Tà Nung là một trong những xã thuộc TP Ðà Lạt, giáp với 2 huyện Lạc Dương và Lâm Hà. Xã Tà Nung có diện tích 45.825 ha. Ðây là vùng tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số của TP Ðà Lạt, chủ yếu là người K'Ho - một trong ba dân tộc thiểu số bản địa của tỉnh Lâm Ðồng.
Tà Nung là một trong những xã thuộc TP Ðà Lạt, giáp với 2 huyện Lạc Dương và Lâm Hà. Xã Tà Nung có diện tích 45.825 ha. Ðây là vùng tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số của TP Ðà Lạt, chủ yếu là người K’Ho - một trong ba dân tộc thiểu số bản địa của tỉnh Lâm Ðồng. Trước đây bà con chỉ biết sống dựa vào rừng, nay đã dần quen với việc trồng các loại cây hoa màu và cây công nghiệp. Nhờ vậy, đời sống của bà con đã được nâng lên rõ rệt. Nhiều gia đình đã xây nhà, mua sắm các phương tiện có giá trị, con em đã được đi học ở các trường trong và ngoài tỉnh. Bộ mặt của xã đổi mới, khang trang rõ rệt. Khó có thể hình dung được cuộc sống của bà con hiện nay so với những năm đầu mới giải phóng đã được đổi thay như thế nào!
Cuộc sống đi lên, nhiều hộ đồng bào dân tộc hiện đang canh tác cà phê với diện tích rất lớn. Cà phê ngày càng được giá đã làm cho một số bà con người Kinh từ các nơi khác vào Tà Nung đầu tư canh tác cà phê. Đây cũng là nguyên nhân chính làm cho giá đất lên cao. Một số hộ bà con dân tộc do chỉ thấy mối lợi trước mắt đã bán vườn cà phê mà họ đã dày công chăm sóc. Đất sản xuất bị thu hẹp, nhiều gia đình bà con dân tộc đã mua bán sang nhượng vườn cà phê dẫn đến tình trạng thiếu đất canh tác.
Theo thống kê năm 2017, đồng bào DTTS tại Tà Nung có 464 hộ với 2.658 khẩu, chiếm 51,7% dân số toàn xã. Trong đó có 19 hộ nghèo, 35 hộ cận nghèo. Các hộ này đa số từ nơi khác đến lấy vợ chồng rồi ở tại địa phương. Bên cạnh đó, một số con em đồng bào, sau khi xây dựng gia đình, tách hộ mới. Đây cũng chính là các hộ đã lấn chiếm đất rừng để trồng cà phê trong các tiểu khu 148B, 158B, 160A thuộc BQL rừng phòng hộ Tà Nung và BQL rừng đặc dụng Lâm Viên (thuộc tỉnh Lâm Đồng) với tổng diện tích lên đến 30.473 ha. Ngày 20/6/2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định đóng cửa rừng trên toàn quốc nhằm ngăn chặn nạn phá rừng, khôi phục rừng ở Tây Nguyên. Trước tình hình trên, lãnh đạo thành phố Đà Lạt đã tổ chức nhiều cuộc họp để tìm ra các giải pháp tốt nhất, nhằm xử lý một cách hiệu quả tình trạng này nếu không thì việc lấn chiếm đất rừng, phá rừng đặc dụng để canh tác sẽ diễn ra ngày càng rầm rộ hơn. Qua công tác khảo sát, nắm tình hình được biết trong số các hộ lấn chiếm đất rừng trái phép, phần lớn tập trung ở Thôn 1, 3, 6, xã Tà Nung. Trong số này ngoài các hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo, các hộ mới thành lập gia đình thiếu đất sản xuất, nhưng cũng có một số hộ lạm dụng phá rừng để chiếm đất trái phép, nhằm sang nhượng, mua bán đất bất hợp pháp. Từ 2016 đến nay, UBND TP Đà Lạt đã tổ chức nhiều cuộc họp để vận động bà con chấm dứt nạn phá rừng, trả lại đất rừng nhưng các cuộc vận động đều không có hiệu quả. Bởi bà con cho rằng việc lấn chiếm đất rừng phần lớn là do họ quá nghèo không có đất sản xuất. Hay họ đã vay mượn tiền để đầu tư vào việc phá rừng lấy đất trồng cà phê, bây giờ không có tiền để trả nợ.
Một số hộ khác không trả đất vì cho rằng, tại sao khi người dân vừa phá rừng để trồng cà phê, các cấp có trách nhiệm của thành phố và của tỉnh đều không có các biện pháp để ngăn chặn một cách có hiệu quả để đến nay khi cà phê lên cao, có nơi đã gần được thu hoạch. Bao nhiêu công sức, tiền bạc hầu hết bà con đều vay với lãi suất cao, giờ biết tính làm sao? Trong khi đó đời sống của bà con vốn đã khốn khó, nay đứng trước việc bị thu hồi đất thì lại càng khốn khó hơn.
Mặt khác, cũng không thể loại trừ một số đối tượng cố tình lấn chiếm đất rừng để mua bán, sang tay đã lợi dụng vấn đề này để kích động, thậm chí khống chế một số bà con không trả lại đất rừng đã lấn chiếm. Nhiều lần bà con đã tập trung kéo lên UBND Phường 5 và UBND TP Đà Lạt phản đối việc thu hồi đất rừng mà họ đã lấn chiếm.
Trước tình hình trên, UBND thành phố đã thành lập tổ công tác thu hồi đất rừng ở xã Tà Nung, đồng thời giao trách nhiệm cho các ngành liên quan trực tiếp nắm tình hình, tham mưu, đề xuất đưa ra những biện pháp hữu hiệu nhất cùng với biện pháp hỗ trợ bà con trong đời sống nhằm vận động bà con thấy được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong công tác bảo vệ tài nguyên rừng. Tổ công tác giải tỏa đất rừng tại các Tiểu khu 148B (Phường 5), 158B và 160A (Tà Nung) đã nhiều lần đối thoại với bà con, nhưng đều không đạt được kết quả. Nạn phá rừng vẫn tiếp tục tái diễn.
Cùng thời gian này, trên địa bàn xuất hiện một số đơn thư lấy danh nghĩa các “già làng”, tố cáo lãnh đạo chính quyền cơ sở không dân chủ, không công khai tài chính, bắt bà con đồng bào đóng nhiều loại thuế, phí. Đáng chú ý hơn đã xuất hiện hiện tượng chia rẽ giữa người Kinh và người dân tộc bản địa nơi đây, gây nên tình hình căng thẳng về an ninh tại địa phương.
Trước tình hình đó, Công an thành phố Đà Lạt đã báo cáo và xin chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh và lãnh đạo thành phố, xây dựng phương án vận động, tuyên truyền, thuyết phục bà con đồng bào dân tộc lấn chiếm đất rừng trả lại phần đất đã lấn chiếm cho Nhà nước, đồng thời ổn định tình hình an ninh chính trị tại địa phương.
Phương án được Giám đốc Công an tỉnh trực tiếp phê duyệt với nội dung chủ yếu là vận động thuyết phục, động viên bà con một cách hợp lý hợp tình. Đồng thời, thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc của Nhà nước, kiên quyết không để những phần tử xấu lợi dụng kích động đồng bào gây rối trật tự.
Công an thành phố đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết tốt chính sách đối với đồng bào dân tộc nhằm tạo niềm tin đồng thuận cao trong bà con, không để kẻ xấu kích động, chia rẽ, gây mất đoàn kết biến Tà Nung thành điểm nóng về trật tự, an ninh của tỉnh. Với phương châm tuyên truyền, thuyết phục là chính, Công an Đà Lạt đã huy động một số đội nghiệp vụ, đồng thời cử những đồng chí trinh sát nhiều kinh nghiệm thành lập tổ công tác thường trực 24/24 giờ, trực tiếp bám địa bàn cùng ăn, cùng ở với bà con để nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của mỗi người dân. Mặt khác, rà soát, phân loại đối tượng các hộ nghèo, các hộ thực sự không có đất để tham mưu cho UBND thành phố có biện pháp hỗ trợ. Cũng qua việc làm này tiến hành phân loại những đối tượng có biểu hiện kích động bà con chống lại quyết định thu hồi đất rừng của Nhà nước để có biện pháp xử lý. Thời gian đầu khi triển khai nhiệm vụ, tổ công tác đã gặp rất nhiều khó khăn, nhiều hộ không tiếp, không cho anh em trong tổ công tác vào nhà, thậm chí có hộ còn có thái độ phản ứng tiêu cực. Nhưng các anh em vẫn kiên trì đến từng hộ, đeo bám từng người để vận động, thuyết phục bà con hiểu được chủ trương, chính sách của Nhà nước về bảo vệ tài nguyên rừng là bảo vệ nguồn sống lâu dài cho con cháu của đồng bào. Nhiều anh em trong tổ công tác đã không quản khó khăn, vất vả giúp đỡ con em đồng bào từ việc mua sách, đồ dùng học tập, mua quần áo mới để con em đồng bào dân tộc đến trường; đồng thời vận động, quyên góp được khá nhiều hàng hóa, lương thực, thực phẩm các loại để giúp đỡ bà con ổn định cuộc sống.
Trong khi đó, với tư cách là người chịu trách nhiệm cao nhất về an ninh, trật tự của địa phương, đồng chí Trưởng CATP đã nhiều lần trực tiếp xuống địa bàn để nắm tâm tư, khó khăn của bà con và tháo gỡ những vướng mắc cụ thể để tham mưu cho lãnh đạo thành phố có biện pháp giải quyết kịp thời.
Ðiểm nổi bật và cũng là kinh nghiệm cần phát huy trong việc vận động bà con dân tộc thiểu số ở xã Tà Nung trả lại đất rừng mà họ đã lấn chiếm cho Nhà nước đó là, anh em CATP đã biết tranh thủ sự giúp đỡ của các vị chức sắc trong tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc, đồng thời biết phát huy hệ thống chính trị của xã.
Nhờ vậy, bà con đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đối với các hộ lấn chiếm đất rừng đã dần hiểu ra chủ trương, chính sách của Nhà nước, từ đó 27 hộ tại Tiểu khu 158B, 160A đã tự nguyện giao trả toàn bộ đất lấn chiếm trái phép cho BQLR mà không cần phải sử dụng đến biện pháp cưỡng chế. Còn 26 hộ lấn chiếm đất rừng tại Tiểu khu 148B, tập trung toàn bộ những hộ kiên quyết không giao đất và cho rằng “sẽ một mất một còn với đất”. Vì vậy, ngày 22/9/2017, UBND thành phố có Văn bản số 3378/QĐ-UBND quyết định phê duyệt cưỡng chế giải tỏa diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm tại Tiểu khu 148B vào ngày 18/10/2017. Sau khi có quyết định cưỡng chế, lực lượng Công an thành phố tiếp tục thực hiện phương án của Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo làm tốt công tác dân vận, tranh thủ các biện pháp nhằm hạn chế tối đa các hộ lấn chiếm đất rừng đối đầu với chính quyền, không để tái diễn như một số vụ lấn chiếm đất rừng trong thời gian qua xảy ra ở một số địa phương. Chính vì vậy, từ ngày ban hành quyết định cưỡng chế, nhiều hộ có khuynh hướng cực đoan đã được lực lượng công an phân tích vì quyền lợi chung của bà con và quyền lợi của từng gia đình mà 19 hộ ở Tiểu khu 148B đã tự nguyện giao đất cho Ban Quản lý rừng Tà Nung. Một số hộ còn lại đến ngày thực hiện cưỡng chế cũng tự nguyện giao đất, cam kết, cam đoan không lấn chiếm, không tái phạm.
Cuộc vận động tuyên truyền kéo dài gần 1 năm, toàn bộ đất rừng với hơn 30 ha thuộc các Tiểu khu 148B, 158B, 160B thuộc các khu rừng phòng hộ Tà Nung và rừng đặc dụng Lâm Viên do 53 hộ đồng bào dân tộc K’Ho ở xã Tà Nung lấn chiếm đã được bà con giao trả lại cho Nhà nước. Thành công này càng khẳng định sự lãnh đạo của Thành ủy, UBND thành phố cũng như sự chỉ đạo trực tiếp, kịp thời của lãnh đạo Công an tỉnh là rất đúng đắn có hiệu quả và vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền xã Tà Nung, Phường 5 thể hiện tinh thần trách nhiệm. Đây cũng sẽ là bài học thiết thực để các địa phương khác trong tỉnh cùng rút kinh nghiệm khi gặp các vụ việc tương tự.
PHAN TẤT