"Tín dụng đen" - con dao hai lưỡi

08:10, 12/10/2016

"Tín dụng đen" là cụm từ dùng để chỉ các dạng huy động và cho vay tín dụng không qua hệ thống ngân hàng, không đăng ký kinh doanh, chưa được cấp phép. 

“Tín dụng đen” là cụm từ dùng để chỉ các dạng huy động và cho vay tín dụng không qua hệ thống ngân hàng, không đăng ký kinh doanh, chưa được cấp phép và chưa chịu sự quản lý chính thức bởi bất cứ cơ quan nhà nước nào.
 
Thời gian qua, trên địa bàn huyện Đức Trọng đã xảy ra một số vụ việc liên quan đến “tín dụng đen”. Điều đáng nói, cả người cho vay và người đi vay đều có khả năng rơi vào vòng xoáy pháp luật.
 
Từ… vay mượn
 
Công an huyện Đức Trọng cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn huyện đã xảy ra 3 vụ việc với số tiền trên 500 triệu đồng đã được cơ quan CSĐT Công an huyện gửi hồ sơ lên cơ quan CSĐT Công an tỉnh để tiến hành điều tra làm rõ. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, có hàng trăm đơn thư của người dân gửi đến liên quan đến vấn đề cho vay mà người vay không có khả năng chi trả, hoặc bỏ trốn, khiến người cho vay phải rơi vào cảnh khốn đốn, vì có người phải đi mượn tiền của bạn bè, người thân để cho người khác vay.  
 
Hoạt động “tín dụng đen” là sự giao dịch ngầm, nội bộ, có lãi suất huy động và cho vay cao, trong khi thủ tục thực hiện thì vô cùng đơn giản. Hoạt động này chủ yếu dựa vào lòng tin, do vậy thông thường lần đầu tiên vay tiền chỉ cần trả đủ nợ, đúng thời hạn thì lần sau sẽ dễ dàng vay tiếp. 

Đơn cử, bà Lê Thị Hoàng Oanh (trú tại thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng) tố cáo Trần Thị Thu Nguyệt (trú cùng thị trấn) đã vay của mình số tiền là 860 triệu đồng, khi không có khả năng chi trả bà Nguyệt đã bỏ trốn. Tập thể hộ dân Hiệp Thạnh có đơn trình về việc bà Phan Thị Hồng Chị (trú tỉnh Bến Tre) mượn của nhiều người số tiền trên 4 tỷ đồng, sau đó bỏ trốn. Hay, Đinh Thị Sợi (trú Hiệp Thạnh, Đức Trọng) đã mượn của nhiều người ở địa phương mà không có khả năng chi trả.

 
Trong các đơn thư của cơ quan CSĐT Công an huyện Đức Trọng tiếp nhận chỉ dưới hình thức “mượn tiền” không trả. Như vụ việc của bà Trần Thị Tươi (trú tại xã Bình Thạnh, Đức Trọng) tố cáo bà Hoàng Thị Hoa mượn tiền không trả, Phạm A Mộc (trú thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng) tố cáo Nguyễn Thị Thiên Hương mượn của mình 200 triệu đồng không trả.
 
Một cán bộ Đội CSHS Công an huyện Đức Trọng cho biết, đa phần các vụ việc “tín dụng đen” mang tính chất dân sự, nên trong quá trình củng cố hồ sơ rất khó cho cơ quan điều tra. Thời gian qua, chúng tôi đã có nhiều biện pháp để tuyên truyền và định hướng cho người dân về vấn đề này, nếu cần vay mượn thì đã có hệ thống tín dụng chính thống hay khi cho vay cần phải xác định được khả năng chi trả của người vay.
 
Đến… đòi nợ thuê
 
Về bị hại trong “tín dụng đen” thường là các tiểu thương, công nhân, nông dân hoặc dân nghèo có nhu cầu về tài chính cấp thiết, những người này có trình độ hiểu biết thấp và suy nghĩ không thấu đáo nên khi dính vào “tín dụng đen” vô hình chung họ trở thành nạn nhân. 
 
Đối với những đối tượng lợi dụng “tín dụng đen” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thường huy động vốn với lãi suất cao, trả lãi đều, uy tín trong thời gian đầu, đủ để người cho vay tin tưởng. 
 
Một số trường hợp các đối tượng còn phô trương thanh thế bằng những chiêu trò đánh bóng tên tuổi như thuê biệt thự, siêu xe và tự nhận mình là người thân của những cán bộ cao cấp, có chồng hay con làm ở những nơi mà mức lương lên đến vài chục triệu, vài trăm triệu đồng/tháng… 
 
Thị trấn Liên Nghĩa là đầu tàu kinh tế của toàn huyện Đức Trọng, cùng với sự phát triển đó, nhu cầu ngầm về “tín dụng đen” là rất cao. Bà Chu Thị Tường Vi, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Liên Nghĩa cho hay: “Tín dụng đen” diễn ra trong thời gian qua đã làm mất ổn định về kinh tế và an ninh - trật tự, bởi có nhiều nơi hoạt động này được thực hiện một cách trá hình như mở tiệm cầm đồ, dịch vụ cho mượn tiền để đáo hạn ngân hàng... Nhìn chung, bẫy “tín dụng đen” thường được giăng cho những người có mối quan hệ thân thiết với nhau: gia đình, hàng xóm, họ hàng, bạn bè…  Thực chất nếu không có một mối quan hệ hay hiểu biết gì về nhau thì rất khó để xảy ra các hoạt động giao dịch “tín dụng đen”. Vì vậy, người dân cần tỉnh táo để chọn cho mình một phương thức tín dụng phù hợp nhất để khỏi lao đao trong vòng xoáy vi phạm pháp luật”. 
 
Hoạt động “tín dụng đen” được giao dịch ngầm với nhau và không thể hiện mức lãi suất hay ngày trả thì chỉ còn nước thuê người đi đòi nợ. Và, trên địa bàn huyện Đức Trọng trong những ngày qua đã xảy ra một trường hợp thuê người đi đòi nợ. Cụ thể, một nhóm đối tượng do Nguyễn Văn Đức cầm đầu gồm 12 người đã thuê 3 xe taxi và cầm theo hung khí gồm dao, gậy gỗ đi đòi nợ thuê. Tuy nhiên, trong lúc đi đòi nợ, cả nhóm đã bị Công an huyện Đức Trọng bắt giữ. Hiện vụ việc đang được tiến hành làm rõ.
 
ĐỨC TÚ