Thứ 6, 18/04/2025, 17:32

Những thay đổi đáng chú ý trong Bộ luật Hình sự 2015

08:11, 20/11/2017

Bộ luật Hình sự năm 2015 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Với việc áp dụng BLHS mới có nhiều thay đổi so với BLHS năm 1999, nhiều tội danh đã được thay đổi cả về quy định và mức phạt đối với tội phạm.

Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Với việc áp dụng BLHS mới có nhiều thay đổi so với BLHS năm 1999, nhiều tội danh đã được thay đổi cả về quy định và mức phạt đối với tội phạm.
 
Một phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự tại Tòa án Lâm Đồng. Ảnh: C.Thành
Một phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự tại Tòa án Lâm Đồng. Ảnh: C.Thành

Trong hội nghị được tổ chức trực tuyến bàn về việc thi hành Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 được sửa đổi, bổ sung diễn ra đầu tháng 11 mới đây với Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trên cả nước, Bộ Tư pháp nhấn mạnh, bộ luật mới có nhiều nội dung được thay đổi cả về những quy định và mức phạt đối với các tội phạm hình sự.
 
Bỏ tử hình 7 tội danh
 
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu nhận định, BLHS năm 2015 đã thể chế hóa chủ trương hạn chế áp dụng hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt ngoài tù theo hướng phạt tiền là hình phạt chính không chỉ được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng như quy định của BLHS năm 1999, mà cả trường hợp phạm các tội nghiêm trọng.
 
Riêng đối với nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường thì hình phạt tiền là hình phạt chính có thể áp dụng đối với tội rất nghiêm trọng. Bên cạnh đó, BLHS năm 2015 đã mở rộng nội hàm của hình phạt cải tạo không giam giữ, theo đó, trong trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo với thời gian không quá 4 giờ/ngày và không quá 5 ngày/tuần. Tuy nhiên, biện pháp này không áp dụng đối với người già yếu, phụ nữ có thai.
 
Còn theo Sở Tư pháp Lâm Đồng, so với BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 đã bổ sung thêm trường hợp không áp dụng hình phạt tử hình đối với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử; đồng thời, bổ sung thêm 2 trường hợp không thi hành án tử hình là: Người đủ 75 tuổi trở lên và người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác với các cơ quan chức năng hoặc lập công lớn thì sẽ không thi hành án tử hình.
 
Mặt khác, BLHS năm 2015 đã bỏ tử hình ở 7 tội danh bao gồm: Cướp tài sản; Sản xuất, buôn bán hàng cấm là lương thực, thực phẩm; Tàng trữ trái phép chất ma túy; Chiếm đoạt chất ma túy; Phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; Chống mệnh lệnh, và tội đầu hàng địch. Đồng thời, bộ luật cũng bỏ tội danh hoạt động phỉ trước đây có quy định hình phạt tử hình. Chỉ còn duy trì hình phạt tử hình đối với 18 tội danh trong tổng số 314 tội danh được quy định trong BLHS (chiếm tỷ lệ 5,73%).
 
Tăng chế tài xử phạt đối với tội tham nhũng
 
Về chế tài xử phạt tội tham nhũng, BLHS năm 2015 đã có những nội dung sửa đổi, bổ sung góp phần tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thể hiện ở ba điểm cơ bản: Điều 28 của bộ luật đã bổ sung quy định không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội tham ô, tội nhận hối lộ thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng (quy định tại khoản 3 và khoản 4 các điều 353, 354 BLHS) nhằm truy đến cùng những tội phạm tham nhũng lớn, góp phần tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
 
Bên cạnh đó, Điều 61 của bộ luật đã bổ sung quy định không áp dụng thời hiệu thi hành bản án đối với tội tham ô, tội nhận hối lộ thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng (khoản 3 và khoản 4 của các điều 353, 354 BLHS) nhằm góp phần tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
 
Ngoài ra, BLHS đã mở rộng phạm vi một số tội tham nhũng cũng như một số tội thuộc Chương XXIII (Các tội phạm về chức vụ) ra cả khu vực tư (ngoài nhà nước). Theo đó, người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước mà thực hiện hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ thì cũng bị xử lý về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ theo quy định tại các điều 353, 354 của bộ luật. Người có hành vi đưa hối lộ hoặc môi giới hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý về tội đưa hối lộ hoặc tội môi giới hối lộ theo quy định tại các điều 264, 365. 

Quốc hội đã quyết nghị kể từ ngày 1/1/2018, các bộ luật, luật sau đây có hiệu lực thi hành: Bộ luật Hình sự 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 (Bộ luật Hình sự năm 2015); Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13. Các quy định tại Nghị quyết 110/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự số 102/2015/QH13 có ghi thời điểm “ngày 1 tháng 7 năm 2016” được thay thế bằng thời điểm “ngày 1/1/2018”, thời điểm “ngày 1/1/2019” được thay thế bằng thời điểm “ngày 1/1/2020”. Như vậy, kể từ 0 giờ 00 phút ngày 1/1/2018, tất cả các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội.
 
C.THÀNH