"Cho vay tiền góp, thủ tục đơn giản, giao tiền trong ngày", "A lô là có liền, không cần thế chấp, giải ngân trong ngày"… Ðó là một trong hai lời rao quảng cáo hấp dẫn được dán nhiều trên các trụ điện, bờ tường tại trung tâm các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh hiện nay.
“Cho vay tiền góp, thủ tục đơn giản, giao tiền trong ngày”, “A lô là có liền, không cần thế chấp, giải ngân trong ngày”… Ðó là một trong hai lời rao quảng cáo hấp dẫn được dán nhiều trên các trụ điện, bờ tường tại trung tâm các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh hiện nay. Tuy nhiên, đằng sau việc vay tiền có vẻ dễ dàng là những chiêu trò cho vay tín dụng sai phép làm không ít người điêu đứng.
|
Quảng cáo cho vay trả góp, vay theo ngày được dán tại khu vực đường Phù Đổng Thiên Vương, Phường 8, TP Đà Lạt chiều ngày 29/11. Ảnh: C.T |
“Bẫy” lãi suất
Lần theo những đường dây cho vay trong ngày, hồ sơ giải quyết nhanh gọn, ngày 14/11, chúng tôi trao đổi cùng ông H., là thành viên trong một nhóm người cho vay tín chấp tại địa bàn thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng.
“Anh vay bao nhiêu, chỉ cần đưa tôi hộ khẩu phô tô, chứng minh nhân dân (CMND) hoặc cà vẹt xe, tiền tôi đưa anh trong ngày luôn” - ông H. mời chào khách. Theo ông H., hiện nay ông cho vay trả góp chứ không thu “một cục” như trước. Ví dụ như chúng tôi vay nợ 10 triệu đồng sẽ trả lãi “đứng” sẽ mất 50.000 đồng/ngày, tiền nợ vẫn giữ nguyên. Còn nếu trả lãi “nằm” sẽ tính ra lãi suất mỗi tháng 1,5 triệu đồng (khoảng 15%/tháng). Tuy nhiên, ông H. gợi ý nếu cần tiền gấp nên vay “nóng” trong ngày, lãi suất chỉ khoảng từ 10% tới 20%, tùy số tiền muốn vay và phạm vi giải quyết hồ sơ là trên địa bàn huyện.
Khi chúng tôi hỏi địa chỉ công ty ở đâu để tìm tới đưa giấy tờ, ông H. nói chỉ cần khách có địa chỉ rõ ràng, đích thân ông sẽ tìm tới kiểm tra sau đó sẽ bàn chuyện cho vay hay không?. Anh Duy, một người dân từng vay tiền tươi trong ngày từ ông H. năm 2016 đúng 20 triệu đồng nhưng trả lần lần cả gốc lẫn lãi qua 2 năm đã lên tới 45 triệu đồng. Anh Duy cho biết: đó là hoạt động cho vay tín dụng đen và anh cũng thừa biết lãi suất cao hơn nhiều so với quy định của pháp luật nhưng lúc cần tiền không thể vay ngân hàng vì các thủ tục thế chấp phức tạp, lại không muốn để người thân biết mình vay tiền. “Mặc dù vay tiền “nóng” dễ dàng nhưng người cho vay đều có “luật riêng”, buộc người vay thỏa thuận một số điều kiện nhằm tránh bị pháp luật xử lý nếu bị phát hiện. Tôi cũng không thể thưa kiện lên Công an vì giấy nợ ghi vay tiền, lãi suất đúng trần ngân hàng (20%/năm) trong khi vẫn phải trả lãi lên tới 60-70% năm là một trong những thỏa thuận khi chấp nhận vay” - anh Duy nói.
Tại một địa chỉ cho vay trên tờ quảng cáo, số điện thoại 0164.408… được dán tràn kín trên các hộp điện khu vực Ngã năm Đại học, đường Phù Đổng Thiên Vương (Phường 8, TP Đà Lạt) chúng tôi gọi điện để vay theo lời rao “Giải ngân nhanh chóng trong ngày, không cần thế chấp” sáng ngày 28/11. Đầu dây bên kia một thanh niên còn khá trẻ, nói ngắn gọn: “Anh ở đâu, cứ cho địa chỉ em tìm tới kiểm tra xong sẽ cho anh vay”. Theo thanh niên trên, nếu chúng tôi vay tầm 10 triệu đồng mỗi ngày trả 400.000 đồng/ngày, bao gồm cả lãi và gốc, nếu giảm chút đỉnh phải có hộ khẩu thành phố và sẽ bàn chi tiết khi gặp mặt. Tương tự như ông H., thanh niên trên cho biết hồ sơ tín chấp chỉ cần sổ hộ khẩu trên địa bàn tỉnh và CMND phô tô. Đặc biệt, khi chúng tôi hỏi lãi suất thỏa thuận miệng hay trên giấy tờ rõ ràng như các ngân hàng thường làm, anh này tỏ vẻ khó chịu nói sẽ có người tới địa chỉ nơi ở trọ người vay để kiểm tra, sau đó sẽ bàn tiếp rồi cúp máy ngang.
Một số người dân chúng tôi tiếp xúc từng vay “nóng” tại địa bàn TP Đà Lạt cho biết, hiện nhiều chủ vay tại đây đều cho vay theo ngày với mức lãi suất thường rơi vào từ 5.000 - 7.000 đồng cho 1 triệu đồng (tương đương mức lãi suất 0,4 - 0,7%/ngày), lãi suất năm lên gần 200%/năm. Một gói vay khác là nếu khách hàng vay “nóng” 10 triệu đồng trả 350.000 đồng/ngày. Vay 10 triệu đồng/tháng đóng 1,397 triệu đồng/tháng, trả liên tục trong vòng 12 tháng, lãi suất khoảng 5,6%/tháng.
Khó xử lý
Qua ghi nhận tại khu vực Phường 8, Phường 1, Phường 2 (TP Đà Lạt), khách hàng của loại dịch vụ tín dụng trên chủ yếu là sinh viên, công nhân lao động, người nợ lô đề, cờ bạc… Họ thường bị rơi vào những chiếc “bẫy” tín dụng khi không thể dùng các giấy tờ, tài sản thế chấp tại các ngân hàng cho vay chính thống vì không đủ điều kiện.
Theo Công an huyện Đức Trọng, hầu hết các tờ quảng cáo cho vay tiền người cho vay dán tại các cột điện tại thị trấn Liên Nghĩa đều sai phép về hoạt động quảng cáo. Những tổ chức, cá nhân cho vay thông qua hình thức từ quảng cáo “chui” thì đa số đều không rõ ràng, một số núp bóng hoạt động cho vay tín dụng sai phép, nằm ngoài khuôn khổ hoạt động của hệ thống ngân hàng và không tuân theo các quy định của pháp luật.
“Nhiều người vay “nóng” hầu hết là người nghèo, dân chơi cờ bạc, nghiệt hút,… không có tài sản thế chấp, có nhu cầu cần gấp một khoản tiền nào đó nhưng không đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Tuy nhiên, do giấy tờ chứng minh không rõ ràng, lại sợ bị uy hiếp khi xảy ra sự cố nên chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc xác định, xử lý các đối tượng trên” - một lãnh đạo Công an huyện Đức Trọng chia sẻ.
Còn Công an TP Đà Lạt cho biết, hiện nay, ngoài các công ty, ngân hàng cho vay đầy đủ giấy phép, đúng quy định pháp luật thì thực tế còn tồn tại một số nhóm người cho vay nặng lãi nhưng hoạt động với thủ đoạn tinh vi nên người dân có nhu cầu vay tiền gấp rất dễ mắc lừa. Thủ tục cho vay của các đối tượng trên khá đơn giản, nhanh gọn theo ngày, thậm chí theo giờ nhưng ẩn chứa trong đó không ít chiêu lừa bịp mà người vay nợ không dễ dàng phát hiện. Hệ quả của vay nóng không chỉ là lãi suất cao hơn ngân hàng chính thống mà còn có thể dẫn tới nhiều hệ lụy khác như bị cưỡng đoạt tài sản, uy hiếp người vay,…trong trường hợp không trả được tiền gốc lẫn lãi phát sinh.
Trong khi đó, lực lượng Công an thành phố khi thụ lý các vụ việc liên quan tới hoạt động cho vay nặng lãi gặp nhiều khó khăn vì hành vi trên rất khó chứng minh bởi những người cho vay luôn biết cách lách luật mỗi khi có sự việc xảy ra.
C.THÀNH