Thi hành án dân sự - những vấn đề đặt ra

09:09, 26/09/2016

Thi hành án dân sự đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống pháp luật, xã hội, cần phải được thực thi có kết quả, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh sự điều chỉnh của Luật THA có hiệu lực, đảm bảo cho việc THADS đúng luật, đạt kết quả, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra xung quanh việc thực thi nhiệm vụ của ngành THADS.

Thi hành án dân sự (THADS) đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống pháp luật, xã hội, cần phải được thực thi có kết quả, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh sự điều chỉnh của Luật THA có hiệu lực, đảm bảo cho việc THADS đúng luật, đạt kết quả, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra xung quanh việc thực thi nhiệm vụ của ngành THADS.
 
Ông Trần Hữu Thọ - Cục trưởng Cục THADS tỉnh Lâm Đồng cho hay: THADS vốn là lĩnh vực hết sức khó khăn, phức tạp, bởi liên quan đến lợi ích của con người và các tổ chức kinh tế, xã hội. Trong đó, THADS các bản án có hiệu lực giữa cá nhân, tổ chức với các tổ chức kinh tế (Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng) có phần đỡ khó khăn, phức tạp hơn, bởi khi vay vốn, các cá nhân, tổ chức phải thế chấp tài sản và khi không trả được nợ, phải khởi kiện đến tòa án và khi tòa án đưa ra phán quyết, án có hiệu lực pháp luật, thì ngành THADS sẽ tổ chức Thi hành án (THA), tiến hành kê biên, bán đấu giá tài sản để thanh toán nợ cho cá nhân, tổ chức được THA. Riêng THADS giữa cá nhân với cá nhân thì rất khó khăn, phức tạp, bởi đối với các bản án đã có hiệu lực, có giấy tờ vay mượn, có tài sản thì việc kê biên, phát mãi tài sản dù tiến hành được, nhưng cũng gặp không ít khó khăn, bởi các cá nhân bị THA tìm cách chống đối việc THA, hoặc tìm cách “lách luật” để kéo dài việc THA. Đối với các bản án tuyên các đối tượng phải THA không có tài sản, hoặc không có địa chỉ cụ thể, hoặc khi án có hiệu lực bỏ trốn đi khỏi địa phương, thì việc tổ chức THADS gặp vô cùng khó khăn, nan giải. Đặc biệt, đối với các loại án, xuất phát từ huê hụi, bể hụi, gán nợ cho nhau, hoặc làm ăn với nhau bị thua lỗ, phá sản, gán nợ cho nhau, khởi kiện ra tòa, tòa tuyên án, nhưng người bị THA không có tài sản, giấy tờ vay mượn, hoặc tài sản đã bị cầm cố, xiết nợ, thì việc THADS gặp vô cùng khó khăn, THA kéo dài, vừa tốn kém sức người, sức của, vừa không mang lại kết quả, mất lòng tin của người được THA vào các cơ quan pháp luật.
 
Hiện ngành THADS có 158/162 biên chế, trong đó có 70 chấp hành viên, 10 thẩm tra viên và 30 thư ký THA... Mặt khác, ngành THADS đã thường xuyên chú trọng việc bồi dưỡng nghiệp vụ và nâng cao ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, viên chức, chấp hành viên, nên đã từng bước chủ động trong việc thực thi nhiệm vụ được giao. Vì thế, mặc dù, THASD là lĩnh vực khó khăn, nhạy cảm, nhưng những năm qua, Cục THADS tỉnh Lâm Đồng vẫn hoàn thành tương đối tốt nhiệm vụ được giao, được xếp vào tốp khá của ngành trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Từ đầu năm đến ngày 20/9/2016, toàn ngành THADS tỉnh đã THA được 6.674 vụ/10.756 vụ có điều kiện THA, đạt 64,36%, với số tiền 255,650 tỷ đồng, đạt gần 29%. Nếu so với chỉ tiêu do Tổng cục THADS Việt Nam giao, số vụ việc THA đạt 72%, số tiền đạt 32%, thì đến hết tháng 9/2016 (số liệu năm của ngành THADS được tính từ 30/9 năm trước, đến 30/9 năm sau) ngành THADS tỉnh Lâm Đồng có khả năng hoàn thành, hoặc vượt chỉ tiêu giao của năm 2016.
 
Tuy nhiên, cũng theo ông Trần Hữu Thọ, vấn đề ngành THADS tỉnh Lâm Đồng vẫn còn gặp khó khăn hiện nay là số vụ án do ngành tòa án tuyên không có địa chỉ cụ thể, không có điều kiện THA vẫn còn lớn. Nhất là trong lĩnh vực huê hụi, hiện chưa có chế tài của pháp luật, nên khi tòa tuyên những vụ liên quan đến huê hụi, gán nợ cho nhau, rất khó tổ chức THADS. Đây là những khó khăn trước mắt, cũng như lâu dài, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh của ngành tòa án và chế tài pháp luật của cấp trên.
 
HOÀNG VƯƠNG MỸ