Cần ngăn chặn những chiêu trò lừa đảo, cho vay nặng lãi ở nông thôn

08:04, 28/04/2017

Thời gian qua, trên địa bàn huyện Di Linh đã xảy ra những vụ việc có dấu hiệu lừa đảo bằng các thủ đoạn khác nhau, như huy động tiền gửi lãi suất cao để đáo hạn ngân hàng, cho vay nặng lãi… gây hoang mang, bức xúc cho nhiều người dân trong vùng.

Thời gian qua, trên địa bàn huyện Di Linh đã xảy ra những vụ việc có dấu hiệu lừa đảo bằng các thủ đoạn khác nhau, như huy động tiền gửi lãi suất cao để đáo hạn ngân hàng, cho vay nặng lãi… gây hoang mang, bức xúc cho nhiều người dân trong vùng.
 
Nhà anh K’Brul (đã mất), nay đã bán để trả nợ. Ảnh: Lam Phương
Nhà anh K’Brul (đã mất), nay đã bán để trả nợ. Ảnh: Lam Phương
Lừa đảo, cho vay nặng lãi
 
Vào những tháng cuối năm 2016, khi mà hầu hết người dân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Di Linh đang tập trung vụ mùa thu hoạch lúa và cà phê thì cũng là thời điểm bà con truyền tai nhau về chuyện cho vay, gửi tiền… cho đến “vỡ nợ”. Khi nhiều người dân bị chủ nợ đến tận nhà đòi nợ, xiết nợ thì mọi chuyện mới vỡ lẽ; có người nợ ứng vài tấn cà phê non, người thì nợ từ vài chục triệu lên đến hàng trăm triệu đồng, cá biệt có người lên tới vài tỷ đồng… 
 
Những năm qua, việc gửi tiền “lãi suất cao” xuất phát từ Bảo Thuận đã lan nhanh tới các ngõ xóm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Để tạo niềm tin với mọi người, những năm đầu họ đều chi trả tiền lãi và gốc đúng hẹn. Với lãi suất khá “hấp dẫn”, nên một số người dân đã bị họ dụ dỗ và đem tất cả số tiền mà gia đình tích góp nhiều năm, mạo hiểm vay tiền của các cá nhân hay đại lý kinh doanh vài tỷ đồng để cho một số đối tượng khác vay lại với mong muốn có được số tiền lãi hàng tháng để tiêu xài mà không tốn công sức lao động, nhưng rồi ôm nợ.
 
Với số tiền vay được (bà Ka Him 3,3 tỷ đồng, còn bà Ka Hải và con gái trên 4,7 tỷ đồng) đều đưa hết cho vợ chồng bà Ka Loan vay lại và được vợ chồng bà Ka Loan cam kết trong “Giấy nợ tiền” sẽ trả tiền gốc và lãi đúng hẹn… “Nếu không đúng hẹn, đây bằng chứng trước pháp luật với tội lừa đảo”. Tuy nhiên, đến nay bà Ka Him, Ka Hải vẫn chưa nhận được số tiền gốc lẫn lãi như đã cam kết. Thay vào đó, do chủ nợ cứ ép buộc phải thanh toán tiền lãi, nên thời gian qua, bà Ka Hải đã lén lút lấy 60 triệu đồng tiền tiết kiệm của gia đình để chi trả trước cho chủ nợ, dẫn đến xích mích, mâu thuẫn vợ chồng cho đến nay.
 
Hai chị cho biết: “Trước đây, bà Ka Dóp (thôn Ka La Tô Krềng), bà Ka Loan (thôn Hàng Piơr)… làm ăn uy tín được mọi người tin tưởng, nên được người ta cho vay và gửi tiền. Sau khi có tiền vay cùng với số tiền tích góp của gia đình, chúng tôi đã cho chị Ka Loan vay và được chị hứa sẽ sớm trả lại, nhưng đến nay không chịu trả gây khó khăn cho chúng tôi. Giờ chỉ mong lấy lại số tiền để trả nợ”.
 
Không chỉ vay tiền, huy động tiền gửi từ các đại lý, cá nhân trên địa bàn, bà Ka Dóp còn “giúp” bà con trong việc đáo hạn ngân hàng để lợi dụng, lấy sổ đỏ của một số hộ dân mang đi cầm cố, thế chấp. 
 
Chị Ka Thuận ở thôn 2, xã Tân Thượng, bức xúc: “Nhiều lần bà Dóp dụ dỗ đưa sổ đỏ cho bà đi vay và cuối cùng tôi đã nghe theo. Bà Ka Dóp cầm sổ đỏ của tôi đi vay tại Quỹ tín dụng xã Đinh Lạc với số tiền 350 triệu đồng để sử dụng riêng. Khi tôi đòi lại sổ đỏ thì bà Ka Dóp nói phải đưa cho bà 1,7 tỷ đồng rồi sẽ trả lại”.  
 
Và những hệ lụy của nó
 
Những năm qua, nhu cầu vay tiền của người dân để phát triển sản xuất là rất lớn, nên bà con không ngần ngại vay tiền với lãi suất cao. Những người vay tiền chủ yếu để đầu tư phát triển kinh tế gia đình, nhưng cũng có trường hợp đi vay rồi cho người khác vay lại…
 
Đảng ủy xã Bảo Thuận cho bết: Theo thống kê sơ bộ, thời gian qua có 7 hộ cho các ông, bà, như: Ka Dóp, Ka Loan, K’Brếp, K’Luân, Ka Dợu vay với số tiền trên 31 tỷ đồng. Trong đó, có 3 hộ hoạt động đáo hạn ngân hàng, nhưng trên thực tế là cho vay theo “quỹ tín dụng đen” với lãi suất rất cao. Theo nhận định của địa phương thì đây có thể là vụ lừa đảo, nhưng chưa biết ai là người chủ mưu. 
 
Hầu hết những người bị nợ là do thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin; cũng có một số người do lòng tham, hám lợi, lười lao động và bị “ma lực” đồng tiền cuốn hút, dụ dỗ để rồi họ phải trả một cái giá khá đắt là nợ nần; nhà cửa, đất đai bị xiết nợ hay ép buộc họ phải bán tài sản để mà trả nợ; do nợ nần, một số gia đình thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, xích mích và ly tán; an ninh trật tự ở buôn làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số vốn dĩ bình yên nay bị đảo lộn, không còn cảnh yên bình như xưa kia. 
 
Vợ chồng bà Ka R - K’D ở thôn 3, xã Tân Thượng, âu lo: “Trước đây, chúng tôi lấy tiền của một cá nhân ở xã Tân Châu, từ 700 triệu rồi lên đến 1,2 tỷ đồng. Với 1 tỷ đồng, tiền lãi một ngày là 5,5 triệu đồng; tiền cò 4 ngày là 40 triệu đồng, 10 ngày là 80 triệu đồng. Từ tháng 6/2016 - 11/2016, cả gốc và lãi lên đến 3 tỷ đồng. Số tiền vay, chúng tôi cho một số người khác vay lại. Do chưa thu hồi được tiền để trả nợ, nên đến nay đã 3 lần “chủ nợ” đến nhà xiết nợ. Lần mới nhất là vào lúc 23 giờ đêm 13/4/2017, họ trải chiếu ngồi uống bia trước cửa nhà tôi và liên tục đập cửa nhà, ném đất, đá… lên trần nhà. Thấy vậy, bà con thôn xóm kéo nhau đến xem khá đông. Mãi đến 1 giờ sáng 14/4, khi công an xã đến lập lại trật tự họ mới bỏ đi. Ở cùng thôn có khoảng 5 hộ vay tiền như chúng tôi; có hộ vay 40 triệu, chỉ 3 tháng thôi mà nó lên tới 400 triệu đồng; có hộ cũng nợ vài tỷ đến hơn chục tỷ đồng”.
 
 Có lẽ, chuyện cho vay nặng lãi, lừa đảo ở Di Linh đã, đang và sẽ để lại nhiều hệ lụy trong đời sống xã hội, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thiết nghĩ, các cấp, ngành chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức, cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo, cho vay nặng lãi và sớm có giải pháp ngăn chặn kịp thời; cần rà soát, điều tra làm rõ việc chuyển nhượng, ủy quyền giấy CNQSD đất để cầm cố, thế chấp vay vốn ngân hàng tại địa phương; điều tra, làm rõ động cơ của một số hộ dân vay, huy động với số tiền lớn nhằm mục đích gì? Và hiện tại những số tiền đó đã tẩu tán đi đâu... Chỉ có như vậy mới lập lại trật tự xã hội ở các thôn buôn, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. 
 
LAM PHƯƠNG