Công an tỉnh Lâm Đồng đã làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục làm chuyển biến nhận thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa cũng như sự cần thiết của công tác đặc xá.
Đặc xá tha tù trước thời hạn thể hiện sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước đối với người bị kết án tù có thời hạn, tù chung thân nhân các ngày lễ lớn của đất nước và Tết Nguyên đán của dân tộc. Trong những năm qua, Công an tỉnh Lâm Đồng tập trung chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục làm chuyển biến nhận thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa cũng như sự cần thiết của công tác đặc xá.
|
Phạm nhân được khám và cấp thuốc. Ảnh: Thành Đồng |
Sau khi Luật Đặc xá có hiệu lực vào ngày 1/3/2008, theo kế hoạch của Bộ Công an, Công an tỉnh Lâm Đồng đã tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội triển khai Luật Đặc xá trên toàn tỉnh. Chỉ đạo công an cấp huyện, đơn vị liên quan căn cứ vào chức năng nhiệm vụ để tổ chức triển khai các đợt tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức, nghiệp vụ pháp luật thuộc nội dung công tác đặc xá để thống nhất quán triệt thực hiện.
243 phạm nhân được tha tù trước thời hạn
Trại giam Đại Bình, thuộc Tổng cục VIII Bộ Công an, đóng trên địa bàn xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm vừa công bố quyết định giảm thời hạn chấp hành án cho các phạm nhân đang chấp hành án tại Trại.
Theo đó, trong đợt giảm án trước thời hạn lần thứ ba năm 2016 này, Trại giam Đại Bình có 243 người được tha tù trước thời hạn, trong đó phạm nhân có thời hạn giảm án nhiều nhất là 20 tháng, phạm nhân có thời hạn giảm án ít nhất là 6 ngày và 38 phạm nhân được giảm án đúng hết thời hạn thụ án.
Theo Đại tá Hà Tuất, giám thị Trại giam Đại Bình, những người được giảm án lần này là những người luôn cố gắng, nỗ lực vươn lên để thực hiện tốt án phạt tù và chấp hành nghiêm nội quy trong thời gian cải tạo. Được biết, Trại giam Đại Bình hiện có hơn 1.400 phạm nhân.
TRỊNH CHU
|
Trong 8 năm thi hành Luật Đặc xá (2008 - 2015), Công an tỉnh đã mở 2 hội nghị với 425 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia (CBCS); 1.025 phạm nhân được phổ biến, 5 đợt tập huấn với 265 lượt CBCS tham gia. Tổng số người chấp hành án phạt tù tại trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện được đặc xá là 268 người (253 nam, 15 nữ). Tổng số người được đặc xá theo thông báo của Bộ Công an gửi địa phương Lâm Đồng là 1.127 người, trong đó về cư trú đúng địa chỉ Lâm Đồng là 1.106 người, 21 người có thông báo nhưng không trở về địa phương.
Xác định công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục và giúp đỡ người được đặc xá là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, Công an tỉnh Lâm Đồng đã tham mưu UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, cơ quan, ban, ngành cụ thể trong việc tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương góp phần hoạch định chính sách an sinh xã hội và đảm bảo ANTT toàn quốc nói chung, Lâm Đồng nói riêng. Mọi trường hợp được đặc xá tù tha về địa phương khi có nhu cầu cấp, đổi Chứng minh nhân dân đều được hướng dẫn, cấp đổi kịp thời theo quy định. Công an các địa phương trong tỉnh thời gian qua đã làm tốt công tác tiếp nhận, hướng dẫn người được đặc xá làm thủ tục đăng ký hộ khẩu, xóa án tích theo quy định của pháp luật.
Mặc khác, công tác phối hợp giữa cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh Lâm Đồng với TAND, VKSND tỉnh trong việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá trường hợp đặc biệt cho người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù ở địa phương sau khi Chủ tịch nước có quyết định đặc xá cho phạm nhân, cho người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đang ở ngoài xã hội được tiến hành rà soát, lên danh sách cụ thể cho từng đợt. Việc tiếp nhận và giải quyết đơn thư về đặc xá của phạm nhân, thân nhân được thực hiện theo đúng quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và Điều 168 và Điều 169 Luật Thi hành án hình sự.
Trong thời gian vừa qua, phần lớn người được đặc xá khi trở về địa phương Lâm Đồng sinh sống luôn được sự quan tâm của gia đình, chính quyền các cấp, các ban, ngành nên họ an tâm tư tưởng, chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương nơi cư trú. Tích cực tham gia lao động, sản xuất, ổn định cuộc sống và hưởng ứng công tác xã hội. Qua đó, hạn chế đến mức thấp nhất tình hình tái phạm tội và vi phạm pháp luật.
Bùi Đức Tú