(LĐ online) - Uỳnh…một tiếng nổ long trời nở đất vang lên. Cả khối núi nơi những hầm thiếc thọc sâu hun hút như trở mình chuyển động. Một cột khói trắng bốc lên cao giữa rừng sâu thâm u.
(LĐ online) - Uỳnh…một tiếng nổ long trời lở đất vang lên. Cả khối núi nơi những hầm thiếc thọc sâu hun hút như trở mình chuyển động. Một cột khói trắng bốc lên cao giữa rừng sâu thâm u. Lại một hầm thiếc nữa bị đánh sập sáng ngày 1/12 nhưng theo ông Sử Thanh Hoài - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương đây không phải là lần gài thuốc nổ phá hầm đầu tiên và cuối cùng tại tiểu khu 142, khu vực Núi Cao, xã Đạ Sar. Bởi nơi đây vốn dĩ là một điểm nóng dai dẳng về khai thác thiếc lậu, diễn ra suốt nhiều năm qua chưa thể triệt phá tại địa phương.
Theo UBND huyện Lạc Dương, đây đã là lần thứ 3 trong vòng một tháng qua, đoàn liên ngành gồm nhiều lực lượng chức năng của tỉnh kết hợp với huyện Lạc Dương tiến hành “đột kích” giải tỏa nhóm khai thiếc lậu tại tiểu khu 142, khu vực Núi Cao. Để thấy được mức độ dai dẳng, vất vả trong hoạt động đẩy đuổi “thiếc tặc”, ông Trịnh Văn Tiến - Phó Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương cho biết từ đầu năm tới nay đã 9 lần đoàn liên ngành đột kích vào tiểu khu 142, còn năm 2015 và năm 2016, mỗi năm cũng không dưới 10 lần. “Hầm thiếc bị đánh sập, các trang thiết bị, máy móc bị tiêu hủy nhưng chúng tôi rút đi chưa đầy một ngày các đối tượng lại phân công nhau đào lại hầm, sắm lại trang thiết bị tiếp tục khai thác. Trong khi đó đường đi vào bãi thiếc rất xa xôi, màu mưa lầy lội đoàn liên ngành chưa vào tới nơi các “thiếc tặc” đã báo về hầm cất dấu máy móc vào rừng. Ngoài ra, khu vực này có nhiều vỉa thiếc nằm trong lòng núi, giá trị cao nên các đối tượng cộm cán nhiều nơi vào khai thác bất chấp cơ quan chức năng liên tục đẩy đuổi” - ông Tiến chia sẻ.
Như trong ngày hôm nay, mặc dù trước đó đã bị đoàn liên ngành truy quét, tiêu hủy nhiều trang thiết bị phục vụ việc đào thiếc trong núi vào ngày 12/11 nhưng các đối tượng đã nhanh chóng đào thêm một hầm thiếc mới kiên cố, xây thêm 3 lều ở bằng gỗ thông, cách vị trí hầm thiếc cũ khoảng 700m, nơi có cây cối rậm rạp không ai để ý. Thậm chí, lực lượng Công binh Tỉnh đội Lâm Đồng kết hợp với các lực lượng khác không thể dùng 200kg thuốc nổ để đánh sập hầm thiếc chính. “Thiếc tặc” đã khôn khéo đánh sập cửa hầm ngăn lực lượng tiến hành giải tỏa không thể đào đất vào sâu trong hầm chính để đặt mìn đánh sập. Chúng tôi buộc phải dừng đào vì mất quá nhiều thời gian, khi nào qua theo dõi các đối tượng đào lại, chuẩn bị khai thác lại chúng tôi sẽ tiếp tục đánh sập hầm chính” - ông Sử Thanh Hoài nói và cho biết thêm đợt “đột kích” lần này đoàn sẽ phá hủy những hầm, chòi, trang thiết bị để hạn chế tối đa hoạt động trở lại của các “thiếc tặc”.
|
Đoàn liên ngành gồm nhiều lực lượng, gần 100 người tiến hành “đột kích” khu vực khai thác thiếc “lậu” tại Núi Cao ngày 1/12 |
|
Ngay khi tới nơi, đoàn liên ngành bắt đầu tiến hành cho các chiến sỹ đào vào khu hầm chính (sâu gần hơn 500m) để lực lượng công binh đặt 200kg thuốc nổ NT để đánh sập hầm |
|
Tới gần 12h trưa nay, các chiến sỹ đã phải dừng đào cửa hầm vì có quá nhiều đất đá các “thiếc tặc” chủ động làm sập phía đầu hầm, ngăn không cho lực lượng chức năng đánh sập |
|
Trong khi các chiến sỹ lực lượng huyện đội Đơn Dương thay nhau đào hầm chính để đặt mìn, một nhánh khác gồm 20 chiến sỹ gồm nhiều đơn vị đi kiểm tra một quả đồi rậm rạp khác các đối tượng có dấu hiệu tiếp tục đào hầm mới men theo một con suối nhỏ |
|
Ông Trịnh Văn Tiến, Phó Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương phát hiện “thiếc tặc” chặt 3 cây gỗ thông hàng chục năm tuổi để xẻ gỗ làm chòi mới |
|
Tại một hầm thiếc cũ, đoàn kiểm tra phát hiện một máy nổ được dấu kỹ bên dưới đống cỏ |
|
Theo ông Trịnh Xuân Tự, Phó Ban Quản lý rừng phòng hộ Đa Nhim tại khu vực này có 4 nhóm khai thác thiếc lậu chuyên nghiệp, đào đãi thiếc bất kể ngày đêm. Cơ quan chức năng phá hầm cũ, ít ngày sau nhóm khác đã đào hầm mới. Hầm thiếc nào các “thiếc tặc” cũng dựng một bàn thờ nhỏ để cầu may mắn mỗi khi vào hầm |
|
Tới khoảng 11h, một đường hầm vết đất đào còn rất mới được lực lượng chức năng phát hiện cách vị trí hầm chính một quả đồi, khoảng hơn 700m |
|
Bên trong các thanh đỡ bằng gỗ thông còn mới nguyên và hầm được xây rất chắc chắn |
|
Một trong 3 căn chòi mới làm của “thiếc tặc” bị lực lượng chức năng phá hủy trước khi châm lửa đốt |
|
Lực lượng Tỉnh đội thăm dò hầm mới được xây dựng khá kiên cố, dài gần 20m và cao khoảng 1,7m, chiều ngang hơn 1m |
|
Theo tính toán, với mức độ sâu của hầm thiếc mới, lực lượng công binh của Tỉnh đội kết hợp với đơn vị chuyên môn khác sẽ đặt 24kg thuốc nổ NT để đánh sập hầm toàn bộ |
|
Như một số lần trước, lo ngại các “thiếc tặc” còn ở trên đồi, khu vực gần hầm thiếc các chiến sỹ phải dùng loa phát thông báo mìn sắp nổ khoảng 15 phút, tránh tình huống đáng tiếc có thể xảy ra |
|
Giây phút dây nối với thuốc nổ NT được kéo xa cách hầm thiếc 500m và được bấm nút cho nổ |
Phóng sự ảnh: CHÍNH THÀNH