CA tỉnh Lâm Đồng. Ông Thành cho biết: Thời gian qua, Cơ quan CSĐT CA tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng KL trong công tác điều tra các vụ án trên lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR). Cụ thể như: Phối hợp trong việc xác minh ban đầu, khám nghiệm hiện trường, kiểm đếm, đo đạc, xác định mức độ thiệt hại; phối hợp trong việc thu thập tài liệu, xác định các đối tượng phạm tội, công cụ, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội…
 
Còn theo ông Nguyễn Khang Thiên, sự phối hợp chặt chẽ giữa CCKL và CA tỉnh, đặc biệt là với PC46 đã thực hiện rất có hiệu quả trong 2 lĩnh vực: đấu tranh phòng chống vi phạm và đấu tranh xử lý vi phạm. Trong lĩnh vực đấu tranh phòng chống vi phạm đã thực hiện các kế hoạch truy quét theo các Chỉ thị 12, 08, 1685 của Chính phủ và Chỉ thị 30 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng. Thông qua việc tổ chức nhiều đợt truy quét tại các điểm nóng, tình hình vi phạm Luật BV&PTR càng ngày càng giảm một cách rõ rệt.  
 
Sự sát sao của lãnh đạo ngành CA, công tác chỉ đạo phối hợp giữa 2 ngành CA và kiểm lâm đạt hiệu quả hơn; mặt khác, ngành CA sẽ tham mưu cho lãnh đạo tỉnh những nội dung có chất lượng hơn để góp phần trong chỉ đạo và lãnh đạo đúng đắn.     
 
Kết quả qua một số vụ án điển hình 
 
Tổng hợp thông tin từ Trưởng phòng Tham mưu Phùng Tất Thành và Chi cục trưởng Nguyễn Khang Thiên, chúng tôi nêu một số vụ án điển hình về vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng và hủy hoại rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thời gian gần đây. Vào cuối 2013, CCKL đã khởi tố vụ phá rừng trái phép tại tiểu khu (TK) 737A và 737B, sau đó vụ án phức tạp được chuyển PC46 tiếp tục điều tra xử lý và kết quả đã khởi tố vụ án, khởi tố nhiều bị can. Cuối năm 2014 - đầu năm 2015, tại khu vực rừng giáp ranh 2 huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên ở TK 528, 578, 536 và 527, CCKL kịp thời phát hiện và khởi tố vụ án khai thác gỗ trái phép, PC46 vào cuộc điều tra quyết liệt. Vụ khai thác gỗ này xảy ra từ tháng 11/2014, ngành KL và CA đã khám nghiệm và xác định có 213 cây bị hạ; tiến hành khởi tố để điều tra đối với 8 bị can và thu hồi toàn bộ số lâm sản bị thiệt hại với 491,304 m 3 gỗ. Ông Nguyễn Khang Thiên cho biết: Cả 2 vụ trên ban đầu chưa phát hiện được bị can, nhưng sau đó chuyển cho ngành CA và tiến hành điều tra nên phát hiện được nhiều bị can trong thời gian rất ngắn và xử lý triệt để. 
 
Một vụ khác, với 139 cây gỗ dầu bị cưa hạ, ước thiệt hại khoảng 200 m 3 xảy ra khoảng tháng 4/2015, tại TK 703 và 704 do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tam Hiệp huyện Di Linh quản lý. Sau khi phát hiện, CCKL giao cho Hạt KL Di Linh khởi tố vụ án và chuyển hồ sơ cho PC46 cùng CA Di Linh điều tra xử lý. Kết quả đã phát hiện 3 bị can là cán bộ của Công ty vi phạm và bị khởi tố, truy tố xét xử. Tháng 7/2015, CCKL lại phát hiện vụ phá rừng ở huyện Đam Rông tại TK 172, 178 và kịp thời phối hợp chặt chẽ với PC46 điều tra. Kết thúc vụ án này, hồ sơ được chuyển cho tòa án xử lý một số bị can. Đầu năm 2016, CCKL tiếp tục phát hiện vụ phá rừng tại TK 416 và 431 tại xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm và chuyển qua PC46. Cơ quan chức năng tiến hành khởi tố để điều tra đối với 1 bị can và hiện đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án. Ngoài ra, Đại tá Phùng Tất Thành còn cho biết thêm, có 2 vụ hủy hoại rừng tại TK 172 và 187 xã Đạ R’Sal, huyện Đam Rông, ngành chức năng đã khởi tố tổng cộng 6 bị can để điều tra. 
 
Gần đây nhất, đầu tháng 7/2016, vụ phá rừng phòng hộ xảy ra nghiêm trọng tại khu vực Công trình thủy điện Đồng Nai 5 thuộc địa bàn huyện Bảo Lâm. Vụ này được ngành KL và PC46, PC44, PC49, CA huyện Bảo Lâm đã và đang tích cực phối hợp với Bộ CA mở rộng điều tra, khám nghiệm hiện trường. Bước đầu, đã khởi tố 11 bị can để điều tra (trong đó đã bắt tạm giam 10 bị can; riêng đối tượng cầm đầu là Lê Hồng Hà (Hà đen) bỏ trốn, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định truy nã và bắt được đối tượng này vào ngày 18/8). Đại tá Phùng Tất Thành cho biết, hiện cơ quan chức năng đang điều tra mở rộng vụ án. 
 
Đánh giá chung về triển khai thực hiện quy chế phối hợp, Chi cục trưởng Nguyễn Khang Thiên khẳng định: Quá trình đấu tranh phòng chống cũng như đấu tranh xử lý nói chung phối hợp chặt chẽ và khá quyết liệt, bước đầu đảm bảo được tính răn đe sau xử lý. Sau những vụ án nghiêm trọng nêu trên, tình hình khai thác rừng trái phép tại các điểm nóng cơ bản đã được giảm thiểu. Nhờ đó, 6 tháng đầu năm 2016, tình hình công tác QLBVR ở tỉnh Lâm Đồng đã giảm được 28,4% số vụ vi phạm, tương đương với 278 vụ, diện tích bị phá giảm 33.000 m 3 (lấy tròn số). 
 
Sự phối hợp giữa ngành KL và ngành CA và các ngành chức năng liên quan trong công tác tuần tra truy quét đã ngăn chặn và xử lý nhiều vụ vi phạm về phá rừng, khai thác rừng, vận chuyển, mua bán lâm sản, khai thác khoáng sản trái phép. Tuy nhiên, để công tác QL&BVR ngày càng có hiệu quả hơn, vấn đề phối hợp giữa ngành CA và ngành KL ở cấp cơ sở như cấp xã và cấp huyện cần được nâng lên một bước về chất lượng. Nhất là trong tình hình vi phạm pháp luật BV&PTR, chống người thi hành công vụ còn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là tình hình khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép tại khu vực giáp ranh chưa được ngăn chặn triệt để. 
 
MINH ĐẠO