Lằn ranh mong manh

08:11, 16/11/2016

Sử dụng, buôn bán, tù tội là con đường tất yếu của những con người đang ngày đêm lấy ma túy "đá" làm thú vui. Lằn ranh mong manh đó đang len lỏi vào từng ngóc ngách của những làng quê vốn rất yên bình.

Sử dụng, buôn bán, tù tội là con đường tất yếu của những con người đang ngày đêm lấy ma túy “đá” làm thú vui. Lằn ranh mong manh đó đang len lỏi vào từng ngóc ngách của những làng quê vốn rất yên bình.
 
Lê Nhật Hải Âu và Nguyễn Đức Quốc tại phiên tòa xét xử lưu động. Ảnh: Ð. Anh
Lê Nhật Hải Âu và Nguyễn Đức Quốc tại phiên tòa xét xử lưu động. Ảnh: Ð. Anh
Trời âm u kèm theo những hạt mưa lất phất khiến không khí phòng xử án trở nên lạnh lẽo hơn. Bước vào phòng xử, Quốc ở tuổi 23 với dáng người dong dỏng cao, Âu dáng người nhỏ nhắn nhưng già dặn lứa tuổi ngoài 30, từng đã có một đời chồng và một đứa con. Cả hai được đưa ra xét xử lưu động tại xã Lộc An (huyện Bảo Lâm) - nơi hai đối tượng thường xuyên giao nhận “hàng” trước đây - vì tội mua bán trái phép chất ma túy. Ánh mắt ráo hoảnh tìm kiếm người thân bỗng hoe đỏ khi Âu thấy mẹ co ro trong gió lạnh và nấc nghẹn từng hồi khi thấy con. Quốc cũng không ngoại lệ khi được ba khoác lên mình chiếc áo ấm và mang theo cho Quốc nhiều đồ ăn thức uống. Dù hội đồng xét xử nhiều lần gặng hỏi lý do sử dụng ma túy đá, cả hai chỉ cúi đầu lí nhí: “Muốn thử cho biết chứ không có ai dụ dỗ”. Thử cho biết, biết rồi nghiện và nghiện rồi thì phải buôn bán để có tiền sử dụng tiếp. 
 
Ngày 4/11, TAND huyện Bảo Lâm đã mở phiên tòa xét xử lưu động tại xã Lộc An và tuyên phạt Lê Nhật Hải Âu (34 tuổi, ngụ tại Đà Lạt) 7 năm tù và Nguyễn Đức Quốc (23 tuổi, ngụ tại xã Lộc An, huyện Bảo Lâm) 3 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy. Trong thời gian từ tháng 12/2015 đến tháng 2/1016, Âu và Quốc thường mua ma túy về sử dụng, đồng thời bán lại cho các con nghiện để thu lợi. Đến ngày 6/2/2016, Quốc đang bán ma túy cho Chu Đình Đạt thì bị Công an xã Lộc An bắt giữ với tang vật là 0,2543 gam ma túy đá.  Khám xét tại phòng Âu thuê tại một nhà nghỉ, cơ quan điều tra còn thu giữ 1 bộ dụng cụ sử dụng ma túy đá, 1 bịch ma túy đá và nhiều vật dụng khác. 

Trả lời tại phiên tòa, cả Âu và Quốc đều không nhớ bắt đầu sử dụng và đã buôn bán ma túy đá khi nào. Nhưng bút lục tại phiên xét xử đã được chủ tọa phiên tòa nêu rõ: Để có tiền sử dụng ma túy, Âu đã 16 lần bán ma túy đá cho một số đối tượng tại Bảo Lộc và 4 lần bán ma túy đá tại xã Lộc An (huyện Bảo Lâm). Hầu hết những lần buôn bán này, Quốc đều là người đi giao “hàng” và thu tiền. Để “trả công” cho Quốc, Âu đã nhiều lần gọi Quốc đến “cắn” ma túy miễn phí. Âu cũng khai nhận, nguồn ma túy đá được Âu lấy của một người tại xã Lộc Nam (huyện Bảo Lâm). Đến ngày bị bắt, Âu đã 4 lần lấy ma túy đá của người này với số tiền tổng cộng là 10 triệu đồng. Tuy nhiên, qua điều tra, đối tượng ở xã Lộc Nam không thừa nhận và cơ quan điều tra cũng không có căn cứ để xử lý. 

Có mặt tại phiên xét xử này còn có Chu Đình Đạt, 23 tuổi, ngụ tại xã Lộc An. Đạt có mặt với tư cách là người có liên quan vì đã nhiều lần mua ma túy của Âu để sử dụng. Đạt sẽ bị xét xử trong một phiên tòa khác vì trong quá trình điều tra vụ án này Đạt đã không có mặt ở nơi cư trú. Đạt có mặt tại phiên tòa một mình, đầu cạo trọc, thân hình gầy nhom với nước da xanh xao. Đạt bảo mua ma túy đá 6 lần với số tiền hơn 1,2 triệu đồng. Để có số tiền này, Đạt phải xin của mẹ. Nghe thế, ai có mặt tại phiên tòa cũng không khỏi xót lòng.
 
Luôn mạch lạc trong từng câu chữ khi trả lời Hội đồng xét xử nhưng khi hỏi đến con nhỏ, Âu lại lạc giọng. Âu xin không trả lời vì sao sử dụng ma túy vì theo Âu “dù có lý do gì thì cũng chỉ là biện hộ”. Âu cũng không nói lời nói sau cùng tại tòa để xin giảm nhẹ mức án, dù trước đó, Âu nhiều lần nói rằng mình rất ân hận, ray rứt trong suốt thời gian bị tạm giam. 
 
Còn Quốc chỉ xin được xử án nhẹ để mau về với gia đình. Điều này cũng nhiều lần được mẹ Quốc trình bày với Hội đồng Xét xử. Bà nói: Ở nhà, Quốc lúc nào cũng quanh quẩn và làm vườn cùng mẹ, chưa bao giờ đi chơi quá 9 giờ đêm không về. Là mẹ mà tôi thiếu hiểu biết, không biết con mình bị nghiện ngập, để con mình sa vào đường phạm tội nên tôi cũng rất ân hận, chỉ mong con được nhẹ tội. 
 
Vị Hội thẩm nhân dân Lê Khắc Niên tham gia xét hỏi tại phiên tòa cứng rắn với hai bị cáo rằng: “Sử dụng, buôn bán ma túy là gieo rắc cái chết trắng, là tự làm khổ mình và khổ mọi người. Cả hai bị cáo đều nhận thức rõ được điều ấy nhưng tại sao vẫn làm?”. Nhưng rồi, ông lại dịu giọng: “Hai bị cáo đang ở lứa tuổi đầy năng lượng để giúp ích cho gia đình và xã hội, nên khi có cơ hội cống hiến thì phải nhớ lấy điều này!”. 
 
Còn vị hội thẩm Bùi Xuân Quý (từng là Bí thư Huyện Đoàn Bảo Lâm), nói như nhắn nhủ với các bị cáo và những thanh niên có mặt tại phiên tòa: “Tác hại của ma túy là rất lớn, ma túy không chỉ gây hại cho bản thân mà còn gây hại cho rất nhiều người. Có nhiều người sau khi sử dụng ma túy đá đã gây gổ, thậm chí gây thương tích hoặc giết hại cả người thân trong gia đình. Vì vậy, điều tôi nhắc lại không lúc nào thừa là không nên thử ma túy dù chỉ một lần”.
 
Trình bày luận tội tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện Bảo Lâm cho rằng, hành vi mua bán ma túy đá là nguy hại cho xã hội, xâm hại đến trật tự an toàn xã hội và gây phát sinh nhiều vấn đề xã hội khác. Phiên tòa kết thúc, bản án được Hội đồng Xét xử tuyên trong tiếng “nhạc nền” của một đám cưới nhà bên cạnh hội trường. Hình ảnh, âm thanh như không mấy liên quan nhưng hình ảnh người cha, người mẹ rạng ngời trong đám cưới lại làm tôi liên tưởng tới cha mẹ của các bị cáo. Bất cứ bậc cha mẹ nào cũng muốn vun đắp cho con cái. Vun đắp cho con trưởng thành, vun đắp cho con có việc làm ổn định, vun đắp cho con thành vợ thành chồng. Không ai muốn con mình phạm pháp, tù tội. Và lời của vị Hội thẩm Nhân dân từng làm Bí thư Đoàn lại có ý nghĩa hơn bao giờ hết: “Người phạm tội ma túy đau khổ một thì người thân đau khổ gấp nhiều lần vì con em phải đi tù còn phải chịu điều tiếng với xã hội. Các bạn còn trẻ, còn có cơ hội làm lại thì hãy sống thật tốt, không đua đòi nghiện hút”. 
                          
ÐÔNG ANH