Lâm Ðồng là một trong 9 tỉnh, thành phố được đánh giá làm tốt công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là đơn thư khiếu nại tồn đọng, kéo dài, phức tạp.
Lâm Ðồng là một trong 9 tỉnh, thành phố được đánh giá làm tốt công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là đơn thư khiếu nại tồn đọng, kéo dài, phức tạp.
Ông Nguyễn Đức Hưng - Chánh Thanh tra tỉnh cho biết, cũng như ở các địa phương khác, trước thời điểm Quốc hội ban hành Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo năm 2011, tình hình khiếu nại trên địa bàn tỉnh có những diễn biến phức tạp, khiếu kiện đông người, phức tạp, tồn đọng, kéo dài, vượt cấp diễn ra khá phổ biến, nhất là ở các địa phương Đà Lạt, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm… Nội dung khiếu nại chủ yếu liên quan đến lĩnh vực tranh chấp đất đai, đòi lại đất cũ, cấp giấy chứng nhận QSD đất, bồi thường; hỗ trợ thiệt hại khi nhà nước thu hồi đất, tái định cư… Tuy nhiên, khi Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo có hiệu lực thi hành, thực hiện Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch 1130/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ về việc “Kiểm tra, rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài”, Thanh tra tỉnh đã tiến hành rà soát, thống kê trên địa bàn Lâm Đồng có 10 vụ khiếu nại tồn đọng, kéo dài, phức tạp, đông người vượt cấp lên Trung ương bao gồm: 2 vụ ở Đà Lạt, 5 vụ ở Đức Trọng, 1 vụ ở Di Linh, 2 vụ ở Bảo Lâm. Trong số các vụ khiếu nại này đã được các bộ, ngành Trung ương giải quyết nhiều lần trước đó, đúng với quy định của pháp luật, nhưng không được người dân đồng tình, chấp nhận, vẫn tiếp tục khiếu nại kéo dài, phức tạp. Trước tình hình đó, Thanh tra tỉnh tham mưu UBND tỉnh thống nhất với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên - Môi trường giải quyết theo hướng: Hỗ trợ cho người khiếu nại một số quyền lợi để các hộ có điều kiện ổn định cuộc sống, cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ bằng tiền theo giá đất nông nghiệp, hoặc hoán đổi bằng đất ở có giá trị tương đương cho người khiếu kiện; giao thêm đất ở cho người khiếu nại không thu tiền sử dụng đất do người khiếu kiện có hoàn cảnh khó khăn;... Để tạo sự đồng thuận, Thanh tra tỉnh phối hợp với chính quyền các địa phương, các tổ chức đoàn thể một mặt đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, mặt khác tổ chức đối thoại với người khiếu nại. Qua đối thoại, những vướng mắc trong quá trình giải quyết đã được xem xét, tháo gỡ một cách thấu tình, đạt lý, nên hầu hết 10 vụ khiếu nại tồn đọng, kéo dài, phức tạp đã được giải quyết dứt điểm, hiệu quả.
Đối các vụ khiếu nại tồn đọng, kéo dài, phức tạp thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh, của các huyện, TP Đà Lạt, Bảo Lộc: Thanh tra tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch kiểm tra, rà soát các vụ khiếu nại tồn đọng, kéo dài, phức tạp trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, rà soát 81 vụ khiếu nại thuộc diện nói trên, có 11 vụ cần phải giải quyết. Thanh tra tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh tiến hành đối thoại với người khiếu nại. Qua đối thoại, với cách giải thích pháp luật cặn kẽ, chi tiết và đưa ra hướng giải quyết đúng đắn, thấu tình, đạt lý, người khiếu nại đồng tình, nhất trí chấm dứt khiếu nại và UBND tỉnh đã báo cáo Thanh tra Chính phủ kết quả giải quyết đạt được nói trên. Còn lại 70 vụ khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND các huyện, thành phố, Thanh tra tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh yêu cầu các huyện, TP áp dụng nhiều biện pháp giải quyết đúng luật, phù hợp với tình hình thực tế, với yêu cầu chính đáng của người khiếu nại. Kết quả, đã giải quyết dứt điểm 70 vụ khiếu nại tồn đọng, kéo dài, phức tạp, góp phần giúp Lâm Đồng là tỉnh hiện nay không còn tình trạng khiếu nại tồn đọng, kéo dài, phức tạp, được Chính phủ đánh giá rất cao trong việc triển khai thực hiện Luật Khiếu nại sửa đổi năm 2011.
Từ kết quả đạt được trong việc giải quyết khiếu nại tồn đọng, kéo dài, phức tạp, Thanh tra tỉnh đúc rút được 4 bài học kinh nghiệm sau: Cần xác định việc tiến hành kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ khiếu nại tồn đọng, kéo dài, phức tạp, là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng, nên cần quan tâm thực hiện, đạt kết quả. Sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương và lãnh đạo địa phương là yếu tố quan trọng quyết định của việc giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại tồn đọng, kéo dài, phức tạp. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương, địa phương, các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và sự tuân thủ đúng đắn Luật Khiếu nại là cơ sở của sự thành công trong công tác giải quyết khiếu nại của người dân. Cuối cùng cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục người khiếu nại tuân thủ đúng pháp luật, mới chấm dứt được tình trạng khiếu nại tồn đọng kéo dài, phức tạp.
HOÀNG KIẾN GIANG