Pháp luật dần đi vào cuộc sống đồng bào

08:12, 02/12/2016

Ông Nguyễn Thành Trì, Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp) khẳng định: Công tác phổ biến và giáo dục pháp luật đến với từng người dân là việc làm không thể lơ là, nhất là những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quy định rõ ràng trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. 

Ông Nguyễn Thành Trì, Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp) khẳng định: Công tác phổ biến và giáo dục pháp luật đến với từng người dân là việc làm không thể lơ là, nhất là những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quy định rõ ràng trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. 
 
Đôi bạn trẻ Ha Sán và Cill Dam Ka Nhung lắng nghe cán bộ tư pháp xã Đạ Ròn phổ biến Luật Hôn nhân và gia đình. Ảnh: C. Tú
Đôi bạn trẻ Ha Sán và Cill Dam Ka Nhung lắng nghe cán bộ tư pháp xã Đạ Ròn
phổ biến Luật Hôn nhân và gia đình. Ảnh: C. Tú

Xã Đạ Ròn (Đơn Dương) có 2.042 hộ, 9.068 nhân khẩu, là nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (chiếm 43%). Nhiều năm về trước, mức độ nhận thức về pháp luật của đồng bào dân tộc ở đây còn nhiều hạn chế, vì vậy nhiều trường hợp người dân chọn cách giải quyết không theo pháp luật gây hậu quả khôn lường. 
 
Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Ròn, Lê Đức Tiến cho hay: Kinh tế phát triển nên đời sống bà con dần ổn định, nhất là các thôn Suối Thông A1, Suối Thông A2, D’ Ròn, Thôn 2 có tới gần 100% đồng bào dân tộc thiểu số đã có chuyển biến trong suy nghĩ nhận thức về pháp luật.
 
Để pháp luật dần đi vào cuộc sống của người dân, thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý bằng các hình thức, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước (Sở Tư pháp) đã thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhiều đối tượng, giúp nâng cao trình độ hiểu biết và ý thức để họ ứng xử phù hợp với pháp luật. Từ tháng 1/2016 đến tháng 10/2016, trung tâm đã trợ giúp trên 3.000 lượt người, trong đó: pháp luật hình sự: 156 trường hợp, pháp luật dân sự, hôn nhân gia đình: 1.542 trường hợp, pháp luật hành chính: 305 trường hợp, lĩnh vực pháp luật khác 1.019 trường hợp. 
Anh Ha Sán (1995, Đa Quyn, Đức Trọng) dự định sẽ làm đám cưới cùng với Cill Dam Ka Nhung (1997, Đạ Ròn, Đơn Dương) trong tháng tới. Cả hai người tìm đến cán bộ tư pháp của xã Đạ Ròn là Nguyễn Thị Hồng Nhung để được tư vấn về Luật Hôn nhân gia đình và tiến hành làm thủ tục đăng ký kết hôn. Ha Sán bảo: “Trước khi kết hôn, ngoài ý kiến của hai bên gia đình, cả hai đã đến gặp trưởng thôn để hỏi về tuổi kết hôn, rồi sau đó ra ủy ban gặp cán bộ tư pháp để tìm hiểu cặn kẽ hơn. Ngày trước do không tìm hiểu kỹ càng về pháp luật nên xảy ra tảo hôn, thông qua các đợt tuyên truyền của cán bộ tư pháp lớp trẻ ở địa phương mình đã có suy nghĩ khác hẳn”.
 
Chị Nhung cho hay: “Qua tuyên truyền, phổ biến và giáo dụcvề pháp luật nên nhận thức của bà con có nhiều biến chuyển tích cực. Nhất là trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch: khai sinh, khai tử, kết hôn được thực hiện đúng luật và đúng hạn thời gian. Bên cạnh đó, các tổ hòa giải trên địa bàn xã hoạt động thường xuyên và đạt hiệu quả cao, làm giảm số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp”. 
 
Theo thông tin từ Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng, để tiếp tục đưa pháp luật đi vào đời sống của người dân, Sở tiếp tục triển khai nhiều hình thức phổ biến và giáo dục có hiệu quả như: Ứng dụng công nghệ thông tin vào việc tuyên tuyền, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật (trực tuyến, sân khấu hóa), sử dụng mạng lưới loa truyền thanh cơ sở, ngày hội pháp luật, thiết lập chuyên trang, chuyên mục phát thanh, truyền hình để bình luận, đối thoại pháp luật gắn với các vấn đề xã hội quan tâm, lồng ghép qua các lễ hội và sinh hoạt văn hóa văn nghệ để bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật…
 
Công tác phổ biến và giáo dục được tăng cường là một điều đáng ghi nhận nhưng để pháp luật đi vào cuộc sống từng người dân không phải là một việc dễ dàng.Theo ông Nguyễn Thành Trì, để làm tốt điều này cần phải nâng cao trình độ chuyên môn và tăng cường số lượng đội ngũ làm công tác tuyên truyền của địa phương. Tùy vào trình độ và nhận thức của từng vùng, khu vực cụ thể để đề ra phương pháp phổ biến, giáo dục thích hợp nhất, không thể áp dụng chung chung được. 
 
CẨM TÚ