Cán bộ quản giáo chúng tôi đang nói đến là Ðại úy Lê Hữu Dương, cán bộ Trại giam Ðại Bình (Bộ Công an), một người luôn "cháy hết mình" với công việc, sống hòa đồng, gần gũi với phạm nhân và kịp thời phát hiện ra nguyên nhân khiến phạm nhân "bất mãn" để động viên, giáo dục, cảm hóa giúp họ sớm trở thành những công dân tốt.
Cán bộ quản giáo chúng tôi đang nói đến là Ðại úy Lê Hữu Dương, cán bộ Trại giam Ðại Bình (Bộ Công an), một người luôn “cháy hết mình” với công việc, sống hòa đồng, gần gũi với phạm nhân và kịp thời phát hiện ra nguyên nhân khiến phạm nhân “bất mãn” để động viên, giáo dục, cảm hóa giúp họ sớm trở thành những công dân tốt.
|
Đại úy Lê Hữu Dương |
Anh Dương tâm sự, được vào ngành công an đối với anh là một cái duyên và cũng là một quá trình nỗ lực phấn đấu. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, năm 1999, chàng trai trẻ Lê Hữu Dương rời vùng quê nghèo Vĩnh Linh (Quảng Trị) khăn gói vào Đắk Lắk đi làm thuê kiếm sống. Hai năm sau, gia đình nhận được giấy triệu tập đi thực hiện nghĩa vụ công an và sau đó được cấp trên điều động tới công tác nghĩa vụ tại Trại giam Đại Bình (huyện Bảo Lâm).
Theo Đại úy Dương, quản giáo ở trại giam là nghề đặc biệt nguy hiểm, bởi phạm nhân phần lớn là những đối tượng coi thường tính mạng của chính họ và người khác. Do đó, ngoài việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của trại giam, muốn cảm hóa được phạm nhân thì người cán bộ quản giáo phải tâm huyết và “cháy hết mình”với nghề.
Và, một trường hợp điển hình mà Đại úy Dương đã dùng nhân tâm để thu phục, cảm hóa gần đây đó là phạm nhân Lê Bá Long (49 tuổi), ngụ tại TP Hồ Chí Minh chấp hành án 10 năm tù về tội buôn bán chất ma túy từ năm 2009.
Đại úy Dương kể: “Trong thời gian dài, phạm nhân Long luôn có thái độ bất cần, chống đối và sống không có tổ chức, kỷ luật trong trại giam. Thậm chí nhiều lần còn có hành vi thách thức, chống đối, hăm dọa cán bộ quản giáo. Là người trực tiếp quản lý, nên đã nhiều lần bị phạm nhân Long chống đối, đe dọa, nhưng tôi luôn nhủ lòng mình hãy nhẫn nại, không ác cảm, áp đặt với phạm nhân này. Nhận thấy các phạm nhân khác luôn có người nhà tới thăm hỏi, động viên, còn phạm nhân Long thì từ khi vào trại đã được mấy năm mà không có một ai tới thăm hỏi, tôi biết đây chính là nguyên nhân khiến phạm nhân này bất mãn, nảy sinh hành vi bất cần đời trong trại giam”.
Cũng từ đó, anh Dương dành nhiều thời gian để nói chuyện, động viên và giúp phạm nhân Long hòa nhập với các phạm nhân khác bằng việc tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ, thể dục - thể thao… do Trại giam Đại Bình tổ chức. Ngoài ra, vào những dịp lễ, tết, khi các phạm nhân khác có người nhà tới thăm hỏi, gửi quà tết, Đại úy Dương còn động viên các phạm nhân chia sẻ “hương vị tết” với phạm nhân Long. Bản thân anh Dương cũng dành những món quà nho nhỏ để tặng cho phạm nhân này. Điều đó khiến Lê Bá Long hết sức cảm động, dần dần nhận ra những lỗi lầm của mình. Nhờ vậy mà trong vài năm gần đây, phạm nhân Lê Bá Long không chỉ là người cải tạo tốt mà còn là cây văn nghệ của trại giam. Long cũng đoạt giải nhất Cuộc thi viết về “Cuốn sách tôi yêu” dành cho phạm nhân toàn trại giam.
Dùng nhân tâm để thu phục lòng người đó là cách làm việc của Đại úy Lê Hữu Dương trong suốt 15 năm công tác tại Trại giam Đại Bình. Không những thế, anh Dương còn có cái tầm để bao quát, nắm bắt và phát hiện những vi phạm trong trại giam của phạm nhân để kịp thời giáo dục, răn đe, chấn chỉnh. Cụ thể, trường hợp phạm nhân Thảo “ma” móc nối với công nhân nhà xưởng của trại giam đưa cần sa vào trong trại giam, ngụy trang bằng hộp C sủi đã bị Đại úy Dương kịp thời phát hiện báo với cấp trên tiến hành khám xét, bắt giữ khối lượng cần sa này.
“Cái được lớn nhất mà Đại úy Dương mang lại cho phạm nhận đó là giúp họ thấy được những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, có động lực lớn với quyết tâm làm lại cuộc đời, từ đó tập trung cải tạo tốt, sớm tái hòa nhập cộng đồng, trở thành công dân tốt cho xã hội …” - Đại tá Hà Tuấn, Giám thị Trại giam Đại Bình cho biết.
KHÁNH PHÚC