Lâm Đồng: Thực hiện tốt Luật Khiếu nại, Tố cáo

08:11, 25/11/2016

Xác định công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và liên tục nhằm ổn định tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội, UBND tỉnh Lâm Ðồng trong thời gian qua đã lãnh đạo, chỉ đạo và quán triệt sâu sắc việc thực hiện Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo đến các đơn vị và người dân.

Xác định công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và liên tục nhằm ổn định tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội, UBND tỉnh Lâm Ðồng trong thời gian qua đã lãnh đạo, chỉ đạo và quán triệt sâu sắc việc thực hiện Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo đến các đơn vị và người dân.
 
Thường xuyên tiếp xúc và lắng nghe ý kiến từ cơ sở góp phần giảm tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo. Trong ảnh: Cử tri xã Tà Nung kiến nghị đại biểu Quốc hội quan tâm giải quyết việc ô nhiễm môi trường. Ảnh: N.Thu
Thường xuyên tiếp xúc và lắng nghe ý kiến từ cơ sở góp phần giảm tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Trong ảnh: Cử tri xã Tà Nung kiến nghị đại biểu Quốc hội quan tâm giải quyết việc ô nhiễm môi trường.
Ảnh: N.Thu
Dần đi vào nề nếp
 
Năm 2011, Luật Khiếu nại và Tố cáo được ban hành và có hiệu lực, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Chỉ thị số 05/2012/CT-UBND về việc chấn chỉnh công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh, qua đó, UBND tỉnh ban hành 35 văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh đối với các sở, ban, ngành và huyện, thành. 
 
Trước thời điểm 2012, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng triển khai đồng loạt nhiều công trình dự án có diện tích đất thu hồi lớn, liên quan đến nhiều hộ gia đình, cá nhân để phát triển kinh tế, xã hội, chỉnh trang đô thị nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, xã hội như: thủy điện Đồng Nai 3, thủy điện Đại Ninh, khu công nghiệp Lộc Sơn, Phú Hội, sân bay Liên Khương, khu dân cư Ánh Sáng, Quảng trường Trung tâm, khu quy hoạch Đinh Tiên Hoàng - Bùi Thị Xuân, Ngô Quyền… Khi đó lượng đơn thư liên quan đến việc đòi lại nhà cũ, đất cũ, đất đưa vào hợp tác xã trong quá trình thực hiện chính sách phát sinh nhiều nên tình hình trở nên phức tạp, có lúc gay gắt.
 
Nắm bắt yêu cầu của thực tiễn, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt tập trung giải quyết đơn thư, xác định rõ ràng nguyên nhân khách quan và chủ quan phát sinh các vụ việc. 
 
Từ năm 2012 - 2016, tổng số vụ việc liên quan đến khiếu nại là 3.811 vụ, đã giải quyết 3.733 vụ; trong đó có 686 vụ việc rút đơn, đình chỉ giải quyết, 278 vụ việc khiếu nại đúng, 112 vụ việc có đúng, có sai, 2.657 vụ hoàn toàn sai. Giải quyết 377 vụ việc tố cáo, 43 vụ đúng, 46 vụ có đúng có sai, 288 vụ sai hoàn toàn. 
 
Tuy nhiên, một số vụ việc trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã được giải quyết đúng pháp luật nhưng vẫn còn khiếu nại do nhận thức pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế. Trước tình hình này, UBND tỉnh đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh chủ động kiểm tra, rà soát và tham mưu hướng giải quyết, không để phát sinh điểm nóng. 
 
Mặt khác, Thanh tra tỉnh và Sở Tư pháp tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, công chức, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác tiếp dân, giải đáp vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật. UBND các huyện, thành đã tổ chức 222 đợt tuyên truyền đến trên 13.500 lượt người trực tiếp làm công tác khiếu nại, tố cáo, 1.219 đợt phổ biến pháp luật đến 67.500 lượt người dân tham dự. Phát hành hơn 9.000 tài liệu, 152.000 tờ gấp tuyên truyền, 74 đĩa CD liên quan đến giáo dục pháp luật khiếu nại, tố cáo. 
 
Qua việc triển khai đồng bộ các giải pháp, nhận thức pháp luật về khiếu nại, tố cáo của người dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được nâng lên một cách rõ rệt. Số đơn thư khiếu nại giảm dần qua các năm, khiếu kiện đông người giảm dần về số lượng lẫn quy mô. Công tác phối hợp trong việc giải quyết nội dung này của các cấp chính quyền và các tổ chức đoàn thể được tăng cường. Với những nỗ lực nêu trên, tại Hội nghị trực tuyến về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trên cả nước, tỉnh Lâm Đồng được đánh giá là một địa bàn ổn định về tình hình khiếu nại, tố cáo ở khu vực Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.
 
Ðất đai vẫn là “điểm nóng”
 
Trong những năm qua, đơn thư khiếu nại về đất đai hoặc có liên quan đến đất đai chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số đơn thư khiếu nại mà cơ quan nhà nước đã thụ lý, giải quyết…
 
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) tỉnh Lâm Đồng hằng năm đơn thư khiếu nại về đất đai chiếm tỷ lệ khoảng 85% tổng số đơn thư mà sở tiếp nhận hoặc được Chủ tịch UBND tỉnh giao nhiệm vụ thẩm tra, xác minh.
 
Thông thường, nội dung khiếu nại thường liên quan đến khiếu nại bồi thường, hỗ trợ tái định cư, khiếu nại liên quan đến việc cấp và thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khiếu nại việc cưỡng chế, xử phạt hành chính, đòi lại đất cũ, các tranh chấp về đất đai… 
 
Từ năm 2012 đến năm 2016, Sở TN&MT đã thẩm tra, xác minh và tham mưu UBND tỉnh giao giải quyết trên 621 đơn khiếu nại (lần 2) về đất đai, trong đó giải quyết bằng quyết định hành chính 532 đơn, giải thích và thuyết phục người khiếu nại rút lại 67 trường hợp trong tổng số 1.665 đơn nhận được (trung bình 170 đơn/năm). Theo thống kê, khoảng 84% số quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND tỉnh bị khởi kiện được TAND công nhận là đúng, 7% bị tuyên hủy và 9% bị tuyên hủy một phần do hồ sơ không đầy đủ chứng cứ pháp lý hoặc áp dụng pháp luật chưa đúng. Chỉ trong thời gian từ tháng 10/2015 đến tháng 9/2016, tổng số đơn thuộc thẩm quyền phải xử lý của sở là 130 đơn, trong kỳ là 125 đơn, tồn kỳ chuyển sang là 5 đơn. 
 
Sở dĩ tình hình khiếu nại về đất đai ở địa bàn tỉnh Lâm Đồng vẫn còn chiếm tỉ lệ lớn là do việc thu thập chứng cứ không đầy đủ, điều kiện khách quan về hồ sơ lưu trữ không tìm được chứng cứ theo yêu cầu. Tài liệu để giải quyết khiếu nại là hệ thống dữ liệu lưu trữ đất đai đã qua nhiều thời kỳ nên không còn chính xác, nhất là bản đồ địa chính biến động qua nhiều thời kỳ nên cơ sở pháp lý giải quyết không đảm bảo. 
 
Nhiều trường hợp khiếu nại về công nhận quyền sử dụng đất đều liên quan đến nguồn gốc đất đai. Đối với đặc điểm của tỉnh Lâm Đồng, việc xác định nguồn gốc quá trình sử dụng để công nhận quyền sử dụng đất càng hết sức khó khăn, nhất là những diện tích đất có nguồn gốc là đất lâm nghiệp hoặc được quy hoạch là đất lâm nghiệp. Việc áp dụng các quy định về bồi thường, tái định cư để giải quyết đơn thư khiếu nại là một công việc hết sức khó khăn của người trực tiếp giải quyết. Chính sách bồi thường của địa phương được ban hành đầy đủ, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng và bao quát hết tình huống thực tiễn khi bước vào triển khai. 
 
Thời gian qua, mặc dù đã giải quyết một khối lượng đơn thư khiếu nại tương đối lớn, song tỉ lệ đơn khiếu nại giải quyết trễ hạn còn khoảng 20%. Nói về vấn đề này, ông Lê Văn Ba, Phó chánh Thanh tra Sở TN&MT cho biết: “Bên cạnh kết quả đã đạt được, việc tham mưu giải quyết khiếu nại vẫn còn tồn tại những mặt hạn chế như một số vụ việc khiếu nại tuy đúng pháp luật nhưng thời gian thẩm tra, xác minh kéo dài. Số lượng đơn thư quá nhiều trong khi đó lực lượng trực tiếp tiến hành hoạt động thanh tra còn mỏng, nhiều vụ việc phải thực hiện việc đối thoại nhiều lần, xin ý kiến của UBND tỉnh, Hội đồng tư vấn pháp luật tỉnh nên mất rất nhiều thời gian”.  
 
Đánh giá đúng vai trò của công tác tuyên truyền, giải thích pháp luật đến với công dân nhất là trong nội dung khiếu nại về đất đai, Sở TN&MT đã có nhiều biện pháp nhằm đảm bảo lợi ích của người khiếu nại, nâng cao chất lượng giải quyết và tính khách quan trong khi xử lý các vụ việc, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để phát triển kinh tế của tỉnh và các địa phương.
 
ÐỨC TÚ